Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đại gia Rolls Royce Ninh Bình muốn 'đấu' Nguyễn Kim Group trong thương vụ Ladophar

05/10/2019 14:02

Nếu trúng đấu giá, ông Nguyễn Văn Dân sẽ trở thành cổ đông thiểu số tại Ladophar. Lúc này, ông chủ Công ty Hoàng Dân có thể chấp nhận sự chi phối của Nguyễn Kim, hoặc vướng vào một cuộc tranh đấu quyền lực mà ưu thế rõ ràng sẽ nghiêng về phía tập đoàn sừng sỏ phía Nam.
ladophar

Diễn biến tại cuộc đấu giá cổ phần Ladophar tới đây hứa hẹn sẽ rất kịch tính

Nhà nước thoái hết vốn

Chiều 10/10 tới đây tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành đấu giá 2.495.873 cổ phần, tương đương 31,88% phần vốn CTCP Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar, mã chứng khoán: LDP).

Toàn bộ cổ phần LDP thuộc sở hữu SCIC được chào bán trọn lô với giá khởi điểm 70,13 tỷ đồng, tương đương 28.100 đồng/CP.

Ladophar tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng có lịch sử từ năm 1982. Năm 1999, đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cổ phần hoá. Năm 2010, Ladophar niêm yết trên HNX với mã chứng khoán LDP. Tại thời điểm đó, CTCP Đầu tư & Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) đã nắm 36,45% cổ phần và vượt qua SCIC để trở thành cổ đông lớn nhất của Ladophar.

Suốt nhiều năm sau, Nguyễn Kim liên tục mua gom cổ phần để gia tăng ảnh hưởng tại Ladophar. Tới cuối tháng 4/2019, tập đoàn này đã nâng thành công tỷ lệ sở hữu từ 33,72% lên mức quá bán 51,15%, và cùng với một cá nhân cùng "nhóm" là bà Nguyễn Thị Ánh Mai (12,44%) chi phối tới 63,59% cổ phần LDP.

Với bối cảnh đó, sẽ không bất ngờ nếu Nguyễn Kim là bên "hứng thú" và có ưu thế nhất trong cuộc đấu giá ngày 10/10 tới đây. Hướng tư duy này càng thêm thuyết phục khi 2/5 nhà đầu tư vừa đăng ký mua cổ phần LDP có không ít liên hệ với Nguyễn Kim.

Cụ thể là bà Nguyễn Thị Ánh Phượng - người hiện đang đứng tên loạt thành viên trong Nguyễn Kim Group như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Nguyễn Kim Bình Dương, Công ty TNHH MTV Nguyễn Kim Tân Sơn Nhất hay DNTN Thương mại Nguyễn Kim...; và bà Nguyễn Ánh Kim Trang - nhà đầu tư có cùng hộ khẩu thường trú với bà Nguyễn Thị Ánh Mai - cổ đông lớn của Ladophar (đề cập ở phần trên).

Dù vậy, xuất hiện những tín hiệu cho thấy một số nhà đầu tư khác cũng không kém phần nghiêm túc với lô cổ phiếu thiểu số của SCIC ở Ladophar, gồm hai nữ doanh nhân tại Hà Nội là bà Ngô Lan Anh (SN 1980) - cựu Giám đốc CTCP Dây phích cắm Trần Phú hay bà Bùi Thị Hương Ly (SN 1991) - chủ cửa hàng thiết bị điện dân dụng Tín Dương tại 38-40 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Dân - doanh nhân sở hữu siêu xe Rolls Royce ở Gia Viễn, Ninh Bình đã bạo chi 350 tỷ đồng để mua lại CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình, trong bài viết  được Nhadautuy.vn đề cập cách đây không lâu.

Ông Nguyễn Văn Dân là doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực xây dựng ở Ninh Bình với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân. Việc đại gia sinh năm 1970 liên tục đầu tư mạnh vào những mảng miếng còn mới mẻ như nước sạch hay dược phẩm là diễn biến khá bất ngờ.

