Đằng sau mối thâm tình của Elon Musk và Trung Quốc

15/01/2021 16:02

Elon Musk có vị thế đặc biệt, bởi được hâm mộ mạnh mẽ tại Mỹ và cũng là nhà tư bản nước ngoài được Trung Quốc yêu mến hàng đầu.

Ngày 10/2/2020, khi Trung Quốc dừng các hoạt động sản xuất để ngăn chặn Covid-19, giao thông bị gián đoạn, nhiều công nhân mắc kẹt, nhiều người không đến được đến nhà máy, ở ngoại ô Thượng Hải, nhà máy Giga Shanghai của Tesla lại rất nhộn nhịp. Hàng nghìn lao động quay lại dây chuyền lắp ráp. Nhiều người trong số họ đi xe buýt do chính phủ cung cấp từ các ký túc xá biệt lập với cộng đồng bên ngoài.

Công nhân được cấp nhiều khẩu trang N95. Không giống nhiều doanh nghiệp, Tesla được chính quyền phân bổ các lô hàng bảo hộ phong phú. Nhà máy được làm sạch bằng chất khử trùng, vốn cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý để mua.

Tuần đầu tiên sau khi nối lại sản xuất, Toyota, Volkswagen và các nhà sản xuất ôtô nước ngoài khác vẫn chưa thể mở cửa lại hoàn toàn. Trong khi Tesla Thượng Hải đã sản xuất được khoảng 1.000 xe. Đến tháng 3, con số này đã lên đến 3.000 xe mỗi tuần, cao hơn so với trước khi đóng cửa.

Sản xuất mẫu Model 3 tại nhà máy Thượng Hải vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Sản xuất mẫu Model 3 tại nhà máy Thượng Hải vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Việc Tesla nhanh chóng sản xuất trở lại thể hiện mối quan hệ giữa họ với chính quyền Trung Quốc kể từ năm 2018, khi công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thượng Hải. Họ hưởng các đặc quyền bao gồm giảm thuế, vay vốn giá rẻ, quyền sở hữu hoàn toàn các hoạt động tại nước này và được hỗ trợ xây dựng một nhà máy rộng lớn với tốc độ đáng kinh ngạc.

Điều đó giúp Tesla biến Trung Quốc thành thị trường quan trọng nhất bên ngoài nước Mỹ. Model 3 hiện nằm trong số những chiếc xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc. Nước này chiếm khoảng 1/5 doanh thu Tesla, góp phần giúp Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới. Chi nhánh tại Thượng Hải không chỉ là nhà máy. Họ có kế hoạch R&D, thuê những bộ óc kỹ thuật sáng giá nhất của đất nước.

Thuở đầu gian nan

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ, với khoảng 1,2 triệu chiếc được bán vào năm 2020, chiếm hơn 40% tổng số toàn cầu. Sự phổ biến của xe điện được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ. Trong một thập kỷ, nước này đã đưa ra nhiều trợ cấp và khuyến khích cho xe lai và xe điện. Ví dụ, ở Thượng Hải, biển số ôtô mới chạy bằng xăng phải mua qua đấu giá, với khoảng 14.000 USD, trong khi biển số cho xe điện là miễn phí.

Nhưng hồi năm 2015, Tesla chỉ bán được khoảng 3.700 xe tại đây, so với gần 33.000 chiếc của Zhidou Auto. Họ có một số sai lầm đắt giá khi bán chiếc sedan đầu tiên là Model S tại nước này. Các nhà thiết kế của hãng không biết người Trung Quốc đủ giàu để có tài xế riêng nên cần các ghế sau sang trọng hơn. Phần mềm trên xe cũng thiếu các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc và cổng sạc chỉ tương thích với cổng độc quyền của Tesla, không phải tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc.

Vấn đề lớn hơn là mọi chiếc Tesla bán ra đều được sản xuất tại Mỹ, nên không được ưu đãi. Ngược lại, các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD Auto và BAIC Group lại được hưởng lợi rất nhiều từ khoản trợ cấp, cho phép họ bán những chiếc xe điện tầm trung với giá 20.000 USD trở xuống.

Tháng 3/2017, mọi chuyện thay đổi khi Tencent Holdings mua 5% cổ phần Tesla. Musk tuyên bố họ sẽ là "một nhà đầu tư và cố vấn". Tesla cũng khắc phục một số vấn đề trước đó, như bổ sung cổng sạc tiêu chuẩn Trung Quốc.

Tiếp đến, lãnh đạo Tesla đi khắp các thành phố Trung Quốc để tìm địa điểm xây nhà máy. Thượng Hải, đô thị hướng ngoại nhất của Trung Quốc, quê hương của Robin Ren, kỹ sư Stanford, người đứng đầu các hoạt động châu Á - Thái Bình Dương của Tesla, lọt vào tầm ngắm.

