Lượt xem ảo trên YouTube là thứ "son phấn" đánh lừa nhà quảng cáo, tạo nên hào quang cho những vlogger, streamer trên nền tảng này. YouTube đang bất lực, chưa có cách giải quyết.
Để kiểm chứng việc YouTube vẫn tồn tại thực trạng bán các lượt xem ảo, phóng viên của tờ New York Times đã tạo 13 video từ các clip phát biểu của Tổng thống Trump. Các video chỉ được đăng tải lên tài khoản YouTube cá nhân một lần duy nhất.
Nhóm phóng viên mua lượt xem ảo từ 9 bên cung cấp dịch vụ. Sau 30 ngày họ tiếp tục đăng tải các video mới để xem lượt xem ảo mua trước đây có ảnh hưởng đến xếp hạng của kênh YouTube của họ hay không. Kết quả, YouTube không thể kiểm soát được thực trạng lượt xem ảo hoành hành.
Martin Vassilev, 32 tuổi kiếm sống tốt bằng việc bán lượt xem ảo cho các video trên YouTube. Ông làm việc ngay tại nhà riêng ở Ottawa, thủ đô Canada. Trong năm nay, Vassilev đã bán được khoảng 15 triệu lượt xem, mang về hơn 200.000 USD - con số cao hơn rất nhiều so với lương bình quân của một nhân sự chất lượng trong ngành công nghệ thông tin.
Vassilev không tự sản xuất ra các lượt xem ảo. Trang web 500Views.com của ông kết nối khách hàng với các dịch vụ cung cấp lượt xem, lượt thích và không thích được tạo bởi máy tính. Khi một nhà cung cấp dịch vụ không thể thực hiện một đơn đặt hàng, Vassilev sẽ nhanh chóng hỗ trợ họ kết nối với các bên cung cấp dịch vụ khác. Nói đơn giản, Vassilev là một người môi giới, "bỏ sỉ" lượt xem YouTube chuyên nghiệp.
“Tôi có thể cung cấp số lượt xem không giới hạn cho một video. Dù YouTube cố gắng ngăn chặn chuyện này trong nhiều năm nhưng họ dường như vẫn bất lực. Luôn có những kẽ hở để vượt qua", Vassilev nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.
Đứng sau Google, YouTube đang trở thành nền tảng được người dùng tìm kiếm nhiều nhất hiện nay. Nền tảng này được yêu thích và sử dụng rộng rãi bởi thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Pew, YouTube đã vượt mặt Facebook và Instagram về độ yêu thích của giới trẻ.
Cũng giống các nền tảng công nghệ khác, YouTube đang phải vật lộn với lượng tương tác ảo trong nhiều năm nay.
Mặc dù YouTube cho biết lượt xem giả mạo chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng chúng vẫn có tác động đáng kể. Chúng gây hiểu lầm cho người xem và các nhà quảng cáo. Dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn, hồ sơ bán hàng và mua thử nhiều chế độ gian lận, The New York Times đã kiểm tra cách thị trường này hoạt động và thử nghiệm khả năng phát hiện lượt xem ảo của YouTube.
Tăng lượt xem ảo là hành động vi phạm các điều khoản dịch vụ của YouTube. Tuy nhiên người dùng có thể tìm kiếm các bên cung cấp dịch vụ này dễ dàng trên Google. Thậm chí kết quả tìm kiếm về các trang bán lượt xem ảo còn được quảng cáo trên công cụ của Google.
Để kiểm tra các trang web, phóng viên New York Times đã mua hàng nghìn lượt xem từ 9 công ty cung cấp dịch vụ. Các giao dịch này được hoàn thành chỉ trong hai tuần.
Một trong những bên cung cấp này là Devumi.com. Theo hồ sơ của công ty, nó đã thu về hơn 1,2 triệu USD trong ba năm qua bằng cách bán 196 triệu lượt xem YouTube. Gần như tất cả lượt xem này vẫn còn tồn tại trên các video mà không bị YouTube trừ đi.
