Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao

12/09/2020 10:24


Khi Doug Parker trở thành CEO tại American Airlines vào tháng 12.2013, dường như tương lai phía trước rất sáng sủa. Hãng U.S. Airways cuối cùng cũng đã thâu tóm được một đối tác lớn khi đạt được thỏa thuận sáp nhập với công ty bị phá sản American Airlines. Công ty mới cùng khoản nợ thấp nhất, trở thành hãng hàng không lớn nhất quốc gia, và trong số các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của họ, chỉ còn lại ba công ty nội địa.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã lùi sâu, kinh tế trở nên náo nhiệt và du lịch như bước vào thời hoàng kim mới. Các hãng vận tải như American Airlines áp dụng nhuần nhuyễn chiến lược định giá linh động, và gần như mỗi chuyến bay đều kín chỗ, tối đa hóa doanh thu và hiệu quả.

Đầu năm 2014, tự tin với sự xuất hiện của “hãng American mới”, Parker muốn lấy lòng phố Wall. “Tôi đảm bảo chúng tôi tập trung vào tối đa hóa giá trị cho các cổ đông,” ông tuyên bố với các nhà đầu tư.

Trong sáu năm tiếp theo, Parker vay nợ rất nhiều, khai thác thị trường vốn không dưới 18 lần để huy động 25 tỉ USD bằng nợ. Ông dùng tiền để mua máy bay mới và hỗ trợ chính sách hưu trí của American, cùng những hoạt động khác. Một loạt các khoản thu như phí hành lý bổ sung, thêm chỗ để chân, đồ ăn nhẹ và đồ uống trên máy bay, cùng nhiều khoản khác nữa, đã giúp tăng tổng lợi nhuận từ năm 2014 đến 2019 lên 17,5 tỉ USD.

Giữ cam kết của mình, năm 2014, Parker tuyên bố chia cổ tức định kỳ – lần đầu tiên American làm như vậy suốt 34 năm – và bắt đầu mua lại hàng tỉ cổ phiếu của hãng hàng không này. “Nắm giữ nhiều tiền mặt hơn mức mà công ty cần không phải là cách tận dụng tốt nguồn vốn từ các cổ đông,” ông giải thích.

Đây là điều mà các nhà đầu cơ thích nghe khi họ đầu tư vào cổ phiếu của American. Ngay cả Warren Buffett của quỹ Berkshire Hathaway cũng mua cổ phần của công ty. Thoát nguy cơ phá sản, cổ phiếu của American tăng giá gần như ngay lập tức, gấp đôi trong năm đầu tiên Parker làm CEO. Nhờ năng lực quản lý xuất sắc, Parker đã được thưởng bằng khoản hoa hồng hằng năm hơn 10 triệu USD.

Tháng 4.2020, dịch Covid-19 san phẳng ngành du lịch. American Airlines hoàn toàn rỗng túi, một phần do chi tiêu hoang phí của Parker. Chính phủ Hoa Kỳ tạm ứng 5,8 tỉ USD dưới dạng tài trợ và các khoản vay lãi suất thấp – khoản chi lớn nhất cho bất kỳ hãng hàng không nào thuộc gói cứu trợ trị giá 25 tỉ USD của chính phủ dành cho ngành hàng không.

Nhiều nhà đầu tư quỹ phòng hộ bán cổ phần của họ, ví dụ như Berkshire Hathaway. Cổ phiếu American hiện có giá trị chỉ bằng 1/3 so với 12 tỉ USD mà Parker dùng vào việc mua lại cổ phiếu của công ty. Dù việc kinh doanh bùng nổ gần đây, nhưng bảng cân đối kế toán của American lại rất tệ.

Trong sáu năm qua, Parker thêm vào hơn 7 tỉ USD nợ ròng, và hiện nay, tỉ lệ nợ ròng trên doanh thu là 45%, gấp đôi so với cuối năm 2014. American cho biết có kế hoạch trả nợ “tích cực” ngay khi kinh doanh bình thường trở lại.

Tình trạng nợ nần ngày càng nhiều của American Airlines không phải là ngoại lệ trong các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ. Ngược lại, tình trạng tài chính của American có lẽ đã trở thành phổ biến. Trong nhiều năm, khi Fed thanh khoản, một số công ty lớn nhất ở Hoa Kỳ – CocaCola, McDonald’s, AT&T, IBM, General Motors, Merck, FedEx, 3M và Exxon – ngập trong nợ lãi suất thấp.

Phần lớn họ vay nhiều hơn cần thiết, thường dùng để hoàn trả cho các cổ đông dưới hình thức mua lại cổ phiếu và chia cổ tức. Họ cũng thực hiện các thương vụ mua lại, khiến chỉ số S&P 500 tăng cao hơn bao giờ hết – trung bình hằng năm là 13,5%, trong giai đoạn từ 2010 đến 2019. Đi kèm đó là các khoản lương thưởng hào phóng cho những CEO.


Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 1

Đợt cắt giảm thuế năm 2017 của tổng thống Trump được xem là “đòn kết liễu”, là hành động bơm thêm chất gây nổ vào trong “quả bóng nợ doanh nghiệp” này. Forbes phân tích 455 công ty thuộc S&P 500 – không bao gồm các ngân hàng và đại gia công nghệ giàu tiền mặt như Apple, Amazon, Google và Microsoft – nhận thấy trung bình các doanh nghiệp đã tăng nợ ròng gần gấp ba lần trong mười năm qua, thêm khoảng 2,5 ngàn tỉ đô la Mỹ vốn vay vào bảng cân đối kế toán.

Các phân tích cho thấy trong mười năm qua các công ty đã có thêm gần một đô la nợ trên mỗi đô la tăng trưởng doanh thu. Phần lớn các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã tham gia vào thị trường giá tăng chỉ với 20 xu nợ ròng trên mỗi đô la doanh thu hằng năm; hiện nay con số đó đã tăng lên 38 xu.

Khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt tình hình thương mại trên toàn thế giới, các tập đoàn Hoa Kỳ phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã: Doanh thu biến mất, nhưng khoản nợ khổng lồ không biến đi đâu cả.

Một năm trước, chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo, nhưng lời cảnh báo gần như bị chìm lấp trong sự phấn khích của thị trường chứng khoán đang lên. Powell nói hồi tháng 5.2019: “Không chỉ có khoản nợ cao, mà sự tăng trưởng trong thời gian gần đây cũng tập trung vào các hình thức nợ có rủi ro cao hơn. Trong số các trái phiếu ở cấp độ đầu tư, một lượng rất lớn trái phiếu nằm ở mức xếp hạng thấp nhất – một hiện tượng được gọi là ‘trượt hạng BBB.’”

Powell đã đề cập đến thực tế là lượng lớn trái phiếu của các công ty có nguy cơ trở thành trái phiếu rác. “Các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và cơ quan quản lý cần chú ý đến rủi ro này ngay, khi tình huống vẫn còn có thể xoay chuyển.”

Powell đã ngừng thuyết phục mọi người. Đối mặt với viễn cảnh đáng sợ về tình trạng các công ty mất khả năng thanh toán trên diện rộng, ngày 23.3, Fed công bố công cụ quỹ tín dụng được thiết kế để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hai tuần sau, ngân hàng trung ương làm phố Wall choáng váng khi tuyên bố sẽ tham gia vào thị trường mở để mua một số trái phiếu rác cũng như cổ phần trong các quỹ ETF trái phiếu lợi suất cao.

Tổng cộng, Fed hiện dành ra 750 tỉ USD, được hỗ trợ từ 75 tỉ USD của người nộp thuế, để giúp các công ty lớn sống sót sau đại dịch – số tiền này thuộc gói cứu trợ 2.300 tỉ USD.

Howard Marks, tỉ phú đồng sáng lập Oaktree Capital, phàn nàn trong một bản ghi nhớ ngày 14.4: “Khi mọi người tin rằng chính phủ sẽ bảo vệ họ trước hậu quả tài chính khó khăn do chính mình gây nên, họ gọi đó là ‘rủi ro đạo đức.’ Con người và các tổ chức được bảo vệ khỏi khó khăn, nhưng người ta lại học được những bài học xấu.”

Bài học cho những ai nghiện nợ doanh nghiệp rất rõ ràng: Những người nộp thuế là kẻ gặp xui; nguồn tiền liên bang có thể tiếp cận thoải mái. Theo Refinitiv, chỉ trong hai tháng qua, có không dưới 392 công ty phát hành 617 tỉ USD trái phiếu dài hạn và trung hạn, bao gồm một số lượng kỷ lục các trái phiếu hạng BBB (mức có thể đầu tư), khiến nợ vẫn đang ngày càng chồng chất mà họ lại không có khả năng chi trả.

Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 2

Warren Buffett lưu ý trong cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire ngày 2.5: “Những công ty đã phát hành trái phiếu vào cuối tháng ba và tháng tư nên đích thân gửi thư cảm ơn tới Fed.”

Các doanh nghiệp công dân hàng đầu của Mỹ – những công ty xuất hiện trong đa số tài khoản đầu tư hưu trí – không tự mình biến thành những kẻ phụ thuộc vào nợ. Có một số yếu tố thúc đẩy, chủ yếu là từ những kẻ khôn ngoan nhất ở phố Wall. Lấy ví dụ trường hợp của McDonald’s, nổi tiếng với các nhà hàng có mặt ở hầu hết thị trấn tại Hoa Kỳ, cung cấp bữa ăn nhanh, giá cả phải chăng cho hàng tỉ người.

