- CTD có ý định sáp nhập với Ricons không?
Ông Nguyễn Bá Dương: Việc sáp nhập không loại trừ khi có thành viên HĐQT mới, cá nhân tôi rất muốn sáp nhập. Điều này phụ thuộc vào HĐQT mới và sang năm sẽ trình ý kiến với ĐHĐCĐ.
Doanh thu xây lắp dự kiến 50:50. Coteccons kinh doanh bất động sản bằng cách mua một phần dự án hoặc kết hợp với chủ đầu tư. Hạ tầng là lĩnh vực tôi rất sợ, rất khó khăn nên chỉ làm đường BT hoặc PPP.
- CTD trả cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu?
Ông Dương: Trả cổ tức bằng tiền.
- Thị phần ngành xây dựng 2020?
Ông Dương: Coteccons chiếm 5% hoặc xấp xỉ mức này, cũng có lúc hơn. Rất nhiều công trình mới nhưng chúng tôi không dám làm vì không chắc bán được hàng.
- Tỉ lệ suy giảm Coteccons so với ngành?
Ông Dương: Chắc chắn Coteccons giảm ít hơn so với các công ty cùng ngành, giảm ở mức chấp nhận được.
- Hai thành viên đại diện pháp luật có khó khăn gì không?
Ông Dương: Sau này bản thân tôi sẽ cùng chia sẻ cùng thành viên HĐQT mới, việc này hoàn toàn hợp lí, có rất nhiều mảng cần làm. Có thể thành viên này phụ trách mảng này và thành viên khác phụ trách mảng khác.
- Coteccons luôn duy trì tiền mặt dồi dào. Trong khi thực tế ngành xây dựng kinh doanh không dễ dàng. Ban lãnh đạo có ý kiến như thế nào?
Ông Dương: Giá trị cổ phiếu trên sàn bây giờ thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều, buộc lòng ban điều hành ngồi lại với nhau. Cá nhân tôi phải làm mọi cách để việc này được cải thiện. Tôi sẽ mua thêm cổ phiếu, đây là việc làm tốt cho công ty.
- Kế hoạch sử dụng quĩ khen thưởng?
Ông Dương: Hiện tại tôi chưa biết câu trả lời, chưa thể trả lời cổ đông.
- Coteccons làm cách nào thu hồi nợ, trách nhiệm người thu hồi như thế nào?
Ông Dương: Coteccons có hội đồng thu hồi công nợ, làm rất gắt gao, qui trách nhiệm cho từng người đi đòi nợ rất rõ ràng.
- Hai thành viên HĐQT mới không có kinh nghiệm xây dựng, Coteccons làm thế nào để hoàn thành kế hoạch?
Ông Dương: Tôi nghĩ rằng những vấn đề này nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Trước đây, có một dự án tôi hỏi HĐQT không ai quyết, cá nhân tôi là Chủ tịch HĐQT không dám vượt quyền. Do vậy sắp tới, chúng tôi sẽ hội ý nhiều hơn.
- HĐQT mới đóng góp gì cho Coteccons?
Ông Bolat Duisenov: Chúng tôi đại diện Kusto, tập đoàn quốc tế nên có những tiêu chuẩn quốc tế và mang những tiêu chuẩn này vào Coteccons, giúp Coteccons không chỉ đi đầu ở Việt Nam mà còn có vị trí trên thế giới.
Có thể rất nhiều cổ đông thắc mắc Kusto đang nhảy vào Coteccons, can thiệp sâu vào quản lí. Chúng tôi xin khẳng định không có ý đồ gì khác ngoài việc giúp CTD phát triển hơn nữa, mang những kinh nghiệm và thông lệ tốt nhất về quản trị công ty cho Coteccons, bao gồm kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, lương thưởng minh bạch, rõ ràng.