Phân tích các hồ sơ, New York Times nhận ra rằng các giao dịch từ năm 2014-2017 có thời gian hoàn thành chỉ trong vài tuần. Trong đó, một số đơn hàng có số lượng lên đến hàng triệu lượt xem.
Nhanh và giá rẻ là đặc điểm để nhận dạng các bên bán lượng xem ảo. Các dịch vụ tăng lượt xem từ người dùng thực sẽ có giá cao vào thời gian cam kết hoàn thành lâu hơn.
Khách hàng của Devumi bao gồm một nhân viên của RT, một tổ chức truyền thông được tài trợ bởi chính phủ Nga, và một nhân viên của Al Jazeera English, một công ty do nhà nước hậu thuẫn.
Ngoài ra còn có nhạc sĩ, nhà làm phim, nhóm vận động chính trị... Nhiều nhạc sĩ đã mua dịch vụ để video của họ trở nên phổ biến hơn bởi lượt xem được xem là một trong những yếu tố trong các bảng xếp hạng Hot 100 của Billboard.
Một số khách hàng khác của Devumi là các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công ty quảng cáo này hứa hẹn với khách hàng của họ về lượng tương tác tối thiểu. Khi không có kết quả như hứa hẹn, họ sẽ mua.
Tiến sĩ Judith Oppenheimer, 78 tuổi, đã trả cho một công ty 5.000 USD để quảng cáo một cuốn sách mà cô đã tự xuất bản. Video của cô đã sớm có hơn 58.000 lượt xem, được phân phối qua Devumi.
"Không có cam kết nào về việc doanh số cuốn sách sẽ tăng cũng như không có bất kỳ hợp đồng nào được ký giữa tôi và họ. Ngay sau khi mua dịch vụ, tôi nghĩ sẽ không có gì làm bằng chứng nếu họ không tăng lượt xem cho tôi. Tuy nhiên họ chỉ thực hiện điều đó trong một ngày", Oppenheimer nói.
Các nhà cung cấp dịch vụ tăng lượt xem liên tục phát triển cách thức "lách luật" YouTube mới gồm các hệ thống truy cập tự động, video pop ẩn trên máy tính người dùng. YouTube cho biết họ có các quy trình hiệu quả để chống lại các phương pháp này.
“Đây là một vấn đề mà chúng tôi đã và đang làm việc trong nhiều năm nay. Hệ thống của YouTube liên tục theo dõi hoạt động của video và nhóm chống gian lận thường mua thử lượt xem ảo để hiểu rõ hơn cách chúng hoạt động. Hệ thống phát hiện bất thường của chúng tôi thực sự tốt", Jennifer Flannery O'Connor, Giám đốc quản lý sản phẩm của YouTube cho biết.
Tuy nhiên, năm 2013, YouTube xuất hiện rất nhiều lượt xem ảo từ các máy ảo. Chúng mô phỏng hoàn hảo các hoạt động xem video thông thường của người dùng. Điều này dấy lên lo ngại việc YouTube sẽ không thể phân biệt đâu là lượt xem giả và thật.
Nhiều năm sau đó, YouTube vẫn tiếp tục vật lộn với cuộc chiến chống lại các hành vi gian lận. Dù YouTube không tiết lộ số lượt xem giả mạo họ phát hiện và loại bỏ được nhưng với hàng tỷ lượt xem mỗi ngày, mạng xã hội video đang đương đầu với hàng chục triệu lượt xem giả mạo.
Quay lại câu chuyện của Martin Vassilev, chủ sở hữu 500Views.com. Bằng việc "cung cấp không giới hạn lượt xem video", ông đã mua được một căn nhà riêng và một chiếc BMW 328i chỉ trong 18 tháng.
Martin Vassilev, chủ sở hữu của 500Views.com, một trang web có trụ sở tại Ottawa cho biết: “Tôi có thể cung cấp số lượng lượt xem không hạn chế cho một video”.
