Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Để có Trung Nguyên ngày nay, Đặng Lê Nguyên Vũ từng băng qua 3 thất bại cay đắng khi khởi nghiệp

02/03/2019 16:06

Sinh ra trong gia đình nghèo, từng định bỏ học lên Sài Gòn kiếm việc đỡ đần cha mẹ, Đặng Lê Nguyên Vũ ấp ủ ý định khởi nghiệp với cà phê. Nhưng những năm tháng đầu tiên, ông vướng phải nhiều thất bại, tưởng như gục ngã.


Sinh ra trong gia đình nghèo, từng định bỏ học lên Sài Gòn kiếm việc đỡ đần cha mẹ, Đặng Lê Nguyên Vũ ấp ủ ý định khởi nghiệp với cà phê. Nhưng những năm tháng đầu tiên, ông vướng phải nhiều thất bại, tưởng như gục ngã.

Trung Nguyên là mũi tên hướng thẳng lên trời

Là người con của vùng trồng cà phê nổi tiếng Việt Nam, nhưng thấy người dân M'Drak bao năm vẫn nghèo trên mảnh đất bazan, nên khi còn là chàng sinh viên đại học Y Khoa Tây Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trăn trở với câu hỏi: "Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Tại sao vẫn nghèo khi trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê?".

Cùng với 3 người bạn cùng phòng trọ, Đặng Lê Nguyên Vũ hay tới quán cà phê ở Tuy Hòa để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Được người chủ cảm thông khi chia sẻ lý do tìm đến, ông và bạn bè đã có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.

Thế là bốn người quyết định mở lò rang xay cà phê ngay tại xóm trọ. Khi tổ chức cúng lấy hên, người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Cực chẳng đã, họ phải chuyển lò rang đi nơi khác.

Khi ấy, lò rang của 4 chàng sinh viên chạy bằng "cơm", phải thay phiên trông lò, thêm củi. Hôm nào rang cà phê, 4 người ngồi học trên các gác gỗ ngay dưới lò cảm giác như bị nướng vì sức nóng. Hàng xóm thấy lò rang, lo lắng sẽ phát hỏa, nên báo công an. Thế là một lần nữa lò rang Đặng Lê Nguyên Vũ đành phải dẹp.

Nguyên liệu không phải lúc nào cũng dễ kiếm, nhưng cũng có một số người giúp đỡ. Lúc ấy, cái xưởng rang xay cà phê nhận được vài ba ký một lần, rang xong chia nhỏ, mỗi người cầm đi bỏ mối ở vài quán. Tiền thu lại mang trả cho mối thuê, rồi lại vay, lại rang, lại bán. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên ngày đó là mũi tên hướng thẳng lên trời, chứa đứng khát vọng làm giàu của chàng trai M'Drak.

Chuyến viễn chinh thất bại nơi đất Sài Gòn

Cà phê rang xay của Trung Nguyên dần được ưa chuộng, tích được lượng khách quen từ những phin cà phê thơm ngon, đậm đà. Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định mở công ty. Trước khai trương một ngày, ông và những người đồng sự phải thức xuyên đêm để tự vẽ bảng hiệu, logo, sơn phết cho trụ sở chính ở Buôn Mê Thuột. Những khách hàng "xông đất" đầu tiên chính là bạn bè đại học của ông, đến uống để chung vui, ủng hộ.

Đặng Lê Nguyên Vũ xem đó là sự kiện trọng đại trong đời mình, và ngay khi đó, ông đã ước mơ mở rộng tầm hoạt động của Trung Nguyên tới mảnh đất TP HCM. Nhưng lần đến TP HCM đầu tiên thất bại ê chề, thậm chí phải qua đêm ở công viên vì túi chẳng còn một xu.

Lấy nông thôn vây thành thị và cú sẩy chân ở Long Xuyên

Trở lại mảnh đất Buôn Mê Thuột, Đặng Lê Nguyên Vũ hiểu rằng Sài Gòn là thị trường tiềm năng nhất, nhưng bản thân ông và Trung Nguyên chưa đủ sức. Vậy nên, Trung Nguyên quyết định mở rộng sang các tỉnh miền Tây, lấy chiến lược "nông thôn vây thành thị" để tạo đà tiến vào Sài Gòn.

Khi đó, ông tìm được đối tác ở Long Xuyên để mở lò chế biến, phân phối cà phê. Nhưng những khác biệt về tư tưởng, phương thức kinh doanh... khiến lần hợp tác này kết thúc chỉ sau 1 tháng.

"Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng...", Đặng Lê Nguyên Vũ nhớ lại.

Không lâu sau đó, Trung Nguyên tiến công được vào thị trường Sài Gòn với sự giúp sức của nhiều hãng cà phê với tài sản nắm trong tay khi đó là bí quyết rang xay ngon. Năm 1988, cùng chiến lược bán miễn phí trong 10 ngày tại quán cà phê mới khai trương ở 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Trung Nguyên ghi dấu tên mình vào bản đồ ngành cà phê Việt Nam, và giữ được vị thế ông lớn tới tận bây giờ.


Theo L.T

Nhịp sống kinh tế