Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đại gia địa ốc Nhà Khang Điền đang ôm “khối nợ” của ngân hàng khủng cỡ nào?

29/09/2021 07:44

Nhà Khang Điền có 582 tỷ đồng là vay nợ trái phiếu và 2.008 tỷ đồng là vay ngân hàng. Đáng chú ý, các khoản vay nợ dài hạn tại Khang Điền đã đến hạn trả bao gồm cả trái phiếu dài hạn.

Những ngày qua, vấn đề tài chính của Evergrande - Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường thế giới do những lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp này phá sản. Khối nợ hơn 300 tỷ USD mất khả năng thanh khoản của Evergrande sẽ ảnh hưởng lớn đối với hệ thống tài chính và thị trường bất động sản không chỉ riêng của Trung Quốc mà còn lan ra nhiều nền kinh tế của các quốc gia liên quan.

Nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện của Tập đoàn Evergrande cũng như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi hiện nay có nhiều doanh nghiệp có khoản nợ ngân hàng rất lớn và ngày một phình to.

Khoản nợ ngày càng phình to

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2021 cho thấy, tính đến 30/6/2021, Công ty Nhà Khang Điền (KDH) đã vay thêm 745 tỷ đồng khiến tổng vay nợ tài chính tăng 40% so với đầu năm, lên gần 2.590 tỷ đồng, chiếm 48% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 42% lên 1.119 tỷ đồng và vay nợ dài hạn tăng 39% lên gần 1.471 tỷ đồng.

Kỳ này, chi phí tài chính tăng 26%, lên hơn 24,3 tỷ đồng chủ yếu từ lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 45,7 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng giảm 57% xuống còn 15 tỷ đồng.

Nhà Khang Điền đang có 2 khoản nợ ỏ ngân hàng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. 

Nhà Khang Điền đang có 2 khoản nợ ỏ ngân hàng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, trong quý này, doanh thu tài chính tại KDH đi ngang so với cùng kỳ, đạt 5,6 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế tại KDH đạt 265 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ.

Khép lại nửa đầu năm 2021, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần tăng 31%, đạt hơn 1.948 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt gần 472 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính tại KDH, tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản tại KDH ghi nhận 14.024 tỷ đồng, tăng xấp xỉ so với đầu năm.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6%, lên mức gần 3.733 tỷ đồng chủ yếu là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn với 2.384 tỷ đồng; Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận gần 1.849 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm;

Hàng tồn kho tại KDH cũng xấp xỉ so với đầu năm, ở mức hơn 7.341 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là hàng hóa bất động sản tập trung lớn nhất ở dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo với 3.234 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Dự án Khang Phúc - Lovera Vista với 844 tỷ đồng; dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông với 504 tỷ đồng; Thủy Sinh Phú Hữu với hơn 435 tỷ đồng; Verosa Phú Hữu với gần 93 tỷ đồng.

Trong quý II vừa rồi, Nhà Khang Điền công bố phát hành riêng lẻ tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 12%/năm. Thời gian phát hành chậm nhất quý III năm nay, ngày cụ thể do Tổng giám đốc quyết định.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải ngân dự kiến chậm nhất đến hết quý III, sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chân dung “chủ nợ” lớn nhất của Nhà Khang Điền

Tính đến 30/6/2021, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là chủ nợ lớn nhất của Nhà Khang Điền với tổng giá trị vay gần 1.231 tỷ đồng.

Cụ thể, OCB là đơn vị cho Nhà Khang Điền vay nhiều nhất, gồm 5 khoản vay dài hạn với tổng trị giá gần 1.231 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay 650 tỷ đồng được dùng để tài trợ phát triển dự án Lê Minh Xuân mở rộng và Ấp 2 Tân Tạo với hình thức đám bảo là quyền tài sản tại chính dự án này; khoản vay 350 tỷ cũng để tài trợ dự án tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Hồ Chí Minh với hình thức đảm bảo là quyền tài sản tại chính dự án.

Ngân hàng TMCP Phương Đông là chủ nợ lớn nhất của Khang Điền. 

Ngân hàng TMCP Phương Đông là chủ nợ lớn nhất của Khang Điền. 

Ngoài ra, khoản vay hơn 23,7 tỷ đồng và 7 tỷ đồng dùng để tài trợ dự án Verosa với hình thức đảm bảo là một số biệt thự thuộc dự án Verosa.

Ngoài OCB, Nhà Khang Điền còn vay VietinBank 733 tỷ đồng và 582 tỷ đồng phát hành trái phiếu. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 30%.

Ông chủ của Nhà Khang Điền là ai?

Vào đầu tháng 3 năm nay, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH) vừa công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi nhân sự chủ chốt. Theo đó, HĐQT công ty đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật công ty của ông Lê Quang Minh.

Ông Lê Quang Minh xin thôi giữ chức danh tổng giám đốc và người đại diện pháp luật công ty từ ngày 3/3 vì lý do cá nhân.

