Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của Viettel Pay

31/10/2019 19:32

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 1.
Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 2.

Năm 2018, Harrison Jacobs, cây bút của Business Insider chỉ dùng một bức ảnh chứng minh sự thống trị của thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc: Những nghệ sĩ không mở túi đựng đàn để ủng hộ như thường thấy, thay vào đó, họ giơ cao tấm bảng có mã QR. Khán giả chỉ việc lấy smartphone ra quét mã, tiền theo đó sẽ được chuyển cho những nghệ sĩ trong vài giây.

Hiện thực ở Trung Quốc sớm muộn sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam trong thời gian tới. Tương tự người láng giềng, thanh toán điện tử đang dần phát triển mạnh mẽ tại nền kinh tế 96 triệu dân. Ví tiền thông thường sẽ được thay thế bằng những chiếc smartphone.

Nhưng nếu thanh toán điện tử chỉ có thể diễn ra trên smartphone thì sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân bị lãng quên. Nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy tỷ lệ người dùng Việt dùng điện thoại phổ thông còn rất cao, lên đến 38% - còn con số của một cuộc điều tra người dùng viễn thông năm 2018 còn lên tới gần 50%. Phần lớn trong số họ tập trung ở nông thôn. Mặt khác, chưa nói đến tài chính số, ngay cả dịch vụ tài chính truyền thống, họ cũng gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 3.

Bức ảnh nổi tiếng trên Business Insider chứng minh sự thống trị của thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc.

Điều này là thách thức trong việc phủ rộng thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam nhưng đồng thời cũng tạo ra một đại dương xanh cho các doanh nghiệp tài chính số. Bởi thị trường nông thôn gần như chưa có startup hay doanh nghiệp nước ngoài nào chạm đến.

"Chúng tôi muốn phục vụ hơn 90 triệu người dân Việt Nam, không phân biệt ai cả", Phạm Trung Kiên, TGĐ Tổng Công ty dịch vụ số Viettel chia sẻ.

Tương tự như hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông mà Viettel đã làm 15 năm trước, đi trồng cột, kéo cáp ở vùng sâu, vùng xa, ViettelPay phát triển công nghệ 4.0 cho cả những người chỉ có điện thoại "cục gạch", không cần dùng đến Internet, không cần thuộc mạng Viettel, vẫn dùng được.

Một điểm khác biệt với các ví điện tử khác, ViettelPay là nền tảng ngân hàng số. Do vậy, ViettelPay có thể thực hiện từ chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, thanh toán tín dụng, gửi tiết kiệm, cho vay… đến nạp thẻ cào, đặt vé máy bay, tàu hoả. Hơn thế, qua ViettelPay người dùng có thể gửi tiền mặt cho bất kỳ ai tận nhà hoặc tại gần 200.000 điểm giao dịch của Viettel trên khắp Việt Nam.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 4.

"ViettelPay là một sản phẩm tài chính cá nhân dành cho mọi người, kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa", ông Kiên khẳng định lại triết lý phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.

Sau hơn 1 năm hoạt động, giá trị giao dịch trung bình qua ViettelPay mỗi tháng là gần 50.000 tỷ đồng. Đây là một con số có thể gây ngạc nhiên với nhiều người.

Thế nhưng, những kết quả ViettelPay đã làm được chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn hơn mà Viettel hướng đến. Mobile Money (tiền di động) đang được doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho ngành công nghệ tài chính Việt Nam.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 5.

Mobile Money không phải là khái niệm mới trên thế giới. Bộ TTTT cho biết tính đến hết năm 2018, thế giới có 90 nước chấp nhận Mobile Money với 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%.

Do vậy năm 2019 nếu được cho phép thử nghiệm Mobile Money, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 91 tham gia vào thị trường này.

“Mobile Money là xu hướng của thế giới. Đây là hình thức tài chính cho người thu nhập thấp, những người nông dân không có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính hoặc có nhưng là những thứ không tốt kiểu tín dụng đen”, Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Viettel Digital Services nói.

