Đâu là 'đế chế' mới của ông Nguyễn Bá Dương sau khi hệ sinh thái Coteccons Group tan rã?

12/10/2020 17:34

Cùng với kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc, mâu thuẫn nội bộ giữa lãnh đạo cấp cao và cổ đông lớn nước ngoài cũng lên đến đỉnh điểm trong 2 năm trở lại đây.

Cùng với kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc, mâu thuẫn nội bộ giữa lãnh đạo cấp cao và cổ đông lớn nước ngoài cũng lên đến đỉnh điểm trong 2 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Bá Dương mới đây đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) sau hơn 16 năm gắn bó. Ông Dương tiếp tục có những bước đi tiếp theo trên con đường rút khỏi Coteccons khi bán ra hơn 1,1 triệu cổ phiếu CTD, qua đó tỷ lệ sở hữu từ 5,7% xuống còn 4,2% và không còn là cổ đông lớn từ ngày 6/10.

“Đại gia” ngành xây dựng không có nợ vay

Ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập, điều hành Coteccons những ngày đầu từ năm 2004, từ chức vụ Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons.

Xuất thân là một kiến trúc sư xây dựng, ông Dương khởi nghiệp trong chính lĩnh vực được đào tạo và trải qua nhiều vị trí tại các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. Nổi bật là thời gian công tác tại Công ty Xây dựng DESCON, ông Dương làm đến chức vụ Phó Giám đốc trước khi đảm nhiệm chức Giám đốc Bộ phận Khối Xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng COTEC, tiền thân của Coteccons.

Coteccons chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần kể từ tháng 08/2004 đánh dấu sự ra đời của một “đế chế” trong ngành xây dựng dưới sự lãnh đạo của ông Dương.

Dưới sự chèo lái của một người giàu kinh nghiệm như ông Dương, Coteccons từ một doanh nghiệp non trẻ đã nhanh chóng phát triển và bùng nổ để trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Việt Nam.

5 năm sau khi thành lập, Coteccons quyết định niêm yết cổ phiếu trên HoSE từ tháng 1/2010 vốn điều lệ thời điểm đó là 184,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng này đạt gần 16.199 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần thời điểm mới lên sàn cách đây 10 năm.

Bên cạnh sự phát triển quy mô, kết quả kinh doanh của Coteccons cũng liên tục tăng trưởng mạnh. Đặc biêt trong giai đoạn “hoàng kim” từ 2016 đến 2018, doanh thu của Coteccons đều đạt trên 20.000 tỷ đồng và liên tục tăng trưởng qua từng năm. Lợi nhuận sau thuế thu về trên dưới 1.500 tỷ đồng mỗi năm.

Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xây dựng, Coteccons cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Minh chứng rõ rằng nhất là con số lợi nhuận sau thuế năm 2019 sụt giảm tới hơn một nửa so với năm trước đó, xuống mức 799 tỷ đồng.

Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn đối với ngành xây dựng nói chung và Coteccons nói riêng. Do đó, công ty lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với doanh thu 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, tương ứng giảm 33% và 16% so với kết quả đạt được năm 2019.

Đáng chú ý, Coteccons thường xuyên duy trì một lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lớn đồng thời nói không với vay nợ. Đây được xem là bản sắc của “đại gia” ngành xây dựng này.

Việc thường xuyên duy trì một lượng tiền mặt dồi dào giúp Coteccons luôn đảm bảo các chỉ tiêu thanh toán ở mức cao. Cùng với đó, khoản tiền gửi lớn cũng mang về cho doanh nghiệp này hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm, đóng góp đáng kể vào doanh thu tài chính.

Tuy nhiên, việc nắm giữ một lượng tiền mặt lớn đồng thời không sử dụng đòn bẩy tài chính khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về vấn đề tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn và khả năng tăng trưởng của Coteccons.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Coteccons cũng có những khác biệt căn bản so với các doanh nghiệp cùng ngành xây dựng. Coteccons hướng đến sự phân bổ tài nguyên nhiều hơn cho các công ty thành viên thay vì tập trung tối đa về công ty mẹ.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Coteccons cũng tái khẳng định một trong những lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào các siêu dự án chính là sự hỗ trợ đắc lực của các công ty con và công ty liên kết. Việc đầu tư vào các công ty con, liên kết mở ra cơ hội cho Coteccons trong việc mở rộng thị phần hoạt động cũng như đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, xây dựng một hệ sinh thái trong lĩnh vực xây dựng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Dương cũng từng chia sẻ về việc lập nhiều công ty thành viên để tạo thành hệ sinh thái được gọi dưới cái tên “Coteccons Group” là tạo môi trường cho cộng sự thăng tiến, thử thách tài năng. Những công ty này cũng tạo thêm một nguồn thu nhập khác bên cạnh khoản thu nhập chính.

Việc đảm bảo quyền lợi cho các nhân sự cùng đồng hành cũng là sự lý giải cho chính sách ESOP đều đặn hàng năm của Coteccons và chính điều này khiến nhiều người tài luôn sẵn sàng theo ông Dương.

Tuy nhiên, chiến lược trên lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc chiến nội bộ kéo dài “dai dẳng” giữa lãnh đạo cấp cao và cổ đông lớn nước ngoài tại Coteccons với kết cục là sự rút lui của ông Nguyễn Bá Dương.