Nhưng các thành phố của Trung Quốc vốn có lịch sử cạnh tranh lâu dài để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi. Musk thì dày dặn kinh nghiệm trong việc khiến các chính quyền địa phương tại Mỹ tranh giành mình. Trong các cuộc thảo luận với các địa phương tiềm năng, Tesla đưa ra một điều kiện không thể thương lượng: kiểm soát 100% các hoạt động để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là một yêu cầu rất lớn. Kể từ những năm 1990, Trung Quốc yêu cầu các công ty ôtô nước ngoài phải thành lập liên doanh 50-50 với các đơn vị Trung Quốc, chia sẻ doanh thu, công nghệ và chuyên môn với các công ty đó.

Thay đổi các quy tắc sẽ cần sự hỗ trợ của cả địa phương và trung ương. Vào cuối năm 2017, Tesla đã quyết định chọn Thượng Hải là địa điểm khả thi, nhưng các cuộc đàm phán bị đình trệ về vấn đề quyền sở hữu, bởi các quan chức trung ương khăng khăng về một liên doanh.

Bắt được thời điểm 'vàng'

Nhưng Musk ngẫu nhiên có được thời điểm "vàng". Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Các công ty Mỹ gặp phải môi trường thù địch hơn ở Trung Quốc khi sản phẩm của họ bị kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội nước này. Điều này tạo nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng.

Kenneth Jarrett, Cựu tổng lãnh sự Mỹ tại Thượng Hải và hiện là cố vấn cấp cao của Albright Stonebridge, nói rằng Trung Quốc khi ấy tìm kiếm dẫn chứng rằng các công ty Mỹ vẫn muốn đến đây. "Tesla đã nhận ra điều đó và biết rằng họ có thể mặc cả nhiều hơn và giành chiến thắng", ông nói.

Tháng 4/2018, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia thông báo bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài 50% đối với các doanh nghiệp ôtô vào năm 2022, riêng xe điện được miễn trừ gần như ngay lập tức. Ba tháng sau, Tesla ký thỏa thuận với chính quyền Thượng Hải về một nhà máy sản xuất 500.000 xe mỗi năm.

Đầu năm 2019, Musk và các lãnh đạo Tesla đến dự lễ khởi công ở Thượng Hải. Vẫn giọng cường điệu, ông nói nhà máy "có lẽ là tiên tiến nhất" hành tinh. Hơn nữa, "chúng tôi nghĩ, với các nguồn lực ở đây, chúng tôi có thể xây dựng nhà máy Thượng Hải trong thời gian kỷ lục".

Hưởng ưu đãi ồ ạt

Sau đó, Musk đến Bắc Kinh, mọi hành tung được người hâm mộ Trung Quốc theo dõi trên mạng xã hội, kể cả việc ông đến ăn ở quán lẩu nổi tiếng của thủ đô. Musk gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và nói "Tôi yêu Trung Quốc". Đáp lại, ông Cường cho biết Musk có thể được cấp thẻ thường trú.

Tháng 3/2019, một số ngân hàng quốc doanh cấp cho Tesla khoản vay 521 triệu USD để xây nhà máy với lãi suất ưu đãi, cùng điều kiện thoáng đến độ không có yêu cầu pháp lý nào đối với Tesla ngoài tài sản thế chấp, nếu dự án thất bại.

Nhà máy được xây với tốc độ đáng kinh ngạc, nhờ chính quyền Thượng Hải thúc đẩy bằng mọi cách có thể. Tesla được hoạt động trước khi đảm bảo tất cả giấy phép, và các quan chức địa phương đã có mặt tại hiện trường để xử lý thủ tục giấy tờ. Việc kết nối nhà máy với hệ thống nước chỉ mất 4 ngày. State Grid, nhà phân phối điện quốc gia, cho biết họ đã hoàn thành việc kết nối điện cho Tesla nhanh hơn bất kỳ dự án nào có quy mô tương đương.

Tháng 12/2019, Model 3 sản xuất tại Trung Quốc đã được phê duyệt trợ cấp mua hàng 3.900 USD cho mỗi chiếc. Ngay sau đó, Tesla nhận được gói tài trợ trị giá hơn một tỷ USD từ các ngân hàng quốc doanh. Đúng như Musk tuyên bố, những chiếc xe đầu tiên của nhà máy Thượng Hải lăn bánh trước cuối năm 2019.

Hiện Trung Quốc trở thành thị trường duy nhất ngoài Mỹ Tesla thống kê báo cáo doanh thu hàng quý. Quý III/2019, doanh thu đạt 669 triệu USD và tăng lên 1,74 tỷ USD vào cùng kỳ 2020. Nói cách khác, ván cược của Musk đang thành công.

Vì sao Trung Quốc 'cưng' Tesla?

Với nhiều chuyên gia, động cơ "cưng chiều" Tesla của Trung Quốc khá rõ, đó là nâng cao năng lực cho toàn ngành xe điện. Tesla là liều thuốc kích thích nỗ lực cho các nhà sản xuất nội địa và trợ lực cho các nhà cung cấp.