Cuối năm 2014, trang 500Views.com của Vassilev nằm ở kết quả tìm kiếm đầu tiên trên công cụ tìm kiếm Google về dịch vụ mua lượt xem YouTube. Mỗi tháng, Vassilev cung cấp 150-200 đơn hàng, mang về cho ông 30.000 USD. "Tôi không thể tin rằng bạn có thể kiếm được nhiều tiền từ Internet như vậy", Vassilev nói với phóng viên New York Times, một ngày sau đó đơn hàng 25.000 lượt xem được ông hoàn thành.
Vassilev từ chối nêu tên khách hàng của mình nhưng nói rằng nhiều đơn đặt hàng đến từ các đơn vị PR hoặc công ty tiếp thị.
Mặc dù YouTube thực hiện rất nhiều thay đổi hệ thống trong một năm nhằm hạn chế gian lận nhưng những trang web bán dịch vụ chỉ mất vài tuần là có thể hoạt động trở lại.
Một phát ngôn viên của Google cho biết, các trang web bán lượt xem ảo hiển thị trên công cụ tìm kiếm của họ bởi chúng có liên quan đến những gì người dùng tìm kiếm.
Google không cho phép quảng cáo có các từ khóa như “mua lượt xem trên YouTube”. Tuy nhiên, Carlton E. Bynum II điều hành trang GetLikes.click, chuyên bán các lượt tương tác trên mạng xã hội kể cả YouTube cho biết một cách giải quyết là viết sai chính tả và gửi quảng cáo nhiều lần cho đến khi được chấp thuận.
Khi được phóng viên hỏi về quảng cáo cho từ khóa liên quan đến dịch vụ bán lượt xem YouTube, Google đã xóa một số quảng cáo, bao gồm cả quảng cáo của Bynum. Tuy nhiên chỉ hai tuần sau đó, các quảng cáo này lại tiếp tục được hiển thị.
Trước khi Bynum bán lượt xem, ông đã mua chúng cho chính mình. Sau khi ông giải ngũ từ Thủy quân lục chiến năm 2017, ông bắt đầu đăng bài đánh giá sản phẩm trên YouTube và đính kèm đường link bán hàng của mình bên trong để giảm chi phí tiếp thị. Lượt xem ảo thường giúp video của ông xếp hạng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong phần tìm kiếm. Hiệu ứng quả cầu tuyết sẽ xảy ra, Bynum sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi có lượng xem cao hơn.
Tuy nhiên một phát ngôn viên của YouTube cho biết lượt xem chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm video.
Ông Vassilev, người cũng cho biết ông đã sử dụng số lượt xem giả để tăng thứ hạng tìm kiếm video quảng bá trang web của mình, không giả vờ rằng những gì ông đang bán là lượng người xem đích thực. “Không thể,” anh nói.
Elizabeth Clayton, 77 tuổi, một giáo sư về tâm lý học và tiếng Anh đã nghỉ hưu đã trả cho Hancock Press 4.200 USD để hỗ trợ truyền thông cho tập thơ bà sáng tác. Công ty truyền thông Hancock Press cam kết với bà họ sẽ quảng cáo trực tuyến tập thơ trong đó bao gồm 40.000 lượt xem trên YouTube. Lượng tương tác này sẽ giúp bà gia tăng đơn hàng.
Bà Clayton đã xuất bản sách được 7 năm nhưng không bán được nhiều. Vì thế bà đã ký hợp đồng với Hancock để quảng bá hai video giới thiệu về tập thơ của mình với tổng tiền 8.400 USD.
"Họ nói nếu có lượng người xem nhiều, tôi sẽ thu được nhiều tiền bán sách hơn", bà Clayton chia sẻ.
Thay vì tiếp thị theo cách truyền thống, Hancock đã trả 270 USD để mua 55.000 lượt xem từ Devumi cho mỗi video. Đến cuối cùng, video của bà Clayton đạt 60.000 lượt xem. Tuy nhiên, không hề có sự tăng doanh số các tập thơ bà Claton bán ra. "Họ không hề cung cấp bất cứ điều gì về lượng người đã xem video của tôi. Tôi nghi ngờ điều đó", bà Clayton nói.
