Để giúp nông dân giảm sự phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, đồng thời giúp họ tăng thu nhập, một nhân viên tập đoàn Vingroup khởi nghiệp để sản xuất dầu thực vật.
Lê Văn Bảo sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh với chuyên ngành Vận hành máy, Bảo vào Huế để làm việc cho một số công trình trước khi đầu quân vào Vinpearl Phú Quốc thuộc tập đoàn VIN vào cuối năm 2012.
"Môi trường làm việc ở Vinpearl Phú Quốc giúp tôi học nhiều kiến thức, tích lũy các kỹ năng quý. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nung nấu ý định khởi nghiệp, nhưng chưa biết nên bắt đầu với sản phẩm nào", chàng trai sinh năm 1992 thổ lộ.
Hành trình khởi nghiệp bắt đầu từ một bài báo
Vào một buổi tối tháng 6/2017, Bảo đọc một bài báo về tình trạng lạc ở Hà Tĩnh rớt giá do thương lái Trung Quốc không mua khiến nông dân khốn đốn. Vốn là con nhà nông, Bảo cảm thấy xót xa trước đời sống bấp bênh của nông dân ở quê. Ngay sau đó, anh tìm hiểu những tác dụng của lạc.
"Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện dầu lạc và dầu vừng là hai loại dầu thực vật hàng đầu về chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng sản xuất dầu lạc, dầu vừng để tận dụng nguyên liệu ở quê", Bảo kể.
Từ tháng 7/2017 tới tháng 5 năm nay, Bảo tranh thủ thời gian rảnh để thăm các xưởng ép dầu ăn nguyên chất và chiết xuất tinh dầu dược liệu ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình và một số nơi khác. Không chỉ học hỏi từ các xưởng, anh còn tích lũy kiến thức về sản xuất dầu thực vật từ sách, báo và các trang web.
Những chai dầu lạc mang thương hiệu Hativina trong một cửa hàng. |
Hồi tháng 6, Bảo xin thôi việc ở Vinpearl Phú Quốc để trở về Hà Tĩnh và khởi động hành trình khởi nghiệp thành lập xưởng, mua thiết bị với số vốn 250 triệu đồng (từ tiền tiết kiệm của bản thân và vay gia đình, người thân). Trong quá trình mua thiết bị, anh đã thử nghiệm thành công sản phẩm dầu lạc, dầu vừng nguyên chất mang thương hiệu Hativina. Bảo cũng nhanh chóng xin giấy phép kinh doanh, mã vạch và giấy chứng nhận cơ sở an toàn thực phẩm.
"Để đo hàm lượng dinh dưỡng trong dầu, tôi thuê Viện Dinh dưỡng Quốc gia xét nghiệm và phân tích mẫu sản phẩm", Bảo kể.
Gia đình ủng hộ quyết định của Bảo, song những người dân trong xã phản đối vì họ nghĩ sản phẩm của anh sẽ khó tiêu thụ. Mặc dù vậy, anh vẫn chi 172 triệu đồng để mua 4 thiết bị - gồm máy máy ép dầu, máy lọc dầu, máy nghiền và nồi hấp.
"Quy trình sản xuất của chúng tôi hoàn toàn khép kín. Chúng tôi không dùng chất phụ gia, chất bảo quản, chất tạo màu, cũng không pha tạp chất. Sản phẩm mang thương hiệu Hativina hoàn toàn tự nhiên, có chất lượng cao hơn hẳn dầu ăn tinh luyện", Bảo khẳng định.
Lê Văn Bảo khao khát giúp người dân cả nước có cơ hội sử dụng dầu thực vật an toàn và có hàm lượng dinh dưỡng cao. |
Dầu lạc Hativina xuất hiện tại các cửa hàng nông sản sạch ở thành phố Hà Tĩnh từ tháng 8 và nhận phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Sau đó Bảo đưa sản phẩm lên fanpage và một số trang thương mại điện tử như Sendo, thitruongsi.com, Shopee. Kế hoạch của Bảo là tiếp tục bán dầu vừng và thậm chí dầu gấc trong thời gian còn lại của năm 2018.
"Tôi sẽ chiết xuất tình dầu dược liệu từ sả, gừng, bưởi, quế vào năm 2019", anh tiết lộ.
Mục đích đầu tiên của Bảo là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Hiện tại, người dân ở quê anh chỉ canh tác hai vụ lạc và vừng từ tháng 1 tới tháng 6. Từ tháng 6 tới tháng 12, họ bỏ trống đất. Vì thế, Bảo muốn nông dân trồng cây dược liệu trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm để tăng thu nhập. Mục tiêu xa hơn của Bảo là đưa dầu thực vật sạch, chất lượng tới người tiêu dùng cả nước.
"Làm giàu cho bản thân là mong ước cuối cùng của tôi, sau khi đã đóng góp lợi ích cho người dân ở quê hương và người tiêu dùng cả nước. Vì yêu nông nghiệp, tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ thực vật", Bảo thổ lộ.
Kim Cương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng