Ứng dụng gọi xe đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi CEO Nadiem Makarim rời bỏ công ty để đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giáo dục trong nội các Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Giải thích lý do rời Go-Jek để gia nhập nội các của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cựu CEO Nadiem Makarim nói: "Sứ mệnh của tôi tại Go-Jek là khẳng định vị thế của Indonesia trên trường quốc tế. Việc trở thành Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa là hành động tiếp tục sứ mệnh đó ở quy mô lớn hơn".
Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định cựu CEO 35 tuổi rời bỏ Go-Jek ở thời điểm không thực sự thuận lợi với công ty được định giá gần 11 tỷ USD. Thời gian qua, bê bối WeWork tại Mỹ khiến giới đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn với các startup "kỳ lân".
Trên thực tế, "siêu ứng dụng" Go-Jek đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức ở cả sân nhà Indonesia và các thị trường nước ngoài.
Cạnh tranh khốc liệt với Grab
Tại Indonesia, Go-Jek đang đánh mất thị phần vào tay đối thủ Grab của CEO Anthony Tan, bạn cùng lớp của Nadiem Makarim tại Trường Kinh doanh Havard. Theo hãng nghiên cứu thị trường ABI Research (Anh), Grab hiện kiểm soát tới 64% thị phần gọi xe ở Indonesia.
Dù vậy, ông Makarim từng khẳng định dịch vụ gọi xe "chiếm chưa đầy 25% tổng giá trị giao dịch của Go-Jek". Trên thực tế, các lãnh đạo Grab cũng từng tuyên bố rằng dịch vụ giao đồ ăn mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận của hãng trong tương lai.
Nikkei Asian Review cho rằng điều đáng lo ngại hơn với Go-Jek là sự hiện diện với quy mô ngày càng lớn của Grab trong lĩnh vực thanh toán di động. Ông Makarim từng mô tả thanh toán di động là "công cụ tạo doanh thu chủ chốt" và là “chất keo kết nối mọi dịch vụ” của Go-Jek.
Ovo - công ty thanh toán di động thuộc sở hữu một phần của Grab - kiểm soát 37% thị phần thanh toán kỹ thuật số tại thị trường Indonesia tính theo giá trị giao dịch. Ngược lại, cổng thanh toán GoPay của Go-Jek chỉ có trong tay 17% thị phần.
Theo nguồn tin báo chí Indonesia, Ovo đang đàm phán sáp nhập với với đối thủ địa phương Dana. Nếu điều đó xảy ra, Ovo sẽ có thêm 10% thị phần. Độ chính xác của các số liệu còn là một dấu hỏi, nhưng có một điều chắc chắn là cạnh tranh tại thị trường Indonesia sẽ ngày càng trở nên nóng bỏng hơn.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định tại các thị trường khác ở Đông Nam Á, Go-Jek cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chiến lược của Go-Jek tại nước ngoài cũng giống như Grab. Đó là tận dụng dịch vụ gọi xe để lôi kéo khách hàng vào hệ sinh thái siêu ứng dụng của mình.
Go-Jek tham gia thị trường Việt Nam từ giữa năm 2018 với ứng dụng GoViet, chậm chân hơn so với Grab. GoViet chứng kiến nhiều biến động ở vị trí CEO khi hai lần thay vị trí tổng giám đốc chỉ trong 6 tháng.
CEO gần nhất của GoViet là bà Lê Diệp Kiều Trang rời công ty chỉ sau 5 tháng đảm nhận vị trí điều hành. Hiện GoViet chưa thông báo ai sẽ là CEO tiếp theo. Ở Việt Nam, GoViet cung cấp 3 dịch vụ gồm chở khách, giao hàng và giao thức ăn do các đối tác tài xế 2 bánh đảm nhận. Công ty chưa triển khai dịch vụ chở khách bằng ôtô Go-Car và thanh toán điện tử Go-Pay.
“Siêu ứng dụng phụ thuộc vào quy mô. Bạn cần rất nhiều khách hàng cùng sử dụng một ứng dụng. Nhưng khi bạn chỉ đứng thứ hai, thứ ba hay thứ tư ở một quốc gia, điều đó trở nên khó khăn”, chuyên gia Kuo Yi Lim của Monk's Hill Ventures nhận định. Go-Jek sẽ còn mất nhiều thời gian để triển khai dịch vụ GoPay ở nước ngoài.
Vẫn huy động được vốn
Việc CEO Nadiem Makarim ra đi không hẳn là cú đòn "knock-out" đối vơi Go-Jek dù cũng gây ra một số rắc rối. Garda - một công đoàn đại diện cho các tài xế xe ôm - đe dọa sẽ tổ chức đình công để phản đối việc ông Makarim trở thành bộ trưởng. Họ cho rằng ông Makarim khi còn làm CEO Go-Jek đã không giải quyết được vấn đề lương tài xế quá thấp.
Về vấn đề điều hành, Go-Jek đã phản ứng nhanh. Chủ tịch Andre Soelistyo cùng người đồng sáng lập Kevin Aluwi sẽ cùng nhau đảm nhận vai trò CEO mà Bộ trưởng Giáo dục Makarim để lại.
Trong email gửi cho các nhân viên Go-Jek hôm 23/10, ông Makarim khẳng định “hoàn toàn tin tưởng vào kỹ năng chuyên môn, khả năng điều hành và cả sự chính trực” của các đồng CEO mới.
Các nhà đầu tư của Go-Jek cũng không tỏ ra quá lo lắng. Ông Hian Goh thuộc Openspace Ventures nhận định: “Quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra khá suôn sẻ, không gây điều tiếng. Điều đó cho thấy trình độ của đội ngũ quản lý và sự kiên cường của công ty".
Và bất chấp việc bê bối WeWork phủ bóng đen lên thị trường startup, Go-Jek vẫn đang huy động được vốn. Một nhóm công ty con của Mitsubishi bao gồm Mitsubishi Motor, Mitsubishi Corp và Mitsubishi UFJ Lease and Finance đã đầu tư vào Go-Jek hồi tháng 7.
Quỹ Cool Japan Fund do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn cũng đầu tư khoảng 50 triệu USD vào Go-Jek. Tháng 9, Go-Jek nhận thêm một đợt vốn mới từ hãng bảo hiểm AIA Indonesia.
Theo Crunchbase, đến nay Go-Jek đã huy động được 3,1 tỷ USD và đạt giá trị vốn hóa gần 11 tỷ USD. Hồi đầu năm, cựu CEO Makarim từng tự tin tuyên bố dịch vụ đa dạng của Go-Jek sẽ giúp hãng giành chiến thắng trước Grab.
Trong khi dịch vụ gọi xe của cả hai hãng đều bị coi là lỗ, Makarim cho rằng Go-Jek đang tiến gần tới việc đạt lợi nhuận nhờ các dịch vụ phi giao thông khác. Cả Grab và Go-Jek đều không công bố doanh thu ở từng mảng kinh doanh.
Phương Thảo
Theo Zing