Đại gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng Lê Viết Hải có những tính toán để nâng cao "sức khỏe" tài chính. Ông lớn ngoại và những gương mặt doanh nhân đình đám trong nước có thể sớm xuất hiện.
Tài liệu họp ĐHĐCĐ của CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải vừa được công bố cho thấy, doanh nghiệp xây lắp hàng đầu tại Việt Nam này sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ cho Hyundai Elevator Co.Ltd với khối lượng 25 triệu cổ phiếu, giá phát hành 23.000 đồng/cp.
Mức giá phát hành này cao hơn khá nhiều so với mức giá khoảng 19.000 đồng/cp của HBC trên sàn chứng khoán. Cổ phần phát hành cho Hyundai Elevator sẽ được thực hiện sau khi HBC của ông Hải chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Đây là một thông tin khá tích cực đối với Hòa Bình của ông Lê Viết Hải, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) chùng xuống.
Với mức giá nói trên, nếu thành công, HBC của ông Hải sẽ thu về 575 tỷ đồng, dùng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động xây dựng; mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hyundai Elevator được biết đến là nhà cung cấp các sản phẩm thang máy và thang cuốn tại các dự án do Hòa Bình tham gia. Nếu Hyundai trở thành cổ đông, HBC có thể sẽ được tiếp cận với những sản phẩm với mức giá cạnh tranh hơn.
Bên cạnh việc phát hành chiến lược, Hòa Bình dự kiến phát hành 1,3 triệu cp ESOP trong 2019 với giá 10.0000 đồng/cp và phát hành 3,75 triệu quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.
Một thông tin cũng được nhiều người quan tâm là HBC sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc bầu cử 6 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, trong đó có một gương mặt mới là ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch TTCLan - trước là Sacomreal (SCR) và là con trai của doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành.
Ông Park Seok Bae, TGĐ Hyundai Elevator Việt Nam cũng nằm trong danh sách ứng viên HĐQT HBC trình ĐHĐCĐ tới.
HBC dự tính kế hoạch doanh thu 2019 tăng 1,6% lên 18,6 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16% lên 720 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải gần đây vẫn có được sự quan tâm của các nhà đầu tư, ngân hàng cho dù khoản phải thu 11 ngàn tỷ đồng của Hòa Bình gây thông tin trái chiều thời gian qua.
HBC của ông Hải gần đây bứt phá nhiều phiên liên tục từ mức 18.300 đồng/cp lên 19.550 đồng/cp như hiện tại, với giá trị giao dịch trung bình khá lớn, khoảng 40 tỷ đồng/phiên. Đây là một diễn biến gây chú ý khi HBC có nhiều những thông tin về khoản phải thu lớn nhiều ngàn tỷ đồng. Một dòng tiền lớn vẫn đang âm thầm mua vào, khối lượng của các lệnh khớp đều ở mức cao.
Khoản phải thu lớn là nỗi lo ở nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhưng với các doanh nghiệp lớn như Coteccons, Hòa Bình, Unicons, Vinaconex, Udic,... thì không phải là hiện tượng bất thường.
Với một doanh nghiệp xây dựng, khoản phải thu thường rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản, rủi ro là cũng khá nhiều. Tuy nhiên, các DN hàng đầu như Coteccons, Hòa Bình, Unicons, Vinaconex, Udic,... hưởng một lợi thế khác biệt so với các DN xây dựng nhỏ nhờ vào tập khách hàng tốt và có sự hỗ trợ của các ngân hàng. Mới đây, HBC tiếp tục nhận được hạn mức tín dụng gần 6.000 tỷ đồng với lãi suất 5,2%-6,5%/năm từ các ngân hàng.
Kiểm soát chất lượng nợ và khoản phải thu là điều mà các tập đoàn xây dựng lớn như Coteccons hay Hòa Bình đang chú trọng; nếu làm tốt có thể là khối 'của để dành' hàng trăm triệu USD.
Đó là những khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng, dự án xây dựng đến đâu sẽ được thu công nợ đến đó. Các khoản phải thu khác thực hiện bình thường và một phần nợ gặp rủi ro được trích lập dự phòng theo thông lệ từng ngành, không có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính. Điều này đòi hỏi một bộ máy quản lý tài chính - công nợ tốt.
Theo VietnamFinance