Mâu thuẫn nội bộ làm tan rã một hệ sinh thái

Thực tế, mâu thuẫn bắt đầu “nhen nhóm” từ khi Ban lãnh đạo Coteccons đưa ra phương án sáp nhập các công ty con điển hình là Unicons và Ricons. Một mặt nhằm tận dụng thế mạnh của nhau để tối đa hóa lợi ích công ty đồng thời có thể pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại.

Động thái này khiến cổ đông ngoại Kusto rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu đồng ý sáp nhập thì tỷ lệ sở hữu sẽ bị giảm xuống do nhóm cổ đông ngoại không có cổ phần tại các công ty con. Nếu không đồng ý sáp nhập, tài nguyên của Coteccons sẽ bị phân tán sang các công ty thành viên mà nhóm cổ đông ngoại không có lợi ích ở đó.

Mâu thuẫn giữa Kusto với Coteccons trở nên gay gắt hơn từ năm 2017 khi cổ đông ngoại này bất ngờ can thiệp vào HĐQT Coteccons yêu cầu thay đổi chính sách ESOP đồng thời phản đối quyết định sáp nhập Ricons (công ty mà Coteccons chiếm giữ 15% cổ phần) dù đã sáp nhập thành công Unicons trước đó.

Đỉnh điểm vào năm 2019, Kusto đã yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ), kiểm toán các công ty thành viên. Lý do mà Kusto đưa ra là có sự xung đột lợi ích giữa các nhà quản trị điều hành của Coteccons với các công ty thành viên trong tập đoàn.

Say đó, ngày 02/06/2020, Kusto một lần nữa đòi triệu tập ĐHĐCĐ bất thường và yêu cầu thay nhà sáng lập kiêm chủ tịch Coteccons và toàn bộ ban điều hành từ chức để bầu HĐQT mới.

Trước động thái này, phía Coteccons cũng có những phản ứng gay gắt và cho rằng những cáo buộc vô căn cứ trong văn bản của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh công ty.

Mâu thuẫn tưởng chừng không thể thỏa hiệp bất ngờ tìm được lối thoát khi ông Nguyễn Bá Dương muốn rút khỏi HĐQT Ricons. Về phía Coteccons, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng từ nhiệm Thành viên HĐQT, nhường chỗ cho đại diện The8th và Kusto.

Mặt khác, Ricons cũng thay đổi nhận diện thương hiệu, không còn trong Coteccons Group và tuyên bố phát triển hệ sinh thái Ricons Group với 8 thương hiệu khác nhau và đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE ngay trong năm 2021 dưới sức ép từ cổ đông ngoại Dragon Capital.

Việc ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Coteccons được nhận định là dấu chấm hết cho hệ sinh thái mang tên Coteccons Group với Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… có mối quan hệ qua lại mật thiết và từng được marketing cùng nhau.

Mặc dù rút khỏi Coteccons với lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình tuy nhiên sẽ không mấy ngạc nhiên nếu trong thời gian tới ông Dương “bất ngờ” xuất hiện với vai trò lãnh đạo một trong những doanh nghiệp từ là thành viên của hệ sinh thái Coteccons Group.

Theo nhiều đồn đoán, Ricons và Newtecons đều có thể sẽ là “điểm dừng chân” của ông Dương. Ricons hiện dưới trướng của ông Trần Quang Quân, 1 trong 2 tướng tại Coteccons bị bãi nhiệm tại ĐHĐCĐ 2020 trong khi Newtecons do ông Dương sáng lập và cùng người liên quan sở hữu phần lớn cổ phần.

Tuy nhiên, Ricons hiện có cơ cấu cổ đông tương đối phức tạp với nhiều quỹ ngoại và ông Dương có thể không muốn đi theo vết xe đổ như tại Coteccons.

Thêm vào đó, ĐHĐCĐ bất thường diễn ra mới đây của Ricons đã thống nhất miễn nhiệm ông Nguyễn Bá Dương khỏi vị trí thành viên HĐQT đồng thời phủ quyết người từ Coteccons vào HĐQT thay thế ông Nguyễn Bá Dương.

Do vậy, Newtecons có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất để ông Dương để gây dựng một “đế chế” mới.

Được biết, Newtecons tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C, được thành lập từ tháng 10/2003. Trong đó, ông Dương cùng em trai là ông Nguyễn Xuân Đạo đều là những thành viên sáng lập góp tới 83% vốn điều lệ.

Mới đây, Newtecons cũng đã dời trụ sở từ Lầu 2, Tòa nhà Coteccons Group, số 236/6 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM về địa điểm mới là Tầng 6, 60 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, Tp.HCM.

Hiện, Tổng Giám đốc Newtecons là ông Trần Kim Long, người từng gắn bó với Coteccons hơn một thập kỷ tại nhiều vị trí chủ chốt. Ông Long rời Coteccons từ tháng 6/2018 và ngay lập tức được bổ nhiệm làm vị trí lãnh đạo Newtecons. Đội ngũ điều hành của Newtecons có nhiều cái tên từng dưới trướng ông Dương tại Coteccons trước đây.

Chưa thể khẳng định bất kỳ điều gì tại thời điểm này tuy nhiên không loại trừ khả năng một “đế chế” mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới với sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Dương và trở thành đối trọng của Coteccons trong lĩnh vực xây dựng.

THANH HÀ

Theo BizLIVE