ViettelPay đã có sự chuẩn bị từ sớm cho tài chính số mà ông Kiên gọi là “giải pháp thanh toán toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Mọi thứ đã sẵn sàng. Nếu một buổi sáng Mobile Money được cấp phép thì ngay lập tức hàng triệu thuê bao sẽ có thể sử dụng ngay, phủ từ thành phố đến nông thôn”, CEO Viettel Digital Services nói. Thứ mà doanh nghiệp cần nhất, theo ông Kiên, thực tế chỉ là giấy phép.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 6.

Mobile Money theo ông Kiên không phải là một sản phẩm độc lập với ViettelPay, do vậy, lãnh đạo Viettel khẳng định "không có chuyện cái này triệt tiêu hay cạnh tranh với cái kia".

Hiểu một cách đơn giản, Mobile Money được xem là sản phẩm "training" cho khách hàng chưa biết gì về dịch vụ tài chính. Bởi, ViettelPay dù đã có sự liên kết với các ngân hàng, có sẵn 200.000 điểm giao dịch tiền vật lý thì với một số người, nó vẫn tạo cảm giác khó khăn, chưa quen thuộc. Trong khi đó, với Mobile Money, khách hàng chỉ cần bật điện thoại lên là được.

"Mobile Money chỉ ứng dụng cho những dịch vụ giao dịch nhỏ, thường xuyên trong ngày", ông Kiên nói.

Những dịch vụ này có thể hình dung được như đi mua một mớ rau, uống một ly trà đá, thay vì phải trả 3.000 đồng, 5.000 đồng - mà người mua không phải lúc nào cũng có sẵn tiền lẻ, sẽ phải chờ tiền thối (hoặc cho luôn người bán) thì sử dụng Mobile Money là một biện pháp nhanh gọn. Sau đó, nếu khách hàng muốn sử dụng nhiều dịch vụ tài chính hơn, giá trị giao dịch cao hơn, ViettelPay sẽ là bước chuyển tiếp.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 7.

"Nó giống như một cái ví có 2 ngăn vậy. Một ngăn là Mobile Money, chi tiêu những khoản nhỏ, lẻ. Còn đến khi bạn muốn chi tiêu các khoản to hơn, thì chuyển sang ngăn thứ 2 – ViettelPay, ngăn đó đã sẵn sàng rồi", ông Kiên nói và nhấn mạnh ViettelPay hay Mobile Money chỉ đơn thuần là một loại sản phẩm nhưng có nguồn tiền khác nhau.

Việc "training" khách hàng, theo cách tiếp cận này, được ông Kiên nhận định sẽ giúp phổ cập tài chính công nghệ nhanh chóng hơn.

Nếu được triển khai thành công, mỗi số điện thoại sẽ có khả năng thanh toán tương tự một tài khoản ngân hàng. 130 triệu tài khoản thanh toán, cho dù là tiêu dùng thấp (hạn mức dưới 10 triệu đồng/tháng theo quy định dự kiến của Ngân hàng Nhà nước), cũng tạo ra những cơ hội khổng lồ. Mặt khác, đây cũng là cơ hội đào tạo khách hàng hàng tiềm năng cho việc sử dụng những dịch vụ tài chính số trong tương lai.

Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay - Ảnh 8.

Ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital Services: " Mục tiêu lớn nhất của Viettel Pay trong thời gian trước mắt là tạo lập cộng đồng và xây dựng tập khách hàng".

Thừa nhận thanh toán số là một con đường chông gai, CEO Viettel Digital Services cho biết: "Thanh toán số không có lãi". Thanh toán số là cốt lõi, nhưng bản chất là giúp thu hút khách hàng. "Về lâu dài, để tạo ra nhiều giá trị, lợi nhuận, thì các hoạt động phải đến từ các dịch vụ vệ tinh", ông Kiên cho biết.

Những dịch vụ vệ tinh này có thể kể đến như bảo hiểm, đầu tư, thương mại điện tử. Hệ sinh thái các dịch vụ này đang được Tổng công ty dịch vụ số Viettel xây dựng.

Ông Kiên nhấn mạnh: "Mục tiêu lớn nhất là tạo ra cộng đồng, xây dựng tập khách hàng".

Theo CEO Viettel Digital Services, đến năm 2025, dịch vụ này đặt mục tiêu sẽ có 26 triệu khách hàng, phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ. Hạ tầng sẽ đi trước để sẵn sàng phục vụ cho Mobile Money.

Theo Trí thức trẻ