Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cuộc đua 'đốt tiền' ở mảng giao đồ ăn tại Việt Nam

23/01/2019 23:21

Tương tự cuộc đua ứng dụng gọi xe chưa hết sốt, mảng giao đồ ăn màu mỡ đang chứng kiến cuộc chơi của các ông lớn mà kẻ bỏ nhiều tiền hơn chắc chắn có lợi thế.

Tương tự cuộc đua ứng dụng gọi xe chưa hết sốt, mảng giao đồ ăn màu mỡ đang chứng kiến cuộc chơi của các ông lớn mà kẻ bỏ nhiều tiền hơn chắc chắn có lợi thế.

Tài xế Grab và Now xếp hàng trong một quán cà phê - Ảnh: H.Đ

Grab Việt Nam hôm 23/1 thông báo mở rộng thêm 12 tỉnh thành có dịch vụ GrabFood, nâng tổng số lên 15 tỉnh thành khắp Việt Nam. Với con số này, dịch vụ giao đồ ăn của Grab đang phủ rộng nhất so với các nền tảng khác. Đối thủ gần nhất của GrabFood là Now (Now.vn) đang có mặt tại 12 tỉnh thành.

Đi lên từ con số 0 kể từ khi tung dịch vụ vào tháng 6/2018 nên tăng trưởng về số đơn hàng, nhà hàng của GrabFood rất ấn tượng. Grab cho rằng GrabFood là dịch vụ giao nhận đồ ăn có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Dù là dịch vụ ra sau nhất nhưng mảng giao đồ ăn đang được Grab đầu tư mạnh mẽ và cố gắng phát triển thị trường càng nhanh càng tốt. Trả lời ICTnews, bà Demi Yu - Giám đốc khu vực của GrabFood tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines - cho biết chiến lược tập trung phát triển GrabFood không chỉ có tại Việt Nam mà toàn khu vực.

“Ăn uống và di chuyển là các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Khi đã có lượng khách hàng nhất định ở mảng gọi xe, chúng tôi tận dụng đối tác tài xế để cung cấp thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn”, bà Demi Yu nói.

GrabBike, GrabTaxi và GrabExpress đang có mặt tại khoảng 38 tỉnh thành tại Việt Nam, bà Demi Yu cho biết GrabFood sẽ không dừng ở 15 địa phương hiện tại mà sẽ mở rộng ra khắp nơi có GrabBike.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trị giá khoảng 33 triệu USD trong năm 2018, dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này là 11%/năm.

Statista, công ty nghiên cứu thị trường của Đức, cho rằng quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam còn cao hơn, với con số hơn trăm triệu USD trong năm 2019, mức tăng trưởng doanh thu theo năm hơn 30%.

Với quy mô thị trường khá lớn, không khó hiểu khi nhiều startup lớn nhỏ đều đổ xô vào mảng này. Khi vừa đặt chân vào Việt Nam tháng 8/2018, Go-Viet - một công ty con của Go-Jek, đối thủ lớn nhất của Grab ở Đông Nam Á - đã triển khai ngay dịch vụ Go-Food bên cạnh hai dịch vụ chính là Go-Bike (xe máy) và Go-Send (giao hàng).

Go-Viet chọn triển khai giao thức ăn trước cả khi tung dịch vụ gọi xe hơi cho thấy tầm quan trọng thiết yếu của mảng này thế nào. Rõ ràng có nhiều lựa chọn cho khách hàng khi cần gọi xe hơi nhưng cho đến cuối năm ngoái, có lẽ mảng giao đồ ăn mới là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết. Đây có lẽ cũng là lý do khiến Grab tích cực đẩy nhanh tiến độ tung dịch vụ giao đồ ăn, mảng kinh doanh mà hãng này chỉ là tay chơi mới.

Grab không chia sẻ cụ thể số lượng tài xế GrabBike nhưng con số ước chừng vào khoảng 150.000 người, cao nhất hiện nay trong các ứng dụng tại Việt Nam. Đây là lợi thế lớn để hãng này tận dụng tài xế vào lực lượng giao đồ ăn. Hãng cho biết thời gian trung bình để giao một đơn hàng vào khoảng 20 phút, như một con số thể hiện lợi thế so với các ứng dụng khác có ít tài xế hơn.

Dù có lượng tài xế lớn và độ phủ rộng, Grab không chia sẻ số nhà hàng hiện có trên GrabFood. Bà Demi Yu cho biết có hàng ngàn, hàng chục ngàn đối tác tham gia nhưng vẫn không tiết lộ số cụ thể.

