Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chốt địa điểm xây dựng sân bay mới có kinh phí lên đến 1 tỷ USD tại đảo Gò Găng thuộc địa phận xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Đảo Gò Găng hiện vẫn còn khá hoang sơ, là một trong những địa điểm nhiều khách du lịch ưa thích. Để đẩy mạnh phát triển đô thị, hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội, mới đây Sở Xây dựng tỉnh này đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích quy hoạch toàn khu lên 1.389 ha; quy mô dân số dự kiến khoảng 65.000 người; đất xây dựng đô thị giảm xuống còn khoảng 795 ha chiếm 57,2% (122,3 m2/người); tăng tầng cao tối đa lên 60 tầng;…
Theo quy hoạch (dự kiến điều chỉnh), đảo Gò Găng có 8 phân khu chức năng gồm: Khu vực xây dựng các nhóm nhà ở; Khu vực xây dựng các công trình chức năng hỗn hợp; Khu vực xây dựng các công trình công cộng; Khu vực công viên cây xanh, không gian mặt nước cảnh quan; Khu vực xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; Khu vực công viên thể thao giải trí; Khu vực sân bay Gò Găng và các dịch vụ sân bay; Khu trung tâm nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án sân bay Gò Găng được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu tại phường 9, TP Vũng Tàu. Theo quy hoạch dự kiến, Cảng hàng không Vũng Tàu là cảng nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Quy mô sân bay đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất cảng 100.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo đó, tổng diện tích để xây dựng sân bay Gò Găng gần 250ha. Vị trí mốc, ranh giới khu đất có phía Đông Bắc giáp đường Vũng Tàu - Gò Găng - Long Sơn; phía Tây Nam giáp Vịnh Gành Rái; phía Đông Nam giáp đường quy hoạch và phía Tây Bắc giáp sông Chà Và.
UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án Giao thông khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải liên hệ với các sở ngành liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu dự án; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh quyết định.
Trước đó, hồi cuối năm 2019 liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest và CTCP Đầu tư VCI đã có văn bản gửi về tỉnh xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng. Trước Văn Phú Invest và VCI, một liên danh khác là CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) và CTCP Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng (Song Hong ICT) cũng từng đề xuất đầu tư xây dựng sân bay này.
Kinh phí để xây dựng sân bay mới này vào khoảng 1 tỷ USD. Có 2 phương án đầu tư được đưa ra là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí. Phương án thứ hai là đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.
Ở một diễn biến khác, liên danh Văn Phú Invest và VCI trước đó cũng đã có đề xuất với chính quyền địa phương được đầu tư 2 dự án khu đô thị lớn. Trong đó, liên quan đến khu đất tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu có quy mô khoảng 200ha, liên danh nhà đầu tư này đề xuất phát triển một khu đô thị mới gồm: đô thị nén 35 ha; Công viên trung tâm 46 ha; Khu trung chuyển và dịch vụ thương mại hỗn hợp 24 ha; Trung tâm tài chính và công nghệ 20 ha, tổ hợp biểu tượng đô thị 25 ha.
Bên cạnh dự án khu đô thị trên, liên danh nhà đầu tư này cũng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư một dự án khu đô thị mới khác có quy mô 270ha, tại phường 12, TP Vũng Tàu. Dự án được phát triển là khu đô thị sinh thái khép kín với quy mô 60ha, khu đất xây dựng tổ hợp thương mại và văn phòng khoảng 20a, trung tâm thương mại quy mô lớn khoảng 15 ha, khu đô thị Marina khoảng 25 ha, trung tâm thể dục thể thao và quảng trường khoảng 15 ha, trục thương mại thấp tầng khoảng 30 ha, Khu ở mới gắn với làng xóm hiện hữu khoảng 60 ha.
Bình An
Theo Nhịp sống kinh tế/Tổ Quốc