Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch bệnh lần thứ 4. Nhìn lại các lần bùng phát trước, có thể thấy bên cạnh những rủi ro thì cũng tồn tại những cơ hội trên thị trường chứng khoán khi hình hình dịch bệnh được khống chế. Làn sóng dịch lần này đang cho thấy nhiều dấu hiệu đã được kiểm soát khi số ca nhiễm mới đang trên đà giảm và tiến độ tiêm vaccine phổ cập hơn. Dưới góc độ thống kê, Chứng khoán Agriseco đã chọn lọc những các nhóm ngành/cổ phiếu tiềm năng khi dịch bệnh được khống chế.
Quan sát diễn biến các đợt bùng phát dịch trước, Agriseco nhận thấy một số điểm chung như trước khi số ca mắc mới tạo đỉnh, đa số các nhóm ngành đều ghi nhận trạng thái giảm điểm. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát và số ca mắc mới đã tạo đỉnh, có thể thấy các rất nhiều các ngành đều đồng thuận tăng điểm.
Theo Agriseco, mặc dù xu hướng dòng tiền khi thị trường hồi phục khá lan tỏa, tuy nhiên chỉ có một số ít các nhóm ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung. Đây thường là các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hoặc có câu chuyện tăng trưởng riêng biệt.
Thứ nhất là ngành hóa chất. Nhóm này được hưởng lợi từ hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa lên cao. Sự gia tăng đáng kể về giá một số mặt hàng có thể kể tới như: giá mủ cao su đã tăng khoảng 26% so với trung bình cả năm ngoái, giá phân DAP tăng 128%, phân Urea tăng 119%, phân lân tăng 130%. Ngoài ra, nhu cầu đối với một số mặt hàng như photpho vàng, phân bón đang gia tăng trên thị trường quốc tế giúp các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc xuất khẩu.
Thứ hai là ngành kim loại. Đây là nhóm có câu chuyện tăng trưởng từ giá thép tăng mạnh và duy trì ở mức cao so với trung bình năm 2020. Cùng với đó là triển vọng xuất khẩu tích cực khi thị trường Trung Quốc cắt giảm thêm sản lượng nội địa và đang có làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Thứ ba là ngành bán lẻ. Đây là một trong những nhóm cổ phiếu có tỷ suất sinh lời rất tốt khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Triển vọng ngành này tới từ ngắn hạn là gia tăng doanh số bán hàng khi nền kinh tế mở cửa và dài hạn là xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch, tạo điều kiện cho việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử phát triển.
Thứ tư là ngành dầu khí. Một số sự kiện trên thị trường quốc tế như OPEC cắt giảm sản lượng; bão IDA ở Mỹ.. đã đẩy giá dầu lên mức cao hơn nhiều so với năm 2020; hiện đạt trên 70$/thùng với cả dầu Brent và WTI. Giá dầu duy trì ở mức cao là động lực để tất cả các khâu khai thác, lọc và thương mại dầu đều có triển vọng lợi nhuận tích cực. Ngoài ra, khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng sẽ tăng lên.
Trên đây là bốn ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung khi thị trường phục hồi trong quá khứ và được Agriseco đánh giá tiềm năng. Bên cạnh đó, CTCK này đánh giá trung lập với ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính, đây cũng là 2 nhóm có mức tăng tốt ở các lần số ca mắc mới tạo đỉnh trước đó.
Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng ngành ngân thường chứng kiến sự phục hồi đáng kể sau khi dịch được kiểm soát trong những làn sóng trước. Ngoài ra, những ngân hàng có trích lập dự phòng cao trong thời gian qua sẽ có tiềm năng hoàn nhập dự phòng khi các khoản nợ xấu được xử lý, đặc biệt là những khoản nợ liên quan tới Covid-19 khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với ngành dịch vụ tài chính, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 đạt hơn 120.000 đơn vị và là tháng tốt thứ 2 trong năm. Lũy kế từ đầu năm tới nay, số lượng tài khoản mở mới đã đạt khoảng 841 nghìn đơn vị và lớn gấp 2,13 lần so với cả năm 2020. Sự tăng trưởng mạnh cả về thanh khoản cũng như chỉ số thị trường là động lực để thúc đẩy lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong giai đoạn này.
Agriseco cũng đưa ra các nhóm ngành được kỳ vọng phục hồi nhưng giá cổ phiếu thực tế không tăng điểm tốt. Trung bình, VN-Index ghi nhận mức hồi phục khoảng 20% kể từ khi số ca mắc mới lập đỉnh đến khi đợt bùng phát được kiểm soát. Một số nhóm cổ phiếu như du lịch/giải trí; bia và đồ uống được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa và có hiệu suất tốt hơn mức của thị trường chung. Tuy nhiên thống kê trên thực tế lại không thực sự ủng hộ luận điểm này
Đối với ngành du lịch và giải trí, tổng kết tỷ suất sau 3 giai đoạn bùng phát dịch trước cho thấy mức sinh lời trung bình của nhóm này thấp hơn khá nhiều so với thị trường chung. Agriseco cũng nhận thấy tại một số cổ phiếu đầu ngành hàng không, dịch vụ như HVN, SCS thường xuất hiện những nhịp tăng khá mạnh quanh giai đoạn đỉnh dịch, tuy nhiên đà tăng này thường không kéo dài và nhanh chóng bị áp lực bán chốt lời các phiên sau đó. Agriseco đánh giá nguyên nhân chính là do bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành (đặc biệt là các hãng hàng không) đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi dịch bệnh và có thể sẽ mất nhiều năm để phục hồi.
Đối với ngành bia và đồ uống, năm 2020, ngành này chịu ảnh hưởng kép từ việc bùng phát dịch bệnh và Nghị định 100. Thống kê lại, sản lượng bia sản xuất cả năm chỉ đạt 4.376 triệu lít (giảm 14% so với năm trước). Bước sang năm 2021, mặc dù sản lượng bia cung ứng ra thị trường trong 6 tháng đầu năm đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên do đợt dịch lần 4 bùng phát mạnh, sản lượng 2 tháng đầu tiên trong quý III đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tổng sản lượng bia trong tháng 7 và 8 năm nay chỉ đạt 595 triệu lít, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.