Cựu ca sĩ Việt điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm hàng trăm triệu USD: "Ở Mỹ ai cũng có thể làm VC"

24/07/2021 11:32

Làm trong ngành đầu tư mạo hiểm của Mỹ vốn chiếm ưu thế bởi nam giới, Võ Vũ Thúy My không tránh khỏi trường hợp là người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán. Nhưng cô chưa bao giờ xem đó là điều bất lợi.

My cảm thấy tự tin vì biết rằng sự khác biệt về giới tính và văn hóa luôn giúp cho cô cái nhìn mới mẻ cũng như đóng góp được những ý kiến độc đáo hơn so với nhiều người đàn ông khác.

Võ Vũ Thùy My (Maggie Võ) được thế hệ 8X biết đến với vai trò ca sĩ trong nhóm nhạc tuổi teen Tymyty. Khi đang là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), Thùy My lên đường sang Mỹ du học. Cô hiện là General Partner (Đối tác điều hành) và Giám đốc đầu tư của Fuel Venture Capitlal (Fuel VC) – quỹ đầu tư mạo hiểm quản lý hàng trăm triệu USD và chuyên rót vốn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo, robot... Trong danh mục đầu tư của Fuel VC bao gồm startup OhmniLabs của Tiến sĩ Thức Vũ.

Thùy My cho biết cô đang xây dựng một hệ sinh thái được gọi là "idea to exit" để hỗ trợ toàn diện cho các founder. Thùy My hy vọng hệ sinh thái này sẽ thành công để sau này có thể áp dụng và tạo ra một mô hình tương tự tại Việt Nam.

Bị hấp dẫn bởi ngành đầu tư mạo hiểm

- Cơ duyên nào đã đưa chị - một du học sinh Việt tại Mỹ - đến với ngành đầu tư mạo hiểm?

- Tôi bắt đầu làm trong quỹ đầu tư từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, làm thực tập viên ở Prudential Fund Management ở Việt Nam, rồi Prudential Property Investment Management ở Singapore. Và từ đó tôi đã biết niềm đam mê của mình là làm quản lý quỹ. Tôi đã chọn làm cho nhiều quỹ khác nhau để học hỏi thêm về nhiều kênh đầu tư từ thị trường bất động sản, thị trường niêm yết, đến hedge fund (quỹ phòng hộ) và giờ là đầu tư mạo hiểm.

Trước khi tham gia Fuel VC, tôi từng làm Portfolio Manager (quản lý danh mục đầu tư) của Blue Shores Capital, một hedge fund ở Boca Raton và có cơ hội làm việc với nhiều nhà đầu tư. Tôi nhanh chóng nhận thấy rằng nguồn tiền của các nhà đầu tư đi dần từ thị trường niêm yết trên sàn sang các private equity (quỹ đầu tư tư nhân) và venture capital (VC - quỹ đầu tư mạo hiểm). 

Quan trọng hơn hết, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, những công ty công nghệ thường chọn ở lại thị trường tư nhân để phát triển và gọi vốn và sau đó chỉ trở thành công ty đại chúng khi đã hơn 10 tuổi đời, lớn mạnh hơn cả về mặt vốn hoá lẫn doanh thu. Điều đó có nghĩa là mọi sự tăng trưởng đều xảy ra trong thị trường tư nhân và sinh lợi nhuận cho những nhà đầu tư trong đó. Để giúp nhà đầu tư của mình tìm kiếm những cơ hội đầu tư sớm trong những công ty công nghệ trẻ, vào khoảng 3 năm trước tôi chọn rời thị trường niêm yết để làm việc trong ngành đầu tư mạo hiểm.

Qua một người bạn, tôi có dịp làm quen với ông Jeff Ransdell, người sáng lập quỹ Fuel VC. Cũng như tôi, Jeff đến từ thị trường niêm yết và ông là một trong 6 người điều hành Merril Lynch với 21 năm kinh nghiệm. Khi đó, Jeff mới thành lập Fuel VC được nửa năm, thấy tôi có chứng chỉ CFA, kinh nghiệm chuyên về quản lý quỹ, phân bố tài sản và tạo danh mục đầu tư, ông ấy đã mời tôi tham gia làm việc ở Fuel VC.

maggie-vo-fuel-venture-capital-4041-9277-1627015510-1627100661.jpg

- Điều gì trong ngành đầu tư mạo hiểm khiến chị thấy hấp dẫn nhất?