Tuy vậy, công ty Hancock đã bác bỏ mọi nghi ngờ của bà Clayton về việc họ mua lượt xem từ Devumi. Thế nhưng theo tài liệu từ Devumi, Hancock Press đã chi khoảng 26.000 USD trong ba năm qua để thu về 5 triệu lượt xem cho 75 khách hàng của mình.
New York Times đã phỏng vấn 6 người khác từng là khách hàng của Hancock và nhận được câu trả lời tương tự bà Clayton. Họ đều trả tiền cho việc quảng bá video bán hàng trên YouTube nhưng không hề hiệu quả.
Nhiều khách hàng của Devumi đến từ ngành công nghiệp âm nhạc. “YouTube là một trong những nguồn tiêu thụ âm nhạc hàng đầu và là nơi dự báo chính về xu hướng âm nhạc và sự nổi tiếng”, Silvio Pietroluongo, phó chủ tịch Billboard cho biết.
Là một nghệ sĩ mới vào nghề, Aleem Khalid đã thuê Crowd Surf, một công ty quảng cáo vào năm 2014 để quảng bá các ca khúc của mình. Tuy vậy công ty đã mua 10.000 lượt xem cho mỗi video. Phía Crowd Surf trả lời họ nghĩ Devumi đang cung cấp lượt xem thực như những gì họ đăng tải trên web.
Các kỹ sư, nhà thống kê và chuyên gia dữ liệu của YouTube không ngừng cải thiện khả năng chống lại những gì bà O'Connor, Giám đốc quản lý sản phẩm của YouTube gọi là “vấn đề rất khó”, nhưng theo bà các cuộc tấn công giả mạo vẫn “liên tục trở nên mạnh mẽ và tinh vi hơn”.
Sau khi phóng viên Times cung cấp cho YouTube với các video đã mua lượt xem, công ty cho biết người bán đã khai thác hai lỗ hổng mà họ sửa chữa.
Cuối ngày hôm đó, phóng viên đã mua nhiều lượt xem hơn từ 6 nhà cung cấp tương tự. Số lượt xem tăng trở lại, mặc dù chậm hơn. Một tuần sau, tất cả video đã đạt số lượt xem mà các bên dịch vụ cam kết.
YouTube vẫn đang bị các bên cung cấp lượt xem ảo qua mặt. Theo báo cáo công khai năm 2017 của Google, công ty kết luận tổ chức RT, tổ chức truyền thông của chính phủ Nga không hề liên quan đến các vụ thao túng kết quả bầu cử năm 2016 bằng lượt xem ảo. Tuy nhiên, gần đây, nhân viên RT đã mua lượt xem giả mạo cho video vào năm 2016.
James Brown, phóng viên của RT, đã mua 30.000 lượt xem và 300 lượt thích trên ba video tập trung vào các vấn đề liên quan đến tình trạng vô gia cư và nhập cư ở châu Âu. Ông Brown nói rằng ông đã sử dụng Devumi vì cho rằng dịch vụ này chỉ cung cấp các lượt xem thực.
“Điều đó khiến tôi lo ngại rằng trong khi Twitter và Facebook dường như đã đạt được sự tin cậy trong lĩnh vực này, YouTube vẫn phải đấu tranh để xác định hoạt động không được xác thực trên nền tảng của họ", Thượng nghị sĩ Mark Warner của Virginia, đảng viên Dân chủ hàng đầu thuộc Ủy ban tình báo cho biết.
"Cách duy nhất để YouTube loại bỏ điều này là hủy toàn bộ lượt xem trên nền tảng của họ. Nhưng điều này là hoàn toàn không thể thực hiện", Vassilev khẳng định.
Trọng Hưng / New York Times
* Nguồn: Zing News