Tesla tạo lực đẩy lớn cho các công ty như Contemporary Amperex Technology, gã khổng lồ về pin của Trung Quốc, cung cấp pin cho xe Tesla sản xuất tại Thượng Hải. Cổ phiếu của hãng này đã tăng gấp ba lần vào năm 2020 và hiện có giá trị thị trường khoảng 140 tỷ USD. Các nhà cung cấp khác cũng hy vọng về khả năng hưởng lợi tương tự.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế cho biết, sự hiện diện của Tesla nhằm giúp phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng. Đã có tiền lệ cho điều này trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Hầu hết iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc, tạo lợi ích cho rất nhiều nhà cung cấp nội địa.

Apple kiếm được lợi nhuận đáng kể ở Trung Quốc nhưng thị trường điện thoại thông minh nước này cũng bị chi phối lớn bởi các thương hiệu nội địa như Huawei, Oppo và Vivo. Những công ty này đã phát triển thịnh vượng trước sự đánh thức của đối thủ. Và câu chuyện về Tesla cũng như thế.

Rủi ro của 'mối thâm tình'

Elon Musk chúc mừng các chủ sở hữu xe Model 3 sản xuất tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Elon Musk chúc mừng các chủ sở hữu xe Model 3 sản xuất tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, việc làm ăn của Musk ở Trung Quốc hầu như không làm suy yếu vị thế của ông ở quê nhà. Tỷ phú này được nhiều người theo chủ nghĩa tự do yêu quý vì các ngành thân thiện môi trường. Ông cũng được những người bảo thủ phe Trump ca ngợi vì nỗ lực khôi phục sản xuất của Mỹ. Và SpaceX còn được Lầu Năm Góc tin tưởng giao hợp đồng phóng vệ tinh do thám.

Musk nổi tiếng ở Washington lẫn Bắc Kinh. Khi sự hiện diện của Tesla ngày càng tăng, vấn đề đặt ra là liệu Musk có trở thành nhà tư bản nước ngoài yêu thích của ông Tập hay không. Nhưng dù có vị thế đó, tỷ phú này cũng đang ở một thế khó xử.

Khi quan hệ giữa hai nước vẫn xấu và một Trung Quốc ngày càng tham vọng dẫn đầu thế giới về xe điện và trí tuệ nhân tạo, không rõ Musk sẽ có thể vượt qua ranh giới địa chính trị này trong bao lâu. Các chính trị gia Mỹ có thể không muốn một trong những công ty công nghiệp hàng đầu của đất nước chia sẻ kiến thức với một đối thủ chiến lược.

Hiện tại, các kiểm soát về những gì các công ty Mỹ có thể giao dịch với Trung Quốc tập trung vào các công nghệ như chất bán dẫn, hơn là ôtô. Tuy nhiên, khi ôtô phát triển để trở thành nền tảng lớn cho các cảm biến tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, không khó để tưởng tượng một thời điểm mà các nhà chức trách Mỹ có thể có quan điểm hạn chế hơn, đặc biệt là một công ty được dẫn dắt bởi một CEO, người cũng điều hành SpaceX, có quan hệ chặt chẽ với quân đội Mỹ.

Còn theo chiến lược kinh tế của ông Tập, "các công ty nước ngoài sẽ có những cơ hội khá tốt, nhưng họ phải biết rằng kế hoạch cuối cùng là tất cả công nghệ tiên tiến phải là của Trung Quốc", James McGregor, Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc đại lục của công ty quan hệ chính phủ Apco Worldwide nói, "Tôi hy vọng rằng Elon vào đó một cách tỉnh táo".

Ngoài ra, các đối thủ nội địa đang cạnh tranh rất mạnh, với những mẫu xe đẹp và công nghệ phức tạp hơn. Dòng Model 3 đã phải nhiều lần giảm giá tại Trung Quốc và xuất khẩu đi châu Âu, chứng tỏ thị trường nội địa chưa hấp thụ hết.

Các công ty nước ngoài từ lâu hiểu rằng không thể kiếm tiền ở Trung Quốc nếu không chịu hợp tác chính thức với chính quyền. Những chuyên gia trong ngành xe hơi Trung Quốc, những người đã theo dõi các công ty như Volkswagen và Toyota phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để đạt được những gì Musk có chỉ trong vài năm, rất ấn tượng với cách ông khéo léo tiếp cận thị trường này.

Mặc dù vậy, lời khen ngợi của họ cũng đi kèm cảnh báo. Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler, hiện là CEO của Automobility, một nhà tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói Elon đã xoay xở rất tốt. "Nhưng Tesla có được điều này vì Tesla có lợi cho Trung Quốc", ông nói.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/moi-tham-tinh-cua-elon-musk-va-trung-quoc-4220640.html