- Tôi thích được sử dụng kiến thức của mình tận tay giúp đỡ nhà khởi nghiệp và cùng họ dẫn dắt công ty đến điểm cuối cùng. Tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi mình có thể cùng nhà khởi nghiệp tạo ra những sản phẩm có tầm ảnh hưởng lớn và thay đổi cuộc sống hằng ngày. Và cũng từ họ tôi được tiếp xúc với những công nghệ mới cực kỳ tiên tiến.

Khi làm việc ở thị trường niêm yết, nếu mình có ý kiến gì hay để giúp công ty, mình có gọi cho họ thì mình cũng chỉ có thể nói chuyện với người trong bộ phận Invesment Relation (Quan hệ nhà đầu tư) và họ không lắng nghe ý kiến của mình nhiều vì họ đã là công ty lớn trên sàn. Và tôi phải thông qua rất nhiều lớp lãnh đạo mới có thể liên lạc trực tiếp với CEO. Do đó tôi không cảm thấy có thể vận dụng tài năng của mình để giúp ích cho ai cả.

- Giữa việc đầu tư vào các doanh nghiệp đã niêm yết và các startup, chị thấy điều gì khó hơn?

- Các công ty trên sàn có nhiều thông tin và chỉ số để phân tích còn các công ty khởi nghiệp vì tuổi đời còn trẻ nên thông tin rất giới hạn. Do đó khi đánh giá một cơ hội đầu tư vào công ty khởi nghiệp, tôi cần phải kết hợp cả yếu tố nghệ thuật và khoa học, phân tích cả các yếu tố định tính và định lượng để đưa ra quyết định hợp lý nhất cho quỹ.

Mặc dù vậy có rất nhiều biến số mà không ai lường trước được và đôi khi đòi hỏi các nhà khởi nghiệp phải nhanh chóng thay đổi sản phẩm, mô hình kinh doanh để thích ứng với thị trường. Và điều đó làm cho việc đầu tư mạo hiểm khó hơn và có rủi ro cao hơn. Nhưng nguyên tắc căn bản của đầu tư là ở đâu rủi ro càng cao, thì khả năng sinh lời càng cao.

Để quản lý rủi ro do sự hạn chế về thông tin của những công ty khởi nghiệp, tôi không bao giờ chọn rót vốn quá lớn vào một công ty trong lần đầu tiên. Bởi vì tôi coi khoản vốn ban đầu chỉ là cơ hội giúp quỹ đầu tư và nhà khởi nghiệp được làm việc sâu với nhau. Chỉ khi được đứng ở góc nhìn bên trong như thế, mình mới có cơ hội hiểu rõ nội tình hoặc những rắc rối mà doanh nghiệp đang vướng phải. Cách làm này đồng thời giúp các nhà khởi nghiệp có động lực hoàn thành mục tiêu do quỹ đề ra để có thể nhận được những khoản vốn tiếp theo từ quỹ.

Ở Mỹ ai cũng có thể làm VC

- Sự cạnh tranh giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ diễn ra như thế nào?

- Sự cạnh tranh giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ rất khốc liệt bởi vì ai cũng có thể làm VC: từ diễn viên, ca sĩ, chính trị gia… đến founder thoái vốn có vài trăm triệu USD cũng làm được. Điều này khác với thị trường niêm yết khi người làm cần có kiến thức chuyên môn nhất định và được cấp các chứng chỉ theo quy định của luật.

Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm đều phải có những điểm riêng để thu hút không chỉ nhà đầu tư lớn mà còn nhà khởi nghiệp xuất chúng. Những quỹ lâu đời và có quy mô lớn ở Silicon Valley luôn có nhiều lợi thế hơn. Và những quỹ mạo hiểm đầu tiên của nhà quản lý quỹ ít tiếng tăm hoặc chưa giải ngân lần nào sẽ gặp khó khăn nhiều trong việc huy động vốn.

