Phối cảnh dự án tổ hợp TTTM, outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình, vừa có thư ngõ gửi nhân sỹ, trí thức, chuyên gia kinh tế và nhân dân cả nước góp ý, phản biện cho đề án xây dựng hệ thống TTTM, outlet V+ miễn phí mặt bằng.
Theo đề án này, ông Nguyễn Hữu Đường dự kiến sẽ xây dựng hệ thống TTTM tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước, bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30 - 40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa.
Đây sẽ là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho hơn 870.000 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Các dự án thuộc đề án đều không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh.
Tại Hà Nội, đề án cho biết sẽ xây dựng một dự án tổ hợp trung TTTM, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Khi hoàn thành, dự án sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng, hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5ha dành riêng cho khu làng nghề; 1ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan – di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.
Nếu đi vào hoạt động năm 2022, dự án dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà TP. Hà Nội thu được khoảng 100 tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 36.500 tỷ đồng/năm.
Dự án cũng được cho là sẽ tạo từ 10.000 - 20.000 việc làm cho người lao động (tùy quy mô dự án tại các tỉnh, thành). Dự kiến, sau 5 năm đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp thu hút thêm hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm...
Được biết, từ tháng 9/2020, Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị chấp thuận xây dựng dự án theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội).
Tuy nhiên cho đến nay, sau gần 1 năm, đề xuất đó của Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội trả lời dứt khoát.
Ông Nguyễn Hữu Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Sau này, lấn sân sang lĩnh vực địa ốc, vị đại gia đi lên từ nghề đạp xích lô này lại gây chú ý với những công trình dát vàng đầu tiên trên thị trường.
Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án này được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng, và là địa điểm quen thuộc của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.
Một dự án mang tính biểu tượng khác của Hòa Bình là khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng – được khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, chống được động đất cấp 8 với tổng diện tích 12.500 m2.
Đặc biêt, dự án này sở hữu bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, cùng với đó là các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K.