Trong khi đó, trên website của mình, Now.vn - dịch vụ giao đồ ăn lâu đời tại Việt Nam - công khai khoảng gần 60 ngàn nhà hàng, quán ăn có trên hệ thống, ở tổng cộng 12 tỉnh thành cả nước. Là nền tảng có mặt lâu đời, có lẽ con số đối tác này của Now hiện cao nhất trong số các đối thủ.

Now cũng xây dựng được hệ thống nhà hàng, quán ăn tích hợp sẵn với hệ thống của họ, do đó quy trình đặt món sẽ nhanh hơn. Đơn hàng của khách sẽ đi thẳng vào hệ thống của quán, do đó tiết kiệm được thời gian xử lý.

Tài xế xếp hàng dài mua hàng cho khách trong một chương trình khuyến mại - Ảnh: N.Đức

Grab cho biết đã có các đối tác chiến lược như Lotteria, Gongcha, Mc Donald’s,... tuy nhiên phần lớn các đơn hàng GrabFood vẫn là tài xế nhận đơn của khách, sau đó đến quán mua hàng như một khách thông thường rồi mang đi giao, chưa phổ biến việc tích hợp hai hệ thống.

Go-Viet ra đời sau nhưng tuyên bố đã có khoảng hơn 25.000 tài xế chạy cho họ. Hãng này vẫn là ẩn số trong cuộc chiến sắp tới do có sự hậu thuẫn từ Go-Jek, startup kỳ lân của Indonesia đang tích cực mở rộng thị trường ra toàn Đông Nam Á.

Ở thị trường gọi xe, càng có nhiều tài xế thì khách hàng càng có nhiều lựa chọn, thời gian chờ đợi có xe cũng rút ngắn, do đó khách hàng càng sử dụng ứng dụng nhiều hơn. Ngược lại, có nhiều khách hàng gọi xe thì tài xế tham gia mạng lưới càng rộng. Cứ như vậy tạo một khối lượng tài xế và khách hàng lớn hơn.

Mô hình tương tự cũng diễn ra ở mảng giao đồ ăn, càng nhiều nhà hàng quán ăn càng tốt; độ phủ và số lượng tài xế cũng quan trọng trong việc thu hút người dùng.

Hiện tại, trong giai đoạn khá mới này, nhìn sơ qua các ứng dụng nổi bật như GrabFood, Now, Go-Food có thể thấy các món ăn hầu hết tương tự nhau, thức uống cũng vậy. Số lượng nhà hàng ít hay nhiều cũng khó nhận ra. Do đó để khách hàng chọn đặt món ăn trên một ứng dụng nào đó có lẽ phụ thuộc nhiều vào các chương trình giảm giá và cường độ của các chiến dịch tiếp thị.

Go-Food khuyến mại 20-50% khi đặt món trên ứng dụng - Ảnh: H.Đ

Một lần nữa, tương tự thời kỳ đầu của các ứng dụng gọi xe, các dịch vụ gọi đồ ăn phải tung các chương trình giảm giá, có lúc đến 50% đơn hàng, có khi miễn phí giao hàng nhằm hút khách. Tất nhiên những chi phí như vậy doanh nghiệp phải bỏ ra. Trong cuộc “đốt tiền” này, doanh nghiệp nào mạnh chi chắc chắn sẽ có lợi thế. Cuộc đua này không khốc liệt như thời Grab, Uber cách đây không lâu do khách hàng đã dẫn quen với các dịch vụ trên smartphone, nhưng chắc chắn doanh nghiệp đều phải bỏ tiền nhiều để chịu lỗ thời gian đầu.

Mảng giao nhận thức ăn cực kỳ màu mỡ xét về nhu cầu nhưng các chuyên gia cho rằng biên lợi nhuận vẫn chưa cao. Đối với Grab, Go-Viet, Now, mảng giao thức ăn có lẽ chỉ là một bước đệm để họ tiến tới mở rộng các dịch vụ khác, trong đó có mảng thanh toán được xem là có quy mô lớn hơn nhiều.

Ở các thị trường phát triển như Singapore, chưa có công ty nào công bố có lợi nhuận cho đến thời điểm hiện tại. Do đó, dịch vụ giao đồ ăn tiếp tục lại là một cuộc đua khác về tiền, trong đó Grab và Go-jek được hậu thuẫn mạnh mẽ, Now (Foody) cũng có “đại gia” đứng sau. Chưa đoán được ai sẽ làm chủ cuộc chơi này năm 2019, nhưng rõ ràng ai chịu bỏ tiền nhiều hơn sẽ có cơ hội lớn hơn.

Hải Đăng

Theo ICTnews