Đây là dấu hiệu nhận biết một người không thông minh như họ nghĩ

13/11/2020 15:00

Những người giỏi thường có xu hướng đánh giá thấp tài năng của mình. Đôi khi họ còn cho rằng những việc mà mình có thể làm được dễ dàng thì người khác cũng có thể làm như vậy.


Những người giỏi thường có xu hướng đánh giá thấp tài năng của mình. Đôi khi họ còn cho rằng những việc mà mình có thể làm được dễ dàng thì người khác cũng có thể làm như vậy.

Thử tưởng tượng bạn ngồi trong một nhà hàng, gọi món bánh kẹp và yêu cầu thêm gấp đôi thịt. Có một anh chàng ngồi phía sau bạn nói, "bạn không nên ăn thịt". Bạn quay lại và nhún vai.

"Thật đấy", chưa nản lòng, anh chàng tiếp tục. "Thịt không tốt cho bạn".

"Có thể thế," bạn nói. "Nhưng tôi thích ăn thịt".

"Bạn tôi khuyên tôi chuyển qua ăn chay", anh chàng ghé lại gần hơn và chốt một câu: "Điều đó đã làm cả cuộc đời tôi thay đổi".

Bạn trả lời một cách trung dung: "Tôi mừng là việc ăn chay tốt cho anh. Anh đã ăn chay bao lâu rồi?"

"Hôm nay là ngày thứ hai rồi đấy", anh ta nói.

Ồ, ra thế.

Hiệu ứng Dunning-Kruger

Lời khẳng định chắc nịch của anh chàng kia chính là ví dụ điển hình của hiệu ứng Dunning-Kruger, một loại thiên kiến nhận thức được hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger mô tả, trong đó người có hội chứng này tin rằng họ thông minh và tài giỏi hơn thực tế. Khả năng tự ý thức yếu kém kết hợp với khả năng nhận thức lệch lạc khiến họ đánh giá quá cao trí thông minh và năng lực của mình.

Dunning cho biết: "Nếu bạn không tài giỏi, bạn không thể biết được mình kém cỏi thế nào. Những kỹ năng bạn cần để có được câu trả lời đúng chính là những kỹ năng bạn cần để nhận ra được câu trả lời đúng".

Hay nói một cách đơn giản là: Càng dốt thì càng nghĩ là mình biết nhiều.

Ngược lại, những người giỏi thường có xu hướng đánh giá thấp tài năng của mình. Đôi khi họ còn cho rằng những việc mà mình có thể làm được dễ dàng thì người khác cũng có thể làm như vậy.

Chúng ta có lẽ đều quen một số người như vậy. Họ khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình và gạt bỏ mọi ý kiến hoặc quan điểm trái chiều. Họ nghĩ là mình đúng và họ muốn mọi người biết là họ đúng. Tuy nhiên đó không phải là dấu hiệu của trí thông minh, mà chỉ là những nét đặc trưng của hiệu ứng Dunning-Kruger.

Trí tuệ không bao giờ nằm ở sự chắc chắn

Jeff Bezos từng nói, "những người thông minh nhất thường điều chỉnh những hiểu biết của mình, xem xét lại một vấn đề mà họ nghĩ là mình đã giải quyết rồi. Họ rất cởi mở với những quan điểm mới, thông tin mới, ý tưởng mới, thậm chí cả những mâu thuẫn và thử thách với hướng tư duy của họ".

Đó là bởi trí tuệ không nằm ở sự chắc chắn. Trí tuệ là hiểu rằng khi bạn biết nhiều, thì những gì bạn chưa biết còn nhiều hơn. Trí tuệ là cố gắng tìm ra cái gì đúng chứ không phải cố chứng minh là mình đúng. Trí tuệ là nhận ra khi bạn sai, và chấp nhận rút lui.

Đừng sợ khi biết mình sai. Đừng ngại thừa nhận bạn không có được mọi câu trả lời đúng. Đừng e dè khi phải nói "Tôi nghĩ" thay vì "Tôi biết".

Nếu bạn muốn xác định ai đó thông minh thực sự hay chỉ là một kẻ tự huyễn hoặc, đừng hỏi họ có phải lúc nào họ cũng đúng hay không. Thay vào đó, hãy hỏi lần cuối cùng họ thay đổi ý kiến của mình là khi nào. Nếu không thể nêu ra những lần mà họ sai, thì rất có thể họ không thông minh như họ nghĩ.


Đinh Vân

Theo Nhịp Sống Kinh Tế