Hơn thế nữa, những quỹ chỉ có thể rót vốn và không mang lại những giá trị về mặt khác thường khó được lựa chọn bởi những startup đang có nhiều sức hút. Nhà khởi nghiệp giỏi hiểu được đường đi đến thành công còn nhiều trở ngại và họ cần sự hỗ trợ ở mọi mặt và vào mọi thời điểm.

- Vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt trong năm 2020 giảm đến 48% do ảnh hưởng của Covid-19, vậy còn tại Mỹ dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến việc gọi vốn của startup?

- Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vốn đầu tư vào startup công nghệ ở Mỹ không hề bị ảnh hưởng mà còn tăng 13% và lập kỷ lục mới về cả giá trị huy động vốn và thoái vốn cho công ty công nghệ ở Mỹ trong năm 2020.

Vào thời gian đầu khi đại dịch mới bùng nổ ở Mỹ, mọi người cũng rất hoang mang và lúc đó mọi lời khuyên cho startup là cần giảm chi tiêu triệt để và lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Nhưng sự gián đoạn trong công việc và nhu cầu giãn cách xă hội đã làm cho mọi cá nhân và doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng công nghệ mới, điều mà từ trước đến giờ hầu như vẫn bị chững lại vì mọi người sợ những thay đổi sẽ gây ra những rủi ro khác.

Covid-19 đã làm mọi người nhanh chóng hiểu được công nghệ sẽ càng ngày càng đóng vai trò lớn trong cuộc sống của mỗi chúng ta và điều đó đã giúp rất nhiều công ty công nghệ cả trên sàn niêm yết lẫn trong thị trường tư thu hút nhiều nhà đầu tư.

maggie-vo-fuel-venture-capital-2062-5403-1627002195-1627100725.jpg

- Theo chị, Covid-19 có phải cơ hội để các quỹ đầu tư vào startup với mức định giá “rẻ” hơn so với điều kiện bình thường?

- Đó là quy luật tự nhiên vì khi kinh tế tốt, thị trường đầu tư có nhiều hứa hẹn thì mọi người từ quỹ đầu tư đến startup đều có thể dễ dàng huy động vốn hơn là khi kinh tế đi xuống và thị trường lao dốc. Tuỳ vào mô hình kinh doanh, nhu cầu vốn và sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến thu nhập của công ty mà nhà khởi nghiệp cần những chiến lược huy động vốn khác nhau.

Nếu công ty còn nhiều vốn và có khả năng dùng thu nhập của công ty để mượn nợ thay vì huy động vốn, thì tôi nghĩ họ nên đi con đường đó thay vì đi gây quỹ trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động và phải chấp nhận mức định giá rẻ hơn nhiều so với tầm xứng đáng. Nhưng mặt khác nếu có những công ty cần huy động vốn bởi vì họ nhìn thấy những cơ hội trước mắt do đại dịch mang đến, thì họ không nên vì không đạt được mức giá mà mình mong muốn mà lỡ mất thời cơ.

Mục tiêu của năm 2020 là tồn tại và nắm bắt mọi thời cơ để có thể vượt qua khỏi đại dịch và trở nên mạnh hơn chứ không phải lo lắng quá nhiều về chi phí pha loãng, vì công ty của bạn không tồn tại thì thật sự 40% hay 30% của 0 cũng vẫn là 0

Đầu tư mạo hiểm là cuộc chơi toàn cầu

- Từ khi làm việc tại đây, chị đã đầu tư vào bao nhiêu startup và huy động được bao nhiêu vốn cho các quỹ của Fuel VC?

- Từ khi làm việc tại Fuel Venture Capital, tôi đã quyết định đầu tư vào 24 công ty tại khắp mọi nơi từ bờ đông sang bờ tây nước Mỹ xuống đến Nam Mỹ và qua tận châu Âu. Đối với tôi, đầu tư mạo hiểm là cuộc chơi mang tính chất toàn cầu. Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin ngày hôm này, các nhà khởi nghiệp có thể xây dựng công ty ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Do đó nhà đầu tư không nên giới hạn mình trong một phạm vi địa lý nhất định.