HĐQT Coteccons nhận lỗi vì những mâu thuẫn xảy ra trong nhiều năm
Chiều ngày 30/6, CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020. Cuộc họp có sự tham gia của 427 cổ đông, sở hữu gần 65,47 triệu cổ phiếu, chiếm 85,81% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Năm 2017, doanh số đi xuống, bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn
Mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương chia sẻ: "10 năm qua, chúng ta đang có một công ty hàng đầu, nhìn về doanh số và lợi nhuận.
Từ năm 2017, doanh số bắt đầu đi xuống, công ty bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn do không hiểu nhau, có khoảng cách vị trí địa lí giữa các thành viên HĐQT, bất đồng ngôn ngữ,… Lỗi ở đây là lỗi của HĐQT, tôi xin nhận lỗi về mình.
Nhìn về chặng đường sắp tới, cách đây 5 năm, tôi đã từng nói nếu chỉ tập trung vào xây lắp sẽ không thể nào phát triển tiếp được, khổng thể nào tăng trưởng 30-40% mỗi năm. CTD chỉ phù hợp với những dự án lớn.
Mặc dù chúng ta đã làm rất nhiều dự án nhưng doanh số không thể đạt được như kì vọng. Chúng ta có đội ngũ vững vàng, chịu thương chịu khó. So với các đơn vị cùng ngành, họ chỉ đạt bằng một nửa CTD dù kết quả kinh doanh của công ty năm qua rất thấp.
Cách đây một, hai năm, có nhiều nhà đầu tư tìm đến CTD nhưng chúng tôi không có quyền tự quyết định. Tôi hi vọng sắp tới, Coteccons sẽ vượt qua những mâu thuẫn nội bộ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Dương nói thêm: "Nhiều người cho rằng, ông Dương lấy việc đưa cho ai cũng được. Nhưng thực tế không hề đơn giản.
Coteccons là một công ty thi công các công trình có khối lượng lớn, nếu toàn bộ nguồn lực công ty dồn vào một dự án lớn như Vinfast rộng hàng nghìn hecta thì các công trình khác ai sẽ làm?
Nếu Coteccons không giao thầu, không chọn được đối tác cùng tham gia vào dự án thì làm sao chúng ta đảm bảo tiến độ cho khách hàng?
Sắp tới, tôi cho rằng chúng ta không nên 'say no' với các công ty liên quan. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp tục hợp tác. Bởi vì đó là các công ty có năng lực, có sự tương đồng với Coteccons về văn hoá về giá trị. Có thể hỗ trợ Coteccons phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai".
Nhiều cổ đông trong nước không đồng thuận yêu cầu miễn nhiệm ông Nguyễn Sỹ Công
Trước khi bước vào phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn bá Dương đã đề nghị đại hội điều chỉnh thứ tự chương trình. Theo đó, đại hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu thay thế thành viên HĐQT theo tờ trình số 04.
Nội dung này vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cổ đông trong nước. Tuy nhiên, kết quả bầu cử cho thấy có 58,82% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với ông Trần Quyết Thắng và ông Nguyễn Sỹ Công.
Đồng thời, 66,42% số cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý bổ sung thành viên HĐQT.
Trước khi đại hội diễn ra một ngày, HĐQT Coteccons đã thông qua việc bổ sung, chỉnh sửa nội dung chương trình ĐHĐCĐ thường niên 2020, bao gồm việc thêm tờ trình số 4 miễn nhiệm thành viên HĐQT đã có đơn xin từ chức và bầu thay thế thành viên cho nhiệm kì 2017 - 2022.
Do vậy, tại đại hội kì này, HĐQT công ty sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng nhiệm kì 2017 - 2022; thay thế là ông Bolat Duisenov từ Kusto Group và ông Henwig Guido H. Van Hove từ The8th.
