Đại học VinUni là kết quả hợp tác giữa Vingroup và 2 trường Đại học tinh hoa thuộc top 20 Đại học tốt nhất thế giới với một chương trình đặc biệt.
Ngày 4/11, tại Hà Nội, trường Đại học VinUni (Tập đoàn Vingroup) có buổi tọa đàm về việc xây dựng đại học (ĐH) tinh hoa.
Chia sẻ với phóng viên, TS Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng những người lãnh đạo của tập đoàn này đi nhiều nước trên thế giới, tìm hiểu kinh nghiệm để xây dựng đại học tinh hoa trong 3 năm. Mục tiêu của đại học tinh hoa là đào tạo những con người xuất chúng để có thể làm thay đổi vận mệnh quốc gia.
“Trường ĐH không phải là đào tạo nhân tài có sẵn, mà phát hiện ra những tố chất có thể đào tạo thành nhân tài. ĐH VinUni mong muốn góp phần tạo ra một thế hệ người tài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của quốc gia. Đó là con đường mà tập đoàn Vingroup xây dựng một ĐH tinh hoa của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ.
Trước băn khoăn của nhiều phóng viên về mô hình phát triển của đại học tinh hoa, bà Mai Lan khẳng định trường sẽ không đi vào đào tạo nguồn nhân lực chung mà hướng tới việc phát hiện và phát triển nhân tài.
“Mô hình ĐH của Việt Nam hiện nay là trang bị kiến thức cho sinh viên, điều đó cũng rất quan trọng. Nhưng ĐH cũng cần đào tạo những người có tính tiên phong, có thể thay đổi xã hội, tạo được khát vọng cho người khác. Đó là lý do VinUni mong làm được”, bà Lê Mai Lan nói.
Để có một đại học tinh hoa như mong muốn thì theo bà Mai Lan phải có môi trường đậm đặc nhân tài từ giảng viên đến sinh viên, cùng với đó, hệ thống quản trị văn minh, cơ sở vật chất và tài chính đều phải rất mạnh.
"Tài nguyên đất nước có hạn, con người Việt Nam thì giỏi, nhưng tại sao Việt Nam chưa làm được những điều to lớn như các nước. Đó là khát vọng của chúng tôi trong việc xây dựng một ĐH tinh hoa cho quốc gia”, bà Lê Mai Lan chia sẻ.
Chia sẻ thêm về đại học tinh hoa, GS Rohit Verma (Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Đại học Kinh doanh Cornell SC Johnson, được Cornell biệt phái sang Việt Nam làm Hiệu trưởng VinUni) nêu quan điểm, ĐH VinUni hướng đến đào tạo ra những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có khát vọng, và năng lực để có thể dẫn dắt xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng mạnh dựa trên nền tảng của tri thức và khoa học công nghệ.
VinUni sẽ xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện, nhiều hoạt động ngoại khóa để các em có lối sống lành mạnh, có nhiều hoạt động khởi nghiệp, am hiểu các vấn đề xã hội... giúp sinh viên trở thành những công dân toàn cầu.
Vòng 1, sơ tuyển để bảo đảm các em có một nền tảng kiến thức nhất định (dựa vào kết quả học tập). Vòng 2, yêu cầu sinh viên viết bài luận, trường sẽ xem xét từng hồ sơ thí sinh để lựa chọn. Vòng 3 là đánh giá sinh viên, trường sẽ phỏng vấn trực tiếp các em và có những bài kiểm tra chuẩn hóa để ra quyết định nhận sinh viên nào vào trường.
“Như vậy, điểm số cũng là điểm khởi đầu nhưng không phải là tất cả, điểm số chỉ là cái nền tảng đầu tiên để bảo đảm các em học tập. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tuyển sinh viên dựa trên: tính cách, khả năng lãnh đạo của các em, niềm tự hào quốc gia, có khả năng phản biện tốt, có ý tưởng khởi nghiệp, có năng khiếu nổi bật. Chúng tôi nhìn sinh viên một cách toàn diện, tuyển sinh viên ở những vùng, hoàn cảnh khác nhau, năng khiếu khác nhau, không chấp nhận một loạt sinh viên giống nhau”, GS Rohit Verma, Hiệu trưởng trường ĐH VinUni nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi trao đổi, TS Nguyễn Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ băn khoăn khi VinUni mới chỉ tập trung đào tạo lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sức khỏe trong khi khoa học xã hội mới là nền tảng.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Đại học VinUni, GS Rohit Verma cho hay VinUni đang trong giai đoạn đầu hình thành, phát triển và sẽ mở rộng đào tạo sang các lĩnh vực khác, trong đó có khoa học xã hội.
Trong khi đó, chia sẻ tại buổi toạ đàm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ hy vọng vào sự phát triển của VinUni.
“ĐH Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn, nhiều trường chủ yếu đang phải lo về đất, tiền. VinUni thì không lo về điều đó, và đang đi theo con đường khác biệt, đào tạo ra những người có khả năng dẫn dắt xã hội. Muốn thế phải có tài chính, quản trị, giảng viên tốt, tìm được sinh viên tốt. Hiện nay cơ chế tự chủ đại học đã được triển khai, đó là cơ hội để các ĐH tự chủ, thực hiện sứ mệnh của mình”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu.
Chia sẻ với những nhà lãnh đạo của VinUni, TS Hoàng Ngọc Vinh gợi mở rằng VinUni có thể đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước với đầu vào là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ở các trường đại học khác.
Theo VTC