Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đế chế Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã đưa đất nước trở thành con rồng châu Á như thế nào?

04/05/2019 10:02

Vào những năm 1950, Hàn Quốc từng là một trong những đất nước nghèo nhất châu Á. Nhưng chỉ trong vòng vài thập kỷ, rất nhiều chaebol – tập đoàn gia đình đã tạo nên những thương hiệu hàng đầu và đôi khi còn là bộ mặt của các ngành công nghiệp, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những đất nước giàu mạnh nhất thế giới.

Và Samsung – "anh cả" của các chaebol Hàn Quốc chính là tập đoàn đóng góp lớn nhất vào cú lột xác ngoạn mục "Kỳ tích sông Hàn".

Đặt nền móng và dần chuyển mình

Lee Byung-chul, nhà sáng lập Samsung xuất thân trong gia đình địa chủ tư sản ở vùng Uiryeong. Năm 1938, ông chuyển tới gần thành phố Daegu và sáng lập ra Samsung Sanghoe - một công ty với 40 công nhân, chuyên bán cá khô, đồ tạp hóa và mì sợi ở Su-dong (ngày nay là Ingyo-dong).

Samsung Sanghoe làm ăn phát đạt, Lee Byung-chul chuyển văn phòng công ty tới Seoul năm 1947. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, ông buộc phải rời Seoul đến Busan mở một nhà máy tinh chế đường tên là Cheil Jedang. Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông sáng lập Cheil Mojik và xây dựng nhà máy len sợi lớn nhất Hàn Quốc thời điểm đó ở Chimsan-dong, Daegu.

Trong suốt những năm 50, với sự hỗ trợ của chính phủ, Samsung đa dạng hóa hoạt động và đi đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là bảo hiểm, chứng khoán, báo chí với tờ nhật báo Joongang Ilbo, đóng tàu, hoá chất và bán lẻ.

Đế chế Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã đưa đất nước trở thành con rồng châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

Đến năm 1969, mảng được biết đến nhiều nhất của Samsung ngày nay - công ty điện tử Samsung Electronics thành lập, đánh dấu sự chuyển mình của Samsung. Tập đoàn thành lập một số công ty con chuyên về lĩnh vực điện tử, sản xuất ra chiếc tivi đen trắng đầu tiên vào năm 1972 và sau này mở rộng ra các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và tivi màu, máy tính.

Năm 1977, Samsung thâu tóm Hanguk Jeonja Tongsin - công ty sản xuất chip điện tử, đặt nền móng cho quá trình lớn mạnh thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới. Đó là nền tảng cho hệ thống nhà máy điện thoại bàn và fax của Samsung, sau này là nhà máy điện thoại di động Samsung.

Vào những năm 80, Công ty điện tử Samsung đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển. Đây là chìa khóa then chốt đưa Samsung trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử trên thế giới. Năm 1982, Samsung xây dựng nhà máy đầu tiên ở nước ngoài - lắp ráp TV ở Bồ Đào Nha và sau đó không ngừng mở rộng ra các thành phố lớn của thế giới.

Năm 1987, cố chủ tịch Lee Byung-chul qua đời, đây cũng là cột mốc chuyển giao thế hệ, đồng thời là một cú nhảy vọt của Samsung, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc.

Con trai thứ ba của ông là Lee Kun-hee lên nắm quyền và trở thành Chủ tịch của tập đoàn. Ông đã thay đổi trọng tâm kinh doanh của Samsung từ một công ty sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng chủ yếu mang lại giá trị thấp sang những sản phẩm có giá trị thặng dư cao hơn. Samsung hướng đến mục tiêu sử dụng các công nghệ tiên tiến và các sản phẩm hạng sang để xây dựng thương hiệu.

Được nâng tầm nhờ "bệ đỡ" chính phủ

Cố tổng thống Park Chung-hee lúc đó đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hóa, tập trung chiến lược phát triển kinh tế xoay quanh các tập đoàn lớn, bảo hộ cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho họ.

Đế chế Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã đưa đất nước trở thành con rồng châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Cố Tổng thống Hàn Quốc - Park Chung-hee

Mối quan hệ do ông Park xây dựng với các chaebol đã góp phần định hình cho nền kinh tế - chính trị Hàn Quốc từ thập niên 1960 cho đến nay. Một mặt, tổng thống Park áp dụng hàng loạt các biện pháp mạnh như thao túng, ép buộc và đôi khi là đe dọa để các tập đoàn phải hoạt động theo ý của mình. Nhưng ngược lại, ông cũng đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến khích kinh doanh cho các tập đoàn này như giảm thuế và cho vay ưu đãi. Chính đường lối đúng đắn, chú trọng phát triển công nghệ này đã mang lại "kỳ tích sông Hàn" – cú nhảy vọt của kinh tế Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tổng thống Park Chung-hee và Samsung không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt". Chủ tịch Lee vì hơn tuổi nên không hề tôn trọng ông Park, còn nhà độc tài Hàn Quốc thì lại cực kỳ coi thường miệng lưỡi dẻo quẹo của ông Lee. Trong kế hoạch phát triển 5 năm của Tổng thống Park, chính phủ Hàn Quốc sẽ nhiều lần tịch thu các công ty con làm ăn phát đạt của các chaebol. Samsung đã nhiều lần trở thành nạn nhân của chính sách này khi phải từ bỏ một chi nhánh ngân hàng, một đơn vị sản xuất phân bón và một đài phát thanh theo yêu cầu của Tổng thống Park.

Tuy nhiên, có lẽ nhận thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Samsung lúc bấy giờ, nên mọi hành vi "tham nhũng và các mối quan hệ bất chính" với chính phủ thời trước của chủ tịch Lee, và ngay cả thái độ chưa vừa mắt tổng thống Park đã được tha thứ. Samsung nhận được sự hỗ trợ và những đặc quyền của một nhà máy công nghiệp mới. Các chính sách tập trung vào phát triển công nghệ của Park Chung-hee vẫn là chìa khóa tiên quyết để gia đình họ Lee xây dựng một đế chế hùng mạnh về sau.

Bước ngoặt đột phá – đưa công nghệ trở thành mũi nhọn tập đoàn

Samsung trở thành nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992, và là nhà sản xuất vi mạch lớn thứ 2 thế giới sau Intel. Năm 1995, Samsung sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên và chỉ trong 10 năm đã vươn lên thành nhà sản xuất màn hình hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới. Năm 1997, Samsung chính thức gia nhập thị trường điện thoại di động.

Năm 1998, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vòng xoáy khủng hoảng tài chính châu Á. Samsung Motor – một công ty con của tập đoàn – được bán cho Renault với mức giá rất thấp, Samsung phải gánh một khoản lỗ lớn từ Samsung Motor. Tuy nhiên, đây cũng là phần duy nhất bị ảnh hưởng, các lĩnh vực còn lại của Samsung gần như không suy chuyển bởi cuộc khủng hoảng này. Đây chính là một lợi thế lớn của Samsung trong cuộc đua công nghệ: khi hầu hết các tập đoàn châu Á đều giảm tốc thì Samsung vẫn đưa Hàn Quốc băng băng tiến về phía trước.

Đế chế Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã đưa đất nước trở thành con rồng châu Á như thế nào? - Ảnh 3.

Với mô hình tài phiệt, Samsung có một khối tài sản khổng lồ cho phép các công ty con đầu tư và phát triển công nghệ đột phá mà không ảnh hưởng đến tài chính tập đoàn. Trong bốn năm liền, từ năm 2000 đến năm 2003, 16 trong 30 công ty hàng đầu Hàn Quốc đã ngừng hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Nhưng chẳng ảnh hưởng được đến Samsung, lợi nhuận ròng của họ vẫn đều đặn tăng hơn 5% hàng năm.

Và cứ như thế, họ lần lượt đánh bại từng đối thủ "khủng" từ những cường quốc công nghệ lúc bấy giờ.

Năm 2005, Samsung Electronics vượt qua đối thủ Nhật Bản, Sony, lần đầu tiên được vinh danh là thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn lớn thứ 20 trên toàn cầu. Năm 2007, Samsung Electronics tiếp tục vượt mặt Motorola, vươn lên thành nhà sản xuất di động lớn thứ hai trên thế giới. Chưa dừng lại, năm 2009, Samsung đạt tổng doanh thu 117,4 tỷ USD, đánh bật Hewlett-Packard, trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới xét về doanh thu bán hàng. Trong quý đầu tiên của năm 2012, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới theo số lượng đơn hàng, vượt qua Nokia - hãng đã từng dẫn đầu thị trường suốt từ những năm 1998 cho đến tận thời điểm đó.

Từ đó cho đến nay, dù thị trường liên tục có thêm những người chơi mới nhưng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Samsung vẫn liên tục tăng. Năm 2018, Samsung trở thành thương hiệu giá trị thứ 4 trên thế giới theo bảng xếp hạng của hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh - Brand Finance (sau Amazon, Apple và Google), tăng 2 bậc so với năm 2017.

Đế chế Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã đưa đất nước trở thành con rồng châu Á như thế nào? - Ảnh 4.

Sự phát triển của Samsung cũng kéo theo tiến bộ công nghiệp và khoa học công nghệ của cả dân tộc Hàn Quốc. Samsung Heavy Industry (cùng với HyunDai) chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường đóng tàu và ô tô toàn cầu, và Samsung Electronics đã trở thành một trong những biểu tượng của kinh tế Hàn Quốc. Steve Chung - một chuyên gia Hàn Quốc tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong (CUHK) cho biết: rất nhiều người Hàn Quốc vẫn rất ngưỡng mộ mô hình kinh tế "đã giúp đất nước phát triển thần kỳ suốt 40 năm qua".

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

Trí Thức Trẻ