Dự kiến, sau khi bầu bổ sung hai nhân sự mới từ phe đối lập, thành viên HĐQT thuộc nhóm lãnh đạo công ty trước đây hiện chỉ còn ông Nguyễn Bá Dương. Phía Kusto có ba thành viên, bao gồm Talgat Tugumbayev và ông Yerkin Tatishev, Bolat Duisenov và Henwig Guido H. Van Hove từ The8th
Riêng vị hai trí thành viên HĐQT độc lập nhiệm kì 2017 – 2022 của Coteccons hiện bao gồm ông Ton Chin Tiong, quốc tịch Singapore và ông Nguyễn Quốc Hiệp, kĩ sư Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Đồng thời, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ tại tờ trình số 2 (về chỉnh sửa một số điều lệ của công ty), cung cấp phụ lục tờ trình theo yêu cầu của cổ đông.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 31 qui định về trách nhiệm và quyền hạn của Tổng giám đốc cũng có nhiều thay đổi làm giảm quyền lực của vị trí này. Theo đó, Tổng giám đốc từ việc có thể quyết định tất cả các vấn đề không cần phải có nghị quyết của HĐQT sẽ chỉ được quyết định trong pham vi được ủy quyền từ người đại diện pháp luật.
Một số chi tiết quan trọng khác bao gồm việc xác nhận: "Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông được coi là bằng chứng xác thực về những công việc đã được tiến hành tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trừ khi có ý kiến phản đối về nội dung biên bản được đưa ra theo đúng thủ tục quy định trong vòng mười (10) ngày kể từ khi gửi biên bản".
Đối với tư cách thành viên Hội đồng Quản trị, Điều lệ mới sẽ qui định: "Thành viên Hội đồng Quản trị sẽ không còn tư cách thành viên Hội đồng Quản trị trong các trường hợp sau: 1) Cung cấp thông tin cá nhân sai khi gửi cho Công ty với tư cách là ứng viên Hội đồng quản trị; 2) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này".
Một nội dung quan trọng liên quan đến tranh chấp nội bộ công ty, HĐQT trình cổ đông thông qua về việc miễn nhiệm và bầu cử thay thế 2 thành biên Ban kiểm soát đối với ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam do không đạt đủ điều kiện và tiêu chuẩn làm kiểm soát viên. Đồng thời, tổ chức bầu thay thế thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022.
Năm 2019 tạm ngưng gần 30 công trình nhưng lợi nhuận vẫn tăng
Về kết quả kinh doanh năm 2019, HĐQT trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 23.733 tỉ đồng, lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 711 tỉ đồng. Cùng với 318 tỉ đồng lợi nhuận còn lại chưa phân phối kết chuyển từ năm 2018, Coteccons đang giữ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm kết thúc năm 2019 là 1.029 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc lưu ý một số cải cách của ban điều hành trong năm 2019 như duy trì chính sách lương thưởng cho người lao động, tinh gọn bộ máy nhân sự để nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi lập kế hoạch dựa trên nội bộ, tức doanh thu trên đầu người.
"Năm vừa rồi có gần 30 công trình đang thi công phải tạm ngưng, nhưng nhờ chia sẻ chi phí với đối tác theo tỉ lệ 50:50 nên giảm được áp lực, lợi nhuận chung vẫn tăng", Tổng Giám đốc Coteccons cho hay.
Theo đó, HĐQT Coteccons đề xuất sẽ trích 669 tỉ đồng cho quĩ đầu tư phát triển; trích 228 tỉ đồng chi trả cổ tức cho cổ đông; tương ứng tỉ lệ 30% (mỗi cổ phiếu được nhận 3.000 đồng); 51 tỉ đồng cho quĩ khen thưởng phúc lợi.
Trong năm 2020, HĐQT trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 16.000 tỉ đồng, giảm 32,6% và 600 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất thuộc về cổ đông công ty mẹ, giảm 15,5%. Tỉ lệ cổ tức dự kiến 30%.
Nói thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Sỹ Công cho biết: "Chúng tôi không thể cạnh tranh với các nhà thầu nhỏ với dự án dưới 500 tỉ đồng. Coteccons chỉ phù hợp với những dự án lớn. Trong hoàn cảnh hiện nay, để có những dự án lớn như vậy là một thách thức rất lớn".
Tiếp tục cập nhật...
Nguyên Ngọc - Huy Nguyên