Tính đến nay, tôi đã giúp Fuel VC huy động được 300 triệu USD cho 2 quỹ của Fuel: một tập trung vào những công nghệ mới và một tập trung vào Fintech. Tôi đang trong kế hoạch thành lập quỹ thứ ba và sẽ bắt đầu đi gây quỹ cuối năm nay sau khi đóng quỹ thứ hai.

- Chị và Fuel VC tìm kiếm điều gì ở một startup khi quyết định đầu tư?

- Khi phân tích đánh giá công ty, tôi thường chú ý vào 5 điểm chính: nhà khởi nghiệp, kích cỡ của thị trường, lợi thế cạnh tranh, khả năng mở rộng của mô hình công ty và sức hút của sản phẩm. Tôi xem trọng nhất yếu tố con người vì khác với những công ty lớn mạnh đã trở thành một bộ máy vận hành theo quy trình, công ty khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn từ xây dựng sản phẩm, định giá, tìm khách hàng, đến đưa sản phẩm ra thị trường, rồi tăng tốc... Do đó rất cần một nhà khởi nghiệp có chuyên môn vững, niềm đam mê lâu dài và có cái nhìn sâu sắc về vấn đề mà họ đang cố gắng giải quyết.

Một công ty khởi nghiệp chỉ có thể phát triển nếu thị trường mà nó đang vận hành cũng đang phát triển mạnh và thu hút nhiều vốn đầu tư. Về mặt công ty, tôi muốn thấy startup có một mô hình kinh doanh dễ dàng mở rộng để tăng doanh thu nhưng không phát sinh thêm nhiều chi phí, có lợi thế cạnh tranh để đánh bại đối thủ trong thị trường và có những chỉ số thể hiện độ tăng tốc trong sự hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng.

maggie-vo-fuel-venture-capital-3468-9561-1627002196-1627100933.jpg

- Chị thường mất bao lâu để đưa ra quyết định có đầu tư vào một startup không?

- Thời gian để phân tích đánh giá một cơ hội đầu tư trước khi đưa ra quyết định tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi đời của công ty, thị trường họ đang cạnh tranh, công nghệ họ đang sử dụng, số lượng vốn công ty cần và sẽ được nhận từ quỹ cũng như vai trò của quỹ trong đợt gọi vốn (dẫn dắt hay cùng tham gia). Do đó có những “deal” chỉ mất 1 tháng nhưng cũng có những “deal” kéo dài đến 4 tháng.

- Nhiều nhà đầu tư đều nói rằng con người là yếu tố đầu tiên khi họ lựa chọn startup để rót vốn. Chị đã bao giờ chọn sai founder?

- Nhà khởi nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lèo lái một công ty còn non trẻ. Do đó khi lựa chọn một startup để đầu tư, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về nhà khởi nghiệp.

Sai hay đúng mang tính tương đối. Sai không có nghĩa là nhà founder không có khả năng. Mà sai ở đây thường là khi founder không thích nghi được với tiêu chí và cách làm việc của quỹ. Fuel VC có một đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm ở cả thị trường tư nhân và thị trường niêm yết. Do đó, Fuel VC không bao giờ đầu tư vào một công ty chỉ đóng vai trò rót vốn đơn thuần, mà quỹ tham gia rất tích cực vào mọi mặt của startup mà quỹ đầu tư để có thể hỗ trợ kịp thời và giúp công ty định hướng đúng đắn cả về mặt ngắn hạn lẫn dài hạn.

Một số nhà khởi nghiệp quyết định làm theo ý mình vì họ cho rằng họ có kiến thức chuyên môn và hiểu biết nhiều về công ty và thị trường của họ. Do đó họ từ chối lắng nghe những ý kiến của người khác. Điều đó làm cho sự cộng tác giữa hai bên không còn hiệu quả và do đó không còn tạo được giá trị thiết thực cho công ty startup.  

