Câu chuyện một doanh nhân, doanh nghiệp nào đó bỗng dung nổi như cồn sau khi doanh nghiệp tăng vốn nghìn tỷ một cách chóng vánh đã không còn quá xa lạ ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Infonet, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng việc tăng vốn hàng nghìn tỷ của các chủ sở hữu, các đại gia ở các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân cần được xem xét toàn diện và cẩn trọng.
Trên phương diện khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân, khi có thêm các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp tư nhân mới trong nền kinh tế là tín hiệu đáng mừng.
Kinh tế tư nhân phát triển sẽ tạo thêm động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng.
Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841,2 nghìn tỷ đồng.
Về việc tăng vốn thần tốc của một số tập đoàn tư nhân, dưới góc nhìn của một chuyên gia về tài chính, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng trên phương diện quản lý nhà nước, khi có các cá nhân bất ngờ trở thành “đại gia” có hàng nghìn tỷ đồng, có chủ doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu thêm hàng nghìn tỷ đồng, cơ quan quản lý cần kiểm tra giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.
Cụ thể, cần kiểm tra, giám sát việc chủ doanh nghiệp có tăng vốn chủ sở hữu thực hay không? Tăng vào tài sản nào? Có đúng lĩnh vực, ngành nghề đã đăng ký kinh doanh hay không?...
“Đây là đòi hỏi để cơ quan quản lý nắm được năng lực sản xuất kinh doanh thực của doanh nghiệp, nắm được tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, và lượng vốn đầu tư của địa phương,” PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
“Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nắm được nguồn gốc của nguồn vốn đầu tư để phòng tránh việc rửa tiền. Đây là vấn đề đươc các cơ quan phòng chống tội phạm của Việt Nam và các quốc gia đang nỗ lực thực hiện”.
Thực tế, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tăng vốn của doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường, tăng vốn thần tốc cũng sẽ gặp những trở ngại nhất định, nhất là khi thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến.
Một trong những nỗ lực của Việt Nam khi cam kết với quốc tế về lĩnh vực phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là hạn chế tiền mặt khi thanh toán.
Thực tế trên thị trường chứng khoán thời gian qua cũng đã chứng kiến những doanh nghiệp tăng vốn thần tốc bằng việc phát hành thêm cổ phiếu để huy động tiền của các nhà đầu tư.
Câu chuyện tăng vốn của FAROS, Nông sản Fam, Văn Phú Invest, CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung,… cũng gây chú ý và đã có không ít nhà đầu tư nhận trái đắng.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra cảnh báo khi các công ty đột ngột tăng vốn thần tốc cổ thì cần giám sát chặt chẽ, tránh gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và phòng tránh rủi ro bất ổn cho thị trường.
Theo Ngân Giang/Infonet