Đông Nam Á đang trải qua một cuộc cách mạng thực sự về fintech, nơi những gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống lớn.
Theo nghiên cứu do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. thực hiện, khoảng một nửa trong số gần 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á không có tài khoản ngân hàng. Hơn 90 triệu người có tài khoản thì gần như không thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng cơ bản như đầu tư, bảo hiểm hoặc tín dụng.
Nhiều ông lớn công nghệ trẻ tham gia
Việc xây dựng mạng lưới ngân hàng vật lý, chẳng hạn như chi nhánh và máy ATM bao phủ khu vực rộng lớn và phân bố dân cư phức tạp như Đông Nam Á gần như là không thể. Tuy nhiên tốc độ phổ biến điện thoại thông minh nhanh chóng trong khu vực đang thay đổi cục diện, giúp ông lớn công nghệ có động lực tham gia vào ngành tài chính.
GoTo - tập đoàn công nghệ lớn nhất Indonesia mới đây vừa ra mắt ví GoPay. Ví này cung cấp gần như mọi dịch vụ mà một ngân hàng truyền thống có như gửi tiền mặt, ứng dụng để mua hàng, "mua ngay, thanh toán sau", hay thậm chí thực hiện khoản đầu tư vào quỹ nước ngoài. Ngoài ra, GoTo cũng lên kế hoạch cung cấp dịch vụ ngân hàng tương tự cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ của Gojek và Tokopedia.
Trong khi đó Sea - công ty mẹ Shopee - mua lại ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi của Indonesia và đổi tên thành SeaBank. Đây được cho là bước đệm để Sea gia nhập ngành tài chính tại Indonesia, dự kiến đối đầu trực tiếp với GoTo.
Akulaku, một start-up fintech Indonesia cũng tham gia vào cuộc chiến. Được hỗ trợ bởi Ant Group, Akulaku hiện là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng Yudha Bhakti - nay đổi tên là ngân hàng Neo Commerce.
Ngân hàng truyền thống phản công
Ở phía ngược lại, các ngân hàng truyền thống lớn trong khu vực cũng không chịu đứng yên khi đầu tư mạnh mẽ, xây dựng ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số.
Nhờ lợi thế danh tiếng và lượng khách hàng ban đầu lớn, ứng dụng kỹ thuật số do ngân hàng truyền thống phát triển dễ dàng được đón nhận. Chẳng hạn như ứng dụng TMRW của ngân hàng UOB (Singapore) hiện đã có hơn 400.000 người dùng chỉ sau 2 năm ra mắt tại Thái Lan và Singapore.
Janet Young, người đứng đầu nhóm số hóa tại UOB cho biết ngân hàng truyền thống nhận thức sâu sắc về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những gã khổng lồ công nghệ trong khu vực. "Chúng tôi coi họ là đối thủ thực sự. Họ vừa sở hữu hệ sinh thái rộng, lại tuân thủ ít quy định hơn. Việc điều hành một ngân hàng phức tạp hơn một ví điện tử rất nhiều", bà Young nói.
Cũng theo bà, ngân hàng coi dịch vụ kỹ thuật số là một "động thái phòng thủ" hữu ích để chống lại sự xâm chiếm từ các tập đoàn công nghệ. Ngân hàng kỹ thuật số có khả năng mở rộng tốt trong khi chi phí rẻ hơn so với việc mở chi nhánh truyền thống.
Đánh giá về ưu nhược điểm giữa ngân hàng và fintech trong cuộc đua giành thị phần ở Đông Nam Á, Gavin Yue, một nhà tư vấn nghiên cứu tại Kapronasia nhận định: "Tổ chức tài chính truyền thống sẽ có lợi thế bởi họ có nhiều tài sản thế chấp và danh tiếng tốt hơn. Họ cũng sở hữu nhiều vốn hơn nhờ quyền tiếp cận với các quỹ đầu tư công. Điều này tác động đến khả năng tiếp thị, định giá và mua lại."
Tuy nhiên, Yue lưu ý rằng fintech có "vũ khí riêng" để cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng. "Các start-up kỹ thuật số có cơ sở hạ tầng dữ liệu linh hoạt hơn trong khi ngân hàng phải vật lộn với công nghệ cũ, gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và trải nghiệm tổng thể mà họ cung cấp tới khách hàng."
Các ông lớn toàn cầu không thể ngồi yên
Cuộc cách mạng fintech ở Đông Nam Á đang buộc công ty trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu, như Visa và Mastercard buộc phải thích ứng.
"Mỗi năm, chúng tôi đang hợp tác với 50 - 60 công ty fintech ở Châu Á - Thái Bình Dương", Matthew Wood, người giám sát quan hệ đối tác kỹ thuật số và fintech của Visa tại ASEAN cho biết.
Trong khi đó Tobias Puehse, phó chủ tịch phụ trách đổi mới và giải pháp khách hàng tại Châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard tiết lộ: "Những thị trường đi tắt đón đầu (như Đông Nam Á) cho ta cái nhìn rõ hơn về hành vi tiêu dùng tương lai của khách hàng."
Visa và Mastercard hiện đang cạnh tranh gay gắt để thiết lập thêm quan hệ đối tác ngoài ngân hàng truyền thống ở ASEAN. Visa đầu tư vào Gojek vào năm 2019 còn Mastercard là đối tác của Grab.
Theo Visa, chưa đến một nửa số người tiêu dùng ở Đông Nam Á chọn tiền mặt là phương tiện thanh toán ưa thích hàng đầu. "Mục tiêu cuối cùng mà chúng tôi đặt ra là triệt tiêu việc sử dụng tiền mặt và fintech có thể và sẽ là động lực lớn thúc đẩy số hóa ngành thương mại Đông Nam Á", Wood nói.
Vẫn cần thời gian để đánh giá tác động của cuộc cách mạng fintech đang diễn ra trong khu vực. Tuy nhiên có thể khẳng định sự cạnh tranh từ những người chơi mới đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ASEAN sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.