Mong muốn xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ startup Việt

- Chị và Fuel VC xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các startup trong danh mục đầu tư của mình như thế nào?

- Ở Miami, tôi đang xây dựng một hệ sinh thái được gọi là "idea to exit" để hỗ trợ toàn diện cho các founder. Bởi khi làm việc từ giai đoạn "early stage" cho đến "late stage" với họ, tôi nhận thấy nhu cầu của họ rất nhiều và đa dạng. Đó không chỉ là phải làm cho xong sản phẩm hay giúp sản phẩm đạt được quy mô tăng trưởng cần thiết là xong.

Trong mỗi giai đoạn phát triển, công ty sẽ yêu cầu những hỗ trợ khác nhau. Vì thế, hệ sinh thái mà tôi đang xây dựng có những đối tác chiến lược hỗ trợ tìm kiếm nhân tài cho startup đang gia tăng quy mô nhanh chóng, hay đối tác kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản phẩm, rồi pháp lý, định giá, gây quỹ…

Mỗi bộ phận hỗ trợ là một "Station", ví dụ như Talent Station, Legal Station, Product Station hay Business Development Station... Gần đây tôi mới tham gia để mở thêm SPAC (Special Purpose Acquisition Companies - Công ty mua lại có mục đích đặc biệt) Station giúp các công ty trong quỹ của mình có phương tiện thoái vốn dễ dàng hơn.

Tôi rất muốn xây dựng hệ sinh thái này thành công, để sau này có thể áp dụng và tạo một mô hình tương tự ở Việt Nam. Hiện nay, mô hình đã hoàn thiện khoảng 80-90% rồi và đang hỗ trợ những công ty mà Fuel VC đã rót vốn từ Bắc Mỹ, đến Nam Mỹ và châu Âu.

maggie-vo-fuel-venture-capital-8562-1678-1627014688-1627100915.jpg

- Chị có quan tâm và tìm hiểu về thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam không? Trong thời gian tới chị có dự định đầu tư vào startup Việt?

- Qua một số mối quan hệ trong ngành tài chính, tôi cũng có tìm hiểu sơ về thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Năm 2019 được xem là năm đánh dấu sự đổi mới rõ rệt của thị trường đầu tư mạo hiểm trong nước. Những nhà khởi nghiệp ở Việt Nam đã trưởng thành hơn và có cái nhìn thực tế hơn về việc khởi nghiệp. Đã ít đi phần nào những bạn khởi nghiệp theo phong trào như năm 2015-2016 mà thay vào đó là sự tìm tòi học hỏi để thấu hiểu cách vận hành công ty và sử dụng vốn của nhà đầu tư một cách hiệu quả nhất. Đó là một hướng đi rất tích cực. 

Tuy nhiên, những nhà khởi nghiệp của nước ta vẫn còn một khoảng cách xa và cần học hỏi nhiều để có thể đạt được những tiêu chuẩn cao hơn và đứng ngang hàng với founder từ những nước phương tây đặc biệt là Mỹ, Anh hay các nước Bắc Âu. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thu hút vốn ngoại từ những nước phát triển trong phạm vi xa hơn những nước lân cận.

Một trong những lý do quỹ Fuel VC từ trước đến giờ còn e dè rót vốn vào công ty ở Việt Nam là vì các Partner muốn nhìn thấy khả năng của công ty Việt có thể phát triển mạnh, mở rộng ra những thị trường lân cận và thoái vốn dễ dàng. Rất khó có thể nâng giá trị vốn hoá của một công ty nếu doanh thu trì trệ và nếu công ty chỉ có một thị trường nhỏ để vận hành thì sẽ khó hơn trong việc đẩy mạnh phát triển.

Startup Việt duy nhất mà quỹ đã đầu tư vào là công ty OhmniLabs do Vũ Duy Thức – một founder người Việt ở Silicon Valley khởi nghiệp và sử dụng đội ngũ kỹ sư ở Việt Nam để nghiên cứu, thiết kế, phát triển robot cho công ty. 

