Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đang 'phất' nhanh, chuỗi 2.500 cửa hàng tiện lợi đối mặt nguy cơ tan vỡ vì mâu thuẫn chia tiền

15/05/2019 06:56

FamilyMart, chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thành công nhất ở Trung Quốc, đang lâm vào tranh chấp về lợi nhuận và phí nhượng quyền giữa hai công ty mẹ.

Bloomberg đưa tin tập đoàn FamilyMart đang kiện tập đoàn Ting Hsin ra tòa để chấm dứt quan hệ nhượng quyền giữa hai bên. Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart ở Trung Quốc là liên doanh giữa hai tập đoàn, nhưng FamilyMart cáo buộc Ting Hsin phân chia lợi nhuận không công bằng sau khi chuỗi mở rộng nhanh, theo một số nguồn tin liên quan tới vụ việc và hồ sơ pháp lý mà Bloomberg tiếp cận được.

Theo thỏa thuận nhượng quyền, Ting Hsin đã vận hành hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu FamilyMart ở Trung Quốc, chia lợi nhuận và trả phí nhượng quyền cho đối tác bên Nhật Bản. Mặc dù những người sáng lập Ting Hsin là công dân Đài Loan (Trung Quốc), tập đoàn đã kinh doanh tại đại lục từ những năm cuối thập niên 80. Vì thế, người tiêu dùng Trung Quốc coi họ là một doanh nghiệp địa phương. Ting Hsin cũng sở hữu nhiều thương hiệu thực phẩm và đồ uống, bao gồm thương hiệu mì ăn liền hàng đầu Trung Quốc.

Đang phất nhanh, chuỗi 2.500 cửa hàng tiện lợi đối mặt nguy cơ tan vỡ vì mâu thuẫn chia tiền - Ảnh 1.

Một cửa hàng tiện lợi Family Mart tại Trung Quốc. Ảnh: The China Post

Đơn kiện của FamilyMart cho thấy họ tố Ting Hsin tìm cách giảm phí nhượng quyền từ 1% xuống 0,3% hoặc thấp hơn, đồng thời giữ phí nhượng quyền trong 7 tháng. FamilyMart cũng cáo buộc Ting Hsin không cung cấp đủ dữ liệu về các giao dịch để đối tác có thể tính toán chính xác lợi nhuận của chuỗi siêu thị.

Ban lãnh đạo Ting Hsin International nhận định mức phí nhượng quyền định kỳ của FamilyMart UNY Holdings cao gấp 3 lần so với mức trung bình của nhiều đối thủ khác - như 7-Eleven.

Một tòa án trên quần đảo Cayman - nơi tập đoàn Ting Hsin và FamilyMart đăng ký kinh doanh - đã nhận đơn kiện. FamilyMart UNY Holdings muốn đối tác nhường 60% cổ phần trong liên doanh, theo một số nguồn tin từ nội bộ tập đoàn.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên nổ ra trong bối cảnh thị trường cửa hàng tiện lợi ở Trung Quốc có thể tăng trưởng với mức hơn 60% trong 5 năm tới và đạt giá trị 27 tỉ USD, theo dự đoán của Euromonitor International. Do Trung Quốc đang trải qua tiến trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu đối với những cửa hàng phục vụ 24 giờ mỗi ngày tăng vọt. FamilyMart là thương hiệu nước ngoài mới nhất ở Trung Quốc muốn thay đối tác trong bối cảnh chính phủ nới lỏng các quy định nghiêm ngặt đối với những ngành không nhạy cảm như hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Mặc dù kém 7-Eleven về số lượng siêu thị ở Trung Quốc, FamilyMart lại thành công nhất trong số các hãng bán lẻ Nhật Bản ở đại lục về doanh thu, chiếm 8,4% trong tổng số 17 tỉ USD doanh số trong năm 2018, theo Euromonitor. Tập đoàn Đường và Rượu Đông Quản là doanh nghiệp duy nhất hơn FamilyMart về doanh số ở Trung Quốc. Họ bán hàng giá rẻ ở những vùng xa xôi, phát triển chậm ở đại lục.

Nhạc Dương

Theo Kinh tế & Tiêu dùng