Deng Shuang, bà mẹ 34 tuổi, muốn rủ một người khác cùng mua giày cho con trên trang thương mại điện tử Taobao thông qua ứng dụng nhắn tin Wechat. Thay vì nhấn nút “chia sẻ” trực tiếp trên Taobao, Deng sao chép đường link sản phẩm trên Taobao và dán vào Wechat.
Rào cản trong việc chia sẻ thông tin giữa hai gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc đang gây khó khăn cho hàng triệu người dùng hàng ngày. Đây không phải là lỗ hổng công nghệ có thể vá được dễ dàng vì nó là bức tường mà các công ty công nghệ dựng lên để cạnh tranh.
Nhiều người cho rằng Internet ở Trung Quốc là một thế giới có tính gắn kết cao nhưng thực chất trong thế giới này tồn tại nhiều hệ sinh thái riêng biệt với sự kết nối lỏng lẻo. Cuộc cạnh tranh trên Internet tại đây không chỉ xảy ra giữa các công ty công nghệ, mà là giữa các hệ sinh thái sản phẩm khổng lồ.
Siêu ứng dụng và hệ sinh thái
"Các công ty Internet ở Mỹ và châu Âu thường tập trung vào một lĩnh vực và cố gắng trở thành người dẫn đầu. Tuy nhiên, với cùng một xuất phát điểm, các công ty Trung Quốc lại mở rộng hệ sinh thái ra tất cả các lĩnh vực", William Bao Bean - Giám đốc điều hành Chinaccelerator từng nói với Technode trong một bài phỏng vấn gần đây.
Các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là những công ty công nghệ cao như Baidu, Alibaba và Tencent, hay còn gọi là bộ ba BAT, bắt đầu từ một sản phẩm nhỏ nhưng lại có tham vọng tăng trưởng cực lớn. Tham vọng này khiến sản phẩm của họ dần phát triển thành mô hình "siêu ứng dụng và hệ sinh thái" và muốn thống trị toàn thị trường.
Thời gian đầu, các công ty công nghệ tạo ra một siêu ứng dụng cung cấp rất nhiều dịch vụ như mỏ neo để ràng buộc người dùng. Chẳng hạn ứng dụng nhắn tin OTT và mạng xã hội WeChat hiện cho phép chơi game, thanh toán online, dò bản đồ, kết bạn bốn phương... Hiện WeChat có hơn một tỷ người sử dụng, chiếm thị phần cao nhất tại Trung Quốc, đưa công ty mẹ Tencent trở thành gã thống trị trên thị trường ứng dụng OTT.
Tencent hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, bao phủ khắp cuộc sống của người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: WSJ. |
Ở giai đoạn tiếp theo, khi doanh nghiệp bắt đầu tăng trưởng, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đầu thành hình. Mỗi khi có một xu hướng mới manh nha trong cộng đồng người dùng, các hệ sinh thái lập tức theo đuổi. Alibaba là một ví dụ, họ thành lập Alipay để giải quyết vấn đề thanh toán trên Taobao. Còn Cainiao thì cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh vốn song hành cùng sự phát triển của ngành thương mại điện tử.
Dù mỗi ông lớn đều khởi đầu ở những địa hạt riêng, nhưng khi phát triển, họ đều dần rời xa lĩnh vực ban đầu. Các sản phẩm, dịch vụ của họ dần trở nên chồng chéo nhau, cho đến khi xuất hiện một sản phẩm mạnh nhất, trở thành át chủ bài của doanh nghiệp.
Khi các ứng dụng gọi xe qua di động bùng nổ vào năm 2013, Alibaba và Tencent lần lượt đầu tư vào Kuaidi và Didi, hai công ty tăng trưởng nhanh nhất trong ngành này nhằm đón đầu sự phát triển của lĩnh vực mới. Tiếp sau đó, Baidu bước vào cuộc chiến bằng việc đầu tư vào Uber. Ban đầu sản phẩm chỉ là một ứng dụng gọi xe, về sau, hệ sinh thái dần mở rộng sang các lĩnh vực thanh toán, game, mạng xã hội, mua sắm trên di động... Các hãng công nghệ tập hợp đầy đủ tất cả các ứng dụng và dịch vụ trong hệ sinh thái. Nhờ đó, họ có thể giữ chân khách hàng.
Đế chế hình thành
Các công ty mở rộng hệ sinh thái bằng cách gọi thêm vốn, mua lại công ty khác hoặc tự thân vận động. Thời gian đầu, một số ông trùm công nghệ Trung Quốc, ví dụ như Tencent, mang điều tiếng xấu khi sao chép ý tưởng từ các startup và giết chết họ bởi nguồn lực, kinh nghiệm và số lượng người dùng khổng lồ.
Tuy nhiên khi các hệ sinh thái đã đạt đến mức độ vững mạnh nhất định, việc cạnh tranh ngày càng khắt khe hơn, ngay cả với bộ ba BAT. Thay vì tốn nguồn lực tự thân để phát triển sản phẩm mới, các ông lớn công nghệ Trung Quốc gia tăng đầu tư và thâu tóm công ty nhỏ hơn.