Trong thời gian gần đây, tôi cũng đã kết nối với các nhà khởi nghiệp và các quỹ VC ở Việt Nam và Đông Nam Á để có thể tìm kiếm thêm cho Fuel VC cơ hội đầu tư ở thị trường châu Á. Nếu có công ty nào đạt được những tiêu chuẩn của Fuel VC và cần sự hỗ trợ về những mảng mà quỹ chuyên sâu, thì tôi tin chắc rằng Fuel VC sẽ sẵn sàng rót vốn.

Không thấy bất lợi khi là phụ nữa duy nhất trên bàn đàm phán

- Trong danh mục đầu tư của Fuel VC có startup ở nhiều châu lục với múi giờ khác nhau, một ngày làm việc của chị chắc hẳn rất bận rộn? Làm thế nào để chị luôn giữ được sự nhiệt huyết và đam mê của mình?

- Người bận rộn là người hạnh phúc bởi vì họ chỉ bận rộn khi có nhiều người cần đến sự giúp đỡ của họ và khi có nhiều việc cần chuyên môn của họ. Tôi thường làm việc với team bên châu Âu vào buổi sáng, bên Mỹ vào buổi trưa chiều và bên châu Á vào buổi tối khuya sau khi đã cho con đi ngủ.

Công việc khá là vất vả nhưng tôi cảm thấy may mắn khi được làm một công việc mình đam mê và cho mình cơ hội phát huy thế mạnh. Hai yếu tố đó tương tác và hỗ trợ nhau giúp tôi có nguồn năng lượng vô hạn để vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Khi bạn làm những việc bạn thích thì nó không còn là công việc nữa. Và khi bạn làm những việc bạn giỏi thì nó cũng dễ dàng hơn và giúp bạn hào hứng hơn.

Mọi người thường hay khuyên theo đuổi những gì mình đam mê. Tôi nghĩ điều đó không sai nhưng vẫn thiếu. Mình nên tìm kiếm cái gì là thế mạnh của bản thân và biến nó trở thành niềm đam mê thì nó mới có thể lâu dài và bền vững.

maggie-vo-fuel-venture-capital-7652-4263-1627002197-1627100896.jpg

- Theo chị, một người phụ nữ làm trong ngành đầu tư mạo hiểm cần những phẩm chất gì?

- Người phụ nữ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, luôn biết tìm cách phát huy điểm khác biệt của một người phụ nữ để nổi bật và làm lợi cho bản thân khi làm việc trong ngành đầu tư mạo hiểm, một lĩnh vực phần lớn do nam giới Mỹ thống trị.

Là một người phụ nữ châu Á làm trong ngành đầu tư mạo hiểm ở Mỹ, tôi không tránh khỏi có những lúc bước vào những cuộc họp, đàm phán, hay huy động vốn nhìn thấy mình là người phụ nữ duy nhất. Nhưng tôi chưa bao giờ xem đó là điều bất lợi. Ngược lại, tôi cảm thấy tự tin vì biết rằng sự khác biệt về giới tính và văn hoá luôn giúp cho tôi có cái nhìn mới mẻ và đóng góp những ý kiến độc đáo hơn so với số đông nam giới.

Trong mọi cuộc giao dịch, tôi luôn vận dụng cả kiến thức tài chính và trí tuệ cảm xúc (EQ) để quyết định khi nào nên lùi lại, khi nào nên tiến lên để đạt được sự thoả thuận cả hai bên đều có lợi. Khi làm việc với nhà khởi nghiệp, sự linh hoạt, mềm mỏng và biết cách thấu hiểu của một người phụ nữ giúp họ dễ dàng tiếp thu lời khuyên của tôi để cùng nhau dẫn dắt công ty. 

Tôi thường chia sẻ với mọi người, ưu điểm hay bất lợi là do cách nhìn nhận vấn đề thôi. Nếu mình có thể biến những bất lợi đó thành việc có ích cho bản thân, thì nó sẽ trở thành lợi thế. 

Theo Diệu Tuyết/NDH