Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đằng sau thành công của nữ CEO "tài sắc vẹn toàn" được Forbes vinh danh: Từng làm việc 100 giờ/tuần đến kiệt sức, sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao để “rẽ ngang”

21/07/2021 19:59

Dám từ bỏ công việc được nhiều người mơ ước, Michelle Sun đã tìm lại cuộc sống của chính mình và chạm tay đến thành công dù hành trình có không ít gập ghềnh.

photo1626864680916-1626864681023340417009-1626872123.jpg

Michelle Sun (Tân Sước Lâm) là người sáng lập First Code Acedemy, một học viện giáo dục STEM và mã hóa hàng đầu dành cho trẻ em từ 4 đến 18 tuổi và là tác giả của cuốn sách bán chạy trên Amazon "First Time Coders". 

Cô cũng là cố vấn tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trước khi khởi nghiệp với First Code, cô đã giữ nhiều vai trò kỹ thuật khác nhau trong các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon và bắt đầu sự nghiệp của mình tại Goldman Sachs.

Năm 2015, cô là một trong 30 Doanh nhân nữ dưới 30 tuổi của BBC và năm 2016, cô nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 ở Châu Á.

Dưới đây là câu chuyện về hành trình chạm đến thành công của nữ CEO Michelle Sun:

Sống theo tiêu chuẩn của người khác và trở thành một con mọt sách hoàn hảo

Tôi lớn lên trong một xã hội đặc biệt chú trọng đến thành tích của những đứa trẻ. Vì vậy chăm chỉ đọc sách, cố gắng học tập và đạt thành tích cao là những mục tiêu duy nhất trong cuộc đời tôi khi đó. 

Tôi không có thời gian và cơ hội để suy nghĩ nhiều, tôi ngoan ngoãn làm theo sự kỳ vọng của bố mẹ và xã hội, và xuất sắc trở thành thủ khoa trong kỳ thi THPT Hồng Kông. Tôi cũng được nhận vào ngôi trường lý tưởng - Đại học Chicago. Sau khi tốt nghiệp, tôi vào Goldman Sachs và trở thành một nhà phân tích ngân hàng đầu tư.

Sống theo sự kỳ vọng của xã hội và của người khác, dù lớn lên trong sự công nhận và khen ngợi của mọi người xung quanh nhưng trong tim luôn có một tiếng nói và thường xuyên đặt câu hỏi: Cuộc sống tưởng chừng như hoàn hảo này còn thiếu điều gì?

null

Khi công việc trở thành điều duy nhất trong cuộc sống

Tại Goldman Sachs, tôi chịu trách nhiệm nghiên cứu công nghệ và thị trường chứng khoán liên quan đến Internet. Đó là thời kỳ đỉnh cao của thị trường tài chính. Tôi làm việc ít nhất 80-90 giờ một tuần. Ba bữa ăn mỗi ngày đều tại bàn làm việc là chuyện bình thường. 

Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và lao ngay vào công việc với cường độ cao.

Vì chịu trách nhiệm về ngành công nghệ và Internet nên tôi thường xuyên tiếp xúc với quản lý cấp cao của các doanh nghiệp lớn như Tencent và Alibaba.com, điều này giúp tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển của ngành.

Thời kỳ đỉnh cao trong giới tài chính không kéo dài lâu. Cuối năm 2008, tôi nhận được cuộc gọi của sếp từ New York rằng Lehman Brothers phá sản, cơn sóng thần tài chính này ngay lập tức quét qua tất cả các công ty. 

Trong những tháng tiếp theo, công ty tôi đang làm việc đã sa thải rất nhiều nhân viên, và nhóm cổ phiếu TechNet bị giảm từ 4 xuống 1,5. Tôi ở lại, không chỉ đảm nhận khối lượng công việc của cả một đội, mà còn nhận nhiệm vụ hỗ trợ các đội khác. Nguồn lực giảm nhưng khối lượng công việc lại tăng lên gấp đôi. Khi đó tôi làm việc gần 100 giờ một tuần.

photo-1-1626864863380929688859-1626872123.jpeg

Đánh mất sức khỏe và nhận ra: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chết vào ngày mai?

