Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đem lại 'cuộc sống mới' cho rác thải nhựa hay chỉ là 'chiêu trò marketing' của các hãng giày thể thao ?

05/02/2020 23:00

Những 'đôi giày rác thải' đã tái sử dụng được hàng tấn nhựa đang làm ô nhiễm môi trường. Nhưng đây có thật sự là giải pháp cứu lấy Trái Đất hay chỉ là một 'chiêu trò marketing' của các hãng giày thể thao?

Những 'đôi giày rác thải' đã tái sử dụng được hàng tấn nhựa đang làm ô nhiễm môi trường. Nhưng đây có thật sự là giải pháp cứu lấy Trái Đất hay chỉ là một 'chiêu trò marketing' của các hãng giày thể thao?

Tác hại khôn lường của rác thải nhựa

Chúng ta cần thời gian bao lâu để rác thải nhựa phân hủy? Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là rất lớn.

Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa rằng, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm, quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông…Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa “vô dụng”. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.

Rác thải nhựa đem lại những tác hại khôn lường cho môi trường

Để tận dụng lượng rác thải nhựa ấy, các thương hiệu thời trang như Adidas, Rothy’s hay Veja đang nỗ lực cho ra đời các dòng sản phẩm giày thể thao làm từ rác thải nhựa, không những giảm thiểu lượng chất thải đang làm hại môi trường, mà còn cho rác thải một "cuộc sống" mới.

Nhưng liệu mô hình này có "hoàn hảo" như quảng cáo?

Nguyên liệu đầu vào… không bao giờ thiếu

Theo National Geographic, hiện có đến 6 tỷ tấn rác thải nhựa trên toàn Thế giới, nên các hãng thời trang hoàn toàn không phải lo về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Theo công bố của Adidas, nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này rẻ tiền và sẵn có đến mức gần như miễn phí, bởi chỉ là rác được thu thập từ bờ biển trên khắp Thế giới. Nhựa sau đó trải qua quá trình nhiệt hóa, thu nhỏ thành viên vi nhựa, rồi kéo sợi. Cuối cùng, chúng được đan thành mũ giày, và hoàn tất quá trình tái chế.

Giày Adidas được tái chế từ rác thải nhựa

Nhãn hiệu giày thể thao đến từ Pháp – Veja chủ yếu sử dụng nhựa thải từ đường phố Rio de Janeiro và Sao Paulo để tạo nên dòng sản phẩm BMesh.

Giày thể thao Veja Bmesh được làm từ loại vải tái chế từ rác thải nhựa

Còn Rothy’s, một hãng giày Mỹ đang phối hợp với nhiều tập đoàn trong nước để thu gom "nguyên vật liệu".

Một đôi giày sẽ “giải cứu” môi trường được bao nhiêu?

Được xem như một bước tiến thế kỉ, những sản phẩm phối hợp giữa Adidas và Parley mang đến chút gì đó gọi là hy vọng cho một tương lai xanh và sạch hơn. Những mẫu giày chạy Adidas UltraBOOST 3.0 x Parley được đưa lên kệ năm 2017, sau đó là UltraBOOST 4.0 x Parley phát hành năm 2018 và gần đây là Alphabounce.

Theo Adidas, mỗi đôi giày Parley Ocean Plastic sẽ giảm thiểu được 11 chai nhựa đang gây ô nhiễm môi trường.

Giày Parley Ocean Plastic tái chế từ 11 chai nhựa

Với thông điệp cao cả trên, Adidas đã bán được hơn 1 triệu đôi "giày nhựa thải" vào năm 2017, đồng nghĩa với việc "giải cứu" hơn 11 triệu chai nhựa đang nằm ở các bãi biển và rạn san hô trên khắp thế giới.

Hãng giày Rothy’s còn gây ngạc nhiên hơn khi công bố đã "tiêu thụ" hơn 20 triệu chai nhựa trong quá trình sản xuất chỉ trong vòng 2 năm đi vào hoạt động.

