Năm 2018, Diana ghi nhận kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng. Một cách đơn giản, nếu tính P/E Diana ở mức 20 lần (P/E ngành) thì giá trị hợp lý của Diana vào khoảng 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD), cao hơn nhiều lần mức giá 194 triệu USD mà anh em ông Đỗ Minh Phú đã bán đi vào năm 2011.
Ra đời từ năm 1997, Diana là thương hiệu băng vệ sinh do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với tổng số tiền đầu tư ban đầu là 600 nghìn USD. Ông Đỗ Minh Phú là tên tuổi không còn xa lạ trên thương trường khi đảm nhận với vai trò người sáng lập tập đoàn Doji và Chủ tịch TPBank.
Dù ra mắt sau Kotex (thuộc tập đoàn Kimberly-Clark), nhưng Diana đã mau chóng vươn lên mạnh mẽ và là đối thủ cạnh tranh "cân tài cân sức" với tên tuổi lừng lẫy đến từ Mỹ này. Nếu như Kotex ra mắt dòng sản phẩm mới nào thì Diana cũng không chịu thua kém khi sẵn sàng tung ra sản phẩm tương ứng đối đầu, cũng như ngược lại.
Cuộc đối đầu của Diana và Kimberly-Clark diễn ra không chỉ trên phân khúc băng vệ sinh, mà còn diễn ra trên nhiều "mặt trận" như tã bỉm trẻ em (Bobby vs Huggies), tã người cao tuổi, khăn giấy…
Kể từ khi ra đời đến nay, hoạt động kinh doanh của Diana luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu chúng tôi có được, năm 2018, doanh thu Diana đạt 7.482 tỷ đồng – tăng 22%; Lợi nhuận sau thuế 1.109 tỷ đồng – tăng 28% so với năm trước đó và đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Năm 2018 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng của Diana khi lần đầu tiên lợi nhuận ròng công ty vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày trong năm 2018 Diana ghi nhận doanh thu 20,5 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 3,04 tỷ đồng.
Diana định giá tỷ USD, ông Đỗ Minh Phú đã bán quá "rẻ"?
Trong quá khứ, Việt Nam có khá nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng đình đám, chiếm phần lớn thị phần trong nước như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, dầu gội X-Men…Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển mạnh, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều áp lực từ tài chính cho tới công nghệ, thị trường…Khi đó, quyết định bán doanh nghiệp là lựa chọn của không ít ông chủ doanh nghiệp.
Điều tương tự cũng đến với Diana khi năm 2011, đang trong thời kỳ hoàng kim "ăn nên làm ra", anh em ông Đỗ Minh Phú đã quyết định bán 95% cổ phần Diana cho tập đoàn hàng tiêu dùng Unicharm của Nhật Bản. Khi đó, Unicharm đã chi ra 184 triệu USD, tương ứng định giá công ty ở mức 194 triệu USD (hơn 4.000 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó).
Vào thời điểm năm 2011, Diana là một trong những thương vụ M&A có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Mức giá gần 4.000 tỷ đồng cho một doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ 40 tỷ vào năm 2010 khiến khá nhiều người ngạc nhiên.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, Diana có có sự tăng trưởng mạnh với doanh thu 1.700 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Như vậy tại thời điểm hoàn tất giao dịch, Unicharm đã định giá Diana ở mức 40 lần lợi nhuận của công ty (P/E 40 lần).
Trong những năm tiếp theo, Diana tiếp tục bứt phá ngoạn mục và đến năm 2018, doanh thu đã lên tới 7.482 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.109 tỷ đồng (lãi gấp 28 lần năm 2010). Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2011 – 2018 về doanh thu của Diana lên tới 21% và lợi nhuận là 34%.
Theo thống kê, các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tương tự như Diana hiện có P/E từ 20 – 30, riêng công ty mẹ của Diana là tập đoàn Unicharm có P/E lên tới 35.
Một cách đơn giản, nếu tính P/E Diana ở mức 20 lần với lợi nhuận năm 2018 đạt 1.109 tỷ đồng thì giá trị hợp lý của Diana vào khoảng 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD), cao hơn nhiều lần mức giá 194 triệu USD mà anh em ông Phú đã bán đi vào năm 2011.
Có thể thấy, mức giá mà anh em ông Phú đã bán Diana vào năm 2011 là khá "rẻ". Tuy vậy, nếu không có sự xuất hiện của Unicharm, cũng chưa chắc Diana đã có mức tăng trưởng ấn tượng như lúc này.
Ông Đỗ Minh Phú từng chia sẻ trên truyền thông sau quyết định bán Diana: "Quan điểm của chúng tôi là khi một công ty lớn mạnh thì nên chăng không cần soi quá kỹ vào cơ cấu sở hữu. Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam".
Hiện tại, nhóm cổ đông ông Đỗ Minh Phú vẫn còn sở hữu 5% cổ phần tại Diana và ông Đỗ Anh Tú - em trai ông Đỗ Minh Phú vẫn tiếp tục giữ vai trò Tổng giám đốc của Diana.
Sau khi bán Diana, ông Đỗ Minh Phú đã có lượng tiền không nhỏ để đầu tư vào lĩnh vực tài chính với ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đầu tư bất động sản hay mới đây nhất là chứng khoán Tiên Phong (mua lại chứng khoán Phương Đông ORS).
Anh em ông Đỗ Minh Phú đã đầu tư vào TPBank đúng lúc ngân hàng này gặp khó khăn nhất với mức lỗ cả nghìn tỷ đồng phải tái cơ cấu, giờ đây đã trở thành một ngân hàng có lợi nhuận lớn với mức định giá gần 20.000 tỷ đồng.
Năm 2019, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng khá tham vọng với mục tiêu 3.200 tỷ đồng LNTT, tăng 42% so với năm trước.
Theo Minh Anh
Trí Thức Trẻ