Người lên thay ông Lê Quang Minh cũng là một nhân sự tên Minh khác. Đó chính là ông Vương Văn Minh – khi đó đang là Phó tổng giám đốc. Ông Vương Văn Minh chính thức giữ chức danh tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật mới của công ty từ ngày 3/3/2021.

Về “CV của” ông Vương Văn Minh, tân tổng giám đốc của Nhà Khang Điền sinh năm 1985, là một trong 2 phó tổng giám đốc của Khang Điền mới được bổ nhiệm ngày 8/2. Trước đó, ông Minh là Trợ lý Hội đồng quản trị của Khang Điền. Cùng được bổ nhiệm với ông là ông Lê Hoàng Khởi. Ông Vương Văn Minh có hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Ông gia nhập Khang Điền từ năm 2018 và đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tài chính, kế toán và đầu tư của công ty.

Như vậy ban điều hành của Khang Điền hiện gồm ông Vương Văn Minh; các phó tổng giám đốc gồm: Ông Lê Hoàng Khởi, bà Nguyễn Thùy Trang, ông Bùi Quang Huy và ông Trương Duy Minh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà Khang Điền được thành lập vào tháng 12/2001 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, đến nay khi vốn lên đến 4.140 tỉ đồng.

Trong đó, ông Lý Điền Sơn được biết là cổ đông sáng lập và là người nên thương hiệu Khang Điền. Ông Sơn từng nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Khang Điền trước khi để lại các vị trí này cho người khác để lùi xuống vị trí Phó Chủ tịch. Ông Lý Điền Sơn cũng được biết đến là anh trai của diễn viên nổi tiếng Lý Hùng, từng là đạo diễn bộ phim Nước mắt học trò lừng lẫy một thời,

Cuối tháng 3/2017, ông Sơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc để nhường lại cho bà Ngô Thị Mai Chi. Sau 1 tháng, vào giữa tháng 4, ông Sơn tiếp tục từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Khang Điền kể từ 12/4/2017.

Vào năm 2018, ông Lý Điền Sơn nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu KDH tương đương 1,06% vốn tại Khang Điền. Em trai ông là Lý Văn Hùng (diễn viên Lý Hùng) cũng sở hữu 76.514 cổ phần và mẹ ông là bà Đoàn Thị Nguyên cũng sở hữu số cổ phần tương tự.

Từng vướng nhiều lùm xùm

Cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã có công văn số 126/2018/CV-KĐ gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc đồng ý với kết quả thanh tra của Tổng cục Thuế đối với công ty.

Theo công văn, KDH công nhận kết quả thanh tra của Tổng Cục Thuế đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) thời kỳ kiểm tra 2015, 2016, 2017 và ra mức xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng là hoàn toàn đúng.

Đây là kết quả thanh tra thuế thời kỳ kiểm tra từ 2015 - 2017... Đồng thời, KDH cũng đã công bố nhận được kết quả thanh tra thuế.

Dự án Lovera Vista từng bị tố bán lúa non. Ảnh internet. 

Dự án Lovera Vista từng bị tố bán lúa non. Ảnh internet. 

Cũng trong thời điểm đó, dự án Lovera Vista (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) do công ty TNHH MTV-ĐT-KD Nhà Khang Phúc (Công ty con của Nhà Khang Điền) làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) làm đơn vị phát triển cũng bị “tố” là bán lúa non.

Theo quảng cáo, dự án Lovera Vista Khang Điền có tổng diện tích 1,8ha, mật độ xây dựng khoảng 37%, quy mô gồm 5 block, dự kiến cung ứng khoảng 1.310 căn hộ ra thị trường trong năm 2019. Tuy nhiên, khi dự án vẫn trong quá trình thi công phần móng nhưng các đơn vị môi giới đã liên tiếp thông tin đến khách hàng về việc nhận đặt cọc giữ chỗ. Kèm theo đó, các môi giới gửi đến cho khách hàng các phương thức thanh toán khi đã xuống tiền.

Sau đó Công ty TNHH MTV- ĐT- KD Nhà Khang Phúc đã có văn bản cho biết, công ty này không thực hiện việc huy động vốn góp từ người mua, thuê, thuê mua nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào khi dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của pháp luật.

Vào tháng 5/2019, hàng chục cư dân tại khu dân cư Melosa Garden đã kéo lên đối thoại với chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Song Lập (công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền) liên quan đến việc xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung ngay sát khu dân cư. Người dân bức xúc cho rằng chủ đầu tư sai phạm, tự ý trạm xử lý nước thải chỉ cách vị trí nhà dân khoảng 15 – 16m và nằm dưới trụ điện 220KV.

Làm việc với chủ đầu tư không có kết quả, cư dân Melosa Garden đã gửi đơn tố cáo, khiếu nại lên cơ quan chức năng. Sau đó, trạm xử lý nước thải này đã bị đình chỉ thi công.

Theo Văn Chương/Doanh nhân Việt Nam