Screen Shot 2019-10-04 at 11.04.49 PM
Screen Shot 2019-10-04 at 11.20.47 PM

Hiệu quả kinh doanh của Ladophar giảm mạnh từ năm 2015 và bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ từ năm 2018 đến nay. Cổ phiếu LDP trên sàn HNX do đó đã bị đưa vào diện cảnh báo từ trung tuần tháng 3/2019

Nếu đại gia Rolls Royce tiếp tục "chơi lớn"?

Với phong cách bạo chi của mình (bỏ giá cao hơn 40% để mua lại Cấp thoát nước Ninh Bình), doanh nhân Ninh Bình chắc hẳn sẽ khiến các đối thủ phải dè chừng trong phiên đấu giá tới đây.

Dù vậy, nếu tiếp tục trúng đấu giá lô cổ phần LDP, ông Nguyễn Văn Dân sẽ đối mặt với bài toán không dễ có lời giải, là chịu sự chi phối của Nguyễn Kim, hay trở thành đối trọng của tập đoàn sừng sỏ phía Nam. Bởi khi đó, nhà đầu tư cá nhân này cần thêm 4,12% để đủ mức phủ quyết theo Điều lệ Ladophar (36%), trong khi với nhóm Nguyễn Kim chỉ cần 1,41% (để đủ 65%). Hiện nay lượng cổ phiếu LDP trôi nổi trên thị trường chỉ còn khoảng hơn 4%, đồng nghĩa với việc mua gom từng cổ phần sẽ là rất khó khăn đối với cả hai nhóm cổ đông này.

Trong trường hợp tìm được tiếng nói chung, đây sẽ là kịch bản đẹp nhất cho đôi bên. Từ một doanh nghiệp ăn nên làm ra với tỷ suất lợi nhuận trên vốn cả trăm phần trăm, Ladophar nhiều năm qua rơi vào cảnh khó khăn, kéo theo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ lớn hai năm nay. Với sự thoái lui triệt để của Nhà nước (qua SCIC), dòng vốn tư nhân được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ để Ladophar tìm kiếm lại được thời kỳ hoàng kim trước đây.

Cần lưu ý rằng định hướng phát triển của Ladophar không chỉ phụ thuộc vào cơ cấu sở hữu sau cuộc đấu giá, mà còn là quan điểm của các nhà đầu tư tư nhân, rằng họ mong chờ gì ở công ty dược phẩm gần 40 năm tuổi này?

Nguyễn Kim trước đây từng được cho là có tham vọng lớn trong lĩnh vực dược phẩm, khi ngoài Ladophar, tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Văn Kim còn sở hữu 16,5% cổ phần CTCP Dược phẩm 3/2 (FT Pharma), tuy nhiên khoản đầu tư này đã được thoái hết trong năm 2016, và trên thực tế, người ta biết đến Nguyễn Kim nhiều hơn với loạt thương vụ thâu tóm đất công giá rẻ ở TP.HCM. Còn về doanh nhân Nguyễn Văn Dân, như từng đề cập, vốn có thế mạnh trong mảng xây lắp và bất động sản. Lĩnh vực dược phẩm, bởi vậy chưa hẳn đã là tài sản đáng giá nhất của Ladophar trong mắt nhà đầu tư đất Bắc.

Biết rằng sự hấp dẫn của Ladophar còn là khối đất "vàng" khổng lồ doanh nghiệp này đang sở hữu, gồm 20 lô đất lớn nhỏ tại tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích gần 62.000 m2, trong đó có nhiều vị trí đắc địa tại TP. Đà Lạt như 8.100 m2 tại 6A Ngô Quyền, Phường 6 hiện đang làm văn phòng, kho dự trữ và nhà xưởng sản xuất, 13.073 m2 tại tờ bản đồ số 41, xã Xuân Thọ đang triển khai kỹ thuật nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP...

Xuân Tiên/Nhà Đầu Tư