Tuy chỉ sử dụng 3 chai nhựa trên một đôi giày, nhưng hãng Veja không chỉ đưa ra một vài bộ sưu tập như Adidas và Rothy’s, thương hiệu này đang nỗ lực áp dụng BMesh – loại vải làm từ rác thải nhựa, cho tất cả sản phẩm đang có mặt trên thị trường.

Hiện Bmesh đang có mặt trong khoảng 1/3 đôi giày được bán ra của Veja, với ưu điểm chống nước, co giãn tốt và thoát ẩm cao.

Một giải pháp bền vững?

Hàng triệu chai nhựa bỏ đi được “tái sinh” dưới hình hài một đôi giày thể thao, khoác lên mình một thiết kế bắt mắt cùng thương hiệu có tên tuổi trên thị trường. Thoạt nghe qua thì đây là tín hiệu đáng mừng vì nhựa trên đại dương phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng những đôi giày nhựa khi hết hạn kỳ sử dụng vẫn sẽ là một phế phẩm nhựa bỏ đi. Suy cho cùng, chúng vẫn được xem là rác thải nhựa sẽ hiện hữu ở bất cứ nơi đâu trên Trái Đất này mà thôi.

Giày tái chế sau khi hết chu kỳ sử dụng vẫn có thể trở thành phế phẩm nhựa bỏ đi

Theo Céline Semaan – Đồng sáng lập Slow Factory, một tổ chức khởi tạo và phát triển những giá trị bền vững: “Hành động loại bỏ rác thải nhựa ở ngoài môi trường rất đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, nhựa là một nguyên liệu có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết nếu chúng ta không có một vòng lặp tái chế liên tục, vì nhựa không được tái chế sẽ sớm quay lại môi trường.”

Giải pháp duy nhất được nhiều chuyên gia đồng tình nằm ở tinh thần trách nhiệm của các tập đoàn, họ phải là bên đứng ra chịu trách nhiệm về số lượng nhựa đã được đưa ra thị trường, chủ động yêu cầu người dùng hoàn trả lại sản phẩm sau khi sử dụng để tiếp tục tái chế hoặc hủy bỏ một cách phù hợp.

Các hãng sản xuất "giày rác thải" cũng đã ý thức được lời kêu gọi trên. Tập đoàn Rothy’s là thương hiệu tiên phong khi phối hợp với startup PLUSfoam, không chỉ thu mua nguồn nguyên liệu tái chế từ đây, người dùng Rothy’s còn có thể nhanh chóng điền thông tin sản phẩm mà mình muốn tái chế trên nền tảng PLUSfoam và đợi người đến thu hồi sản phẩm tại nhà.

Ngoài ra, tập đoàn nổi tiếng Adidas cũng tung ra chương trình "Take Back", rất nhiều thùng tái chế được bố trí từ năm 2016 tại nhiều địa điểm nhằm khuyến khích người dùng vứt bỏ sản phẩm một cách phù hợp.

Các hãng giày nên khuyến khích người dùng hoàn trả lại "giày rác thải' sau khi kết thúc chu kỳ sử dụng

Adidas còn đi xa hơn khi cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế từ năm 2024, với nhiều dòng sản phẩm hiện tại đã có khả năng tái chế 100%.

Dù không thể nào loại bỏ được hoàn toàn rác thải nhựa nhưng hành động sử dụng nguồn nguyên liệu từ nhựa tái chế của các hãng giày phần nào cũng cho thấy được những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giải cứu môi trường đang ô nhiễm vượt cả mức báo động.

Thời điểm hiện tại, rác thải nhựa còn tồn tại ở mức nguy hiểm hơn dưới dạng hạt vi nhựa hòa vào đại đương, nguồn hải sản và cả trong những hạt mưa. Nên nếu như chỉ có những thương hiệu có tầm ảnh hưởng hay các tổ chức môi trường ra sức bảo vệ thì vẫn chưa đủ. Môi trường sống sẽ phản ánh cách sống của mỗi người. Vì thế, vấn đề lớn này cần xuất phát từ ý thức của mỗi người.

Thùy Linh

Theo Tạp chí Công thương