Alibaba và Tencent là những nhà đầu tư tích cực nhất trong những năm gần đây. Số liệu từ công ty ITJuzi cho thấy Tencent đứng đầu danh sách đầu tư mạo hiểm năm 2017 tại Trung Quốc với 127 thương vụ, Alibaba đứng thứ tư với con số 77. Trong khi đó, Baidu có vẻ thận trọng hơn.
Alibaba là một trong những công ty tích cực đầu tư cho các startup nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Ảnh hưởng của việc này đã biến thế giới công nghệ ở Trung Quốc thành những phân khu khác nhau. Theo dữ liệu từ Ctoutiao, hơn một nửa startup kỳ lân tại đây được sáng lập hay đầu tư bởi BAT và 90% công ty có vốn hóa thị trường từ 5 tỷ USD trở lên có liên quan đến ba công ty này.
Mỗi công ty lại có khẩu vị đầu tư riêng. Alibaba có xu hướng nắm giữ số cổ phần lớn hoặc cổ phần chi phối và tham gia sâu vào hoạt động vận hành ty. Tencent lại chỉ đầu tư cổ phần nhỏ để thực hiện được nhiều thương vụ hơn. Cách tiếp cận này khiến công ty gặp rắc rối. Một bài viết trên Wechat được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều hồi đầu năm chỉ trích Tencent "đánh mất chính giấc mơ của mình" và dành thời gian tìm kiếm ứng dụng để đầu tư thay vì tập trung vào sản phẩm riêng.
Lợi ích cho startup
Sức mạnh của siêu ứng dụng và tầm quan trọng của việc gia nhập hệ sinh thái thể hiện rõ ở trường hợp của ứng dụng mua sắm trên di động Pinduoduo. Startup này đạt mốc giá trị 100 tỷ Nhân dân tệ trong chưa đầy 3 năm thành lập. Trong khi Taobao phải mất 5 năm và JD mất 10 năm mới đạt được mức giá trị này.
Sự tăng trưởng của Pinduoduo một phần đến từ chiến lược gia nhập hệ sinh thái mạng xã hội WeChat. Thông qua WeChat, Pinduoduo mang đến cho người dùng toàn bộ dịch vụ đi kèm như thanh toán, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội...
"Nếu các dịch vụ Tencent cung cấp cho chúng tôi bị hạn chế, kém hiệu quả, đắt đỏ... việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chúng tôi không duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tencent, điều đó cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", công ty này thừa nhận trong một báo cáo.
Mất sự hỗ trợ của người khổng lồ có thể gây bất lợi. Đơn cử như câu chuyện ổ phiếu của công ty cho vay nhỏ lẻ Qudianplunged rớt xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết ngay sau khi Ant Financial tuyên bố ngừng hợp tác với đơn vị này.
Những bức tường cao hơn
Khi sự cạnh tranh khốc liệt hơn, các đại gia công nghệ Trung Quốc xây cao bức tường cô lập hệ sinh thái khép kín của họ bằng cách chặn các dịch vụ bên ngoài hoặc gia tăng quyền lợi cho khách hàng trung thành.
Hồi tháng 5, Wechat tuyên bố siết quy định chia sẻ thông tin trên mạng xã hội này. Theo đó các thành viên bị cấm chia sẻ đường link nghe nhạc và xem phim không thuộc hệ sinh thái của Tencent. Bị phản ứng, lệnh cấm được gỡ bỏ ba ngày sau đó. Tuy nhiên trong phần điều khoản đăng ký dịch vụ cho người dùng mới, công ty ghi rõ quy định chỉ sử dụng các dịch vụ trong hệ sinh thái của hãng này.
Trong khi đó Alibaba từng công bố kế hoạch phát triển cộng đồng khách hàng trung thành. Theo đó chương trình 88VIP dựa vào số điểm tích lũy từ hoạt động giao dịch của khách hàng để phân chia hạng mức thành viên. Qua đó, thành viên nào xếp hạng cao hơn sẽ được hưởng những đặc quyền như giảm giá mua sắm, ưu đãi... trong hệ sinh thái của doanh nghiệp này.
"Chúng tôi tin rằng chỉ khi tạo ra một hệ sinh thái cởi mở, hợp tác và thuận tiện, cho phép các thành viên tham gia đầy đủ thì mới có thể thật sự giúp các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và người bán hàng nhỏ lẻ. Với tư cách là người quản trị hệ sinh thái này, chúng tôi dành sự tập trung, nỗ lực, thời gian và năng lượng vào những sáng kiến mang lợi ích tốt hơn cho hệ sinh thái và người tham gia", Chủ tịch Jack Ma từng viết trong một bức thư được công bố trước thời điểm Alibaba IPO vào 2014.
Triết lý của Jack Ma cho thấy cách các ông lớn công nghệ điều hướng doanh nghiệp. Hệ sinh thái của Tencent và Alibaba vẫn là những nơi phát triển mạnh nhất, kế đến là Baidu. Các công ty công nghệ khác như Xiaomi, Didi Chuxing, ByteDance, Meituan đang mài giũa hệ sinh thái của mình trong các lĩnh vực riêng về phần cứng thông minh, di động, nội dung và O2O (online to offline) nhưng họ vẫn đang trong những cuộc rượt đuổi. Didi và Meituan dù đã trở thành kỳ lân nhưng cũng ít nhiều nhận vốn đầu tư từ Alibaba và Tencent.
Trương Sanh
VnExpress