Trong 4 tuần dưỡng thương trên giường do kiệt sức, tôi đã suy ngẫm rất nhiều. Tôi thấy rằng hai năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, điều tôi quan tâm nhất không phải là chứng khoán hay thị trường tài chính, mà là sự phát triển của các công ty đổi mới và ngành công nghệ.

Tôi đã nhiều lần tự hỏi mình, nếu ngày mai tôi rời bỏ thế giới, liệu tôi có còn làm những gì tôi vẫn làm hôm nay không? Hóa ra con đường tôi đang đi tuy có vẻ hào nhoáng, được mọi người xung quanh công nhận và khen ngợi nhưng điều tôi thực sự muốn làm lại là một con đường khác.

Sau khi hồi phục, tôi rời bỏ công việc được trả lương cao này và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Lần kinh doanh đầu tiên thất bại trong vòng một năm, lần đầu tiên nếm mùi thất bại không hề dễ dàng. Nhưng cũng chính trải nghiệm này đã khiến tôi hiểu được tầm quan trọng của lập trình và quyết tâm học lập trình ở San Francisco.

Trong thời gian học lập trình ở San Francisco, tôi cũng đã dạy các em cách viết chương trình trong những ngày nghỉ. Trước khi lên lớp, tôi nghĩ rằng việc lập trình logic sẽ làm cho bọn trẻ không có hứng thú học tập nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. 

photo-1-162686493703930743028-1626872123.jpg

Khả năng tiếp thu nhanh của bọn trẻ cũng khiến tôi tin tưởng hơn vào mơ ước mang nhiệt huyết và tinh thần đổi mới của Thung lũng Silicon trở lại Hồng Kông. Đồng thời, tôi tin tưởng sâu sắc rằng lập trình sẽ là một kỹ năng cần phải có cho thế hệ tiếp theo, vì vậy tôi bắt đầu thiết kế các khóa học và thúc đẩy giáo dục lập trình từ khía cạnh giáo dục.

Bốn năm sau, chúng tôi đã giảng dạy cho hơn 5.000 học viên ở ba thành phố và chúng tôi có một đội ngũ cũng tin tưởng vào sức mạnh và sự nhiệt tình.

Tìm thấy đam mê và bắt đầu cuộc sống lý tưởng

Đối với tôi, nửa đầu cuộc đời có vẻ thuận buồm xuôi gió, nhưng tìm được lý tưởng sống trong lòng lại là một hành trình quanh co và gập ghềnh. Để đối mặt và lắng nghe tiếng nói bên trong của mình, điều bạn cần nhất là lòng dũng cảm, bạn không cần quá rõ ràng về mục tiêu mà chỉ cần làm theo bản năng của mình.

Sống theo kỳ vọng của xã hội, bạn có thể nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ, khuyến khích và công nhận. Nếu bạn đi trên con đường của riêng mình, mục tiêu phía trước có thể khó nắm bắt và chông gai nhưng những gì nhận được chắc chắn sẽ xứng đáng với những gì bạn bỏ ra.

Tôi luôn tâm đắc bài phát biểu tốt nghiệp của Steve Jobs tại Đại học Stanford vào năm 2005:

"Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó. Đó có thể là lòng can đảm, định mệnh, cuộc sống hay bất cứ điều gì. Khi tin vào các mốc sự kiện kết nối tạo thành thành con đường bạn đi, bạn sẽ có đủ tự tin để theo đuổi những gì trái tim mách bảo, kể cả khi nó khiến bạn kiệt sức. Điều đó mới làm nên mọi sự khác biệt".

Vì vậy, tôi quyết định thành lập Học viện First Code để biến mọi thứ ngày nay trở thành động lực thay đổi thông qua giáo dục lập trình.

Theo Thùy Anh/Nhịp sống kinh tế