Doanh thu của nhà cung cấp pin mặt trời cho dự án điện mặt trời tại Việt Nam đến từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Tập đoàn Scatec Solar của Na Uy mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Năng Lượng MT (MT Energy) để phát triển các dự án năng lượng mặt trời ở Bình Phước, Quảng Trị và Nghệ An với tổng công suất đạt 485 MW, giá trị đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án nhà máy điện mặt trời được công bố ồ ạt trong khoảng 2 năm qua ở Việt Nam. Những dự án đầu tiên đã đi vào hoạt động trong vài tháng trở lại đây góp phần giải quyết nhu cầu điện ngày một tăng cao.
Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công.
Với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tại Ninh Thuận, khu vực tốt nhất để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tập đoàn Trung Nam cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án tổ hợp điện mặt trời và điện gió trong tháng 4. Trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW). Theo công bố của TTC, tập đoàn có kế hoạch phát triển 20 nhà máy điện mặt trời với quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An....
Một loạt dự án điện mặt trời khác đang chạy đua để hoàn thành xây dựng và vận thành thương mại trước ngày 30/6, nhằm hưởng chính sách giá mua điện mặt trời 9,35 cents/Kwh. Trong đó có các dự án lớn như Điện mặt trời tại Hồ Dầu Tiếng do Công ty Xuân Cầu và BGrimm phát triển, các dự án của Bamboo Capital hay của TTVN Group...
Hàng chục nghìn tỷ đồng đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Con số này phần lớn được chi trả cho các nhà thầu cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời, hạng mục thường chiếm khoảng 50% tổng chi phí của mỗi dự án.
Đáng chú ý, những công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều nằm tại Trung Quốc. Theo một thống kê của PV Tech & Solar Media, trong 10 nhà cung cấp tấm pin lớn nhất thế giới có sự góp mặt của 8 công ty đến từ Trung Quốc.
Không ít nhà cung cấp trong top này đã góp mặt trong các dự án điện mặt trời tại Việt Nam như JA Solar (nhà cung cấp lớn nhất thế giới), Trina Solar (xếp thứ 3) hay JinkoSolar (xếp thứ 5).
Ngày 22/2 vừa qua, JA Solar thông báo sẽ cung cấp toàn bộ pin với công nghệ phát quang thụ động cho nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 do Công ty cổ phần Bắc Phương xây dựng tại Ninh Thuận.
Năm ngoái, Trina Solar phát đi thông báo cung cấp pin cho dự án điện mặt trời của Trung Nam Group.
Một nhà cung cấp khác đến từ Trung Quốc là Risen Energy tháng 10 năm ngoái cũng thông báo trúng thầu dự án trạm năng lượng mặt trời có công suất 50MW của Thap Cham Solar- thành viên của Bitexco Group Việt Nam.
Tại Ninh Thuận, tổng công suất lắp đặt của Risen Energy tại các dự án lên tới 161 MW, trong đó có dự án 61MW, công ty này kết hợp với Tasco để phát triển.
Cuộc đua điện mặt trời đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất với các nhà sản xuất tấm pin năng lượng. Báo cáo của Công ty Jinko Solar, nhà cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời lớn thứ 5 thế giới năm ngoái, cho biết doanh thu từ thị trường Việt Nam năm 2018 đạt 148 triệu USD so với con số không đáng kể trong các năm trước.
Mới đây, công ty này tiếp tục trở thành nhà cung cấp pin cho tổ hợp Srepok 1 và Quang Minh. Dự án có công suất 100 MW và tổng giá trị đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 8/2018, Jinko lý thỏa thuận cung cấp thiết bị cho giai đoạn hai của nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có công suất 240 MW. Đây sẽ là dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á khi hoàn thành, với tổng công suất 420 MW. Dự án này sẽ giúp doanh thu của Jinko Solar tại thị trường Việt Nam tăng mạnh trong năm các năm tới.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW đã được gửi lên trong vòng một năm qua trong khi mức được phê duyệt đến hết năm 2018 mới chỉ ở mức 7.500 MW.
Hiện còn khoảng 20.000 MW điện gió, điện mặt trời đang “xếp hàng” chờ bổ sung quy hoạch, đồng nghĩa với việc mức lợi nhuận cho các nhà cung cấp pin, đặc biệt là nhà cung cấp Trung Quốc tại thị trường Việt Nam sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Kiều Mai/Nhà Quản trị