MỌI CHUYỆN BẮT ĐẦU TỪ TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂM 2008, khi nhà đầu tư tỉ phú Bill Ackman bắt đầu kích động gã khổng lồ bán bánh burger có trụ sở tại Chicago này, yêu cầu họ thoái vốn tại phần lớn trong số 9.000 cửa hàng thuộc sở hữu công ty cho các nhà khai thác độc lập để mua lại 12,6 tỉ USD cổ phiếu.

McDonald’s thành công trong việc ngăn cản nhà đầu tư quỹ phòng hộ, nhưng trong quá trình phục hồi, sự tăng trưởng của doanh nghiệp bị đình trệ. Từ năm 2014, Don Thompson, giám đốc điều hành của McDonald’s, bắt đầu tận dụng vốn vay để mua lại cổ phần. Một năm sau, người kế nhiệm của ông, Steve Easterbrook, đẩy mạnh chiến lược của Thompson bằng cách bán các nhà hàng do công ty điều hành cho những người được nhượng quyền, giống như điều Ackman muốn.

Hiện nay, 93% trong số 38.695 cửa hàng McDonald’s trên toàn thế giới do các doanh nhân nhỏ vận hành. Họ trả chi phí bảo trì, tiền thuê và tiền bản quyền cho công ty mẹ để đổi lấy đặc quyền vận hành, sử dụng thiết bị và bán thức ăn của hãng.

Công ty McDonald’s mới và được cải tiến theo hướng “sở hữu ít tài sản” không còn quản lý các tài sản cồng kềnh. Thay vào đó, hãng thu được các khoản thanh toán và đang phải gánh khoản nợ hàng chục tỉ.

Từ năm 2014 đến cuối năm 2019, McDonald’s phát hành khoảng 21 tỉ USD trái phiếu trung hạn và dài hạn. Họ cũng mua lại hơn 35 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu và trả cổ tức 19 tỉ USD, hoàn trả hơn 50 tỉ USDcho các cổ đông, vượt xa lợi nhuận của hãng (31 tỉ USD) trong giai đoạn đó.

Đối với phố Wall, đó là điều tốt. McDonald’s trở thành công ty được quỹ phòng hộ ưa thích, cổ phiếu của hãng tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của Easterbrook, từ năm 2015 đến 2019. Phần thưởng của ông là 78 triệu USD từ các gói thanh toán hào phóng trong năm năm.

Tuy nhiên, cũng có thêm nhiều rủi ro trong bảng cân đối kế toán của McDonald’s. Năm 2010, công ty chỉ có 38 xu nợ ròng trên mỗi đô la doanh thu hằng năm. Nhưng vào thời điểm Easterbrook bị sa thải vào cuối năm 2019 với bê bối về ngoại tình công sở, công ty phải chịu 1,58 USD nợ ròng trên mỗi đô la doanh thu. Hiện nay, nợ ròng của hãng ở mức 33 tỉ USD, tăng hơn gần năm lần so với trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Trái phiếu của công ty được xếp hạng BBB, cao hơn hai bậc so với trái phiếu rác, giảm so với xếp hạng A vào năm 2015. Vì phần lớn các cửa hàng của công ty gần như không có khách trong đại dịch, cổ phiếu của McDonald’s lúc đầu đã giảm gần 40%.

Tuy nhiên, với sự can thiệp của FED, khoản nợ của McDonald’s, vốn giảm xuống còn 78 xu trên mỗi đô la ở thời điểm đầu đại dịch, đã tăng lên lại cùng với cổ phiếu, khi công ty nhanh chóng huy động thêm 3,5 tỉ USD. McDonald’s khẳng định rằng họ đối đầu với cuộc khủng hoảng bằng bảng cân đối kế toán mạnh mẽ và tình trạng tài chính tổng thể ổn định.

Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 3

Gần đây, họ đã ngừng mua lại cổ phần công ty. Mặc dù vậy, có một sự thật đáng ngạc nhiên là lượng vốn vay khổng lồ của hãng burger lại thực sự khiêm tốn so với một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu, Yum Brands, công ty mẹ có doanh thu 5,6 tỉ USD của Pizza Hut, Taco Bell và KFC.

Sau khi Greg Creed đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 2015, nhà quản lý quỹ phòng hộ chủ động Keith Meister, thuộc Corvex Management, và Daniel Loeb, của Third Point, đã đảm nhận các chức vụ cao cấp trong công ty. Đến tháng 10 năm đó, Meister ngồi trong hội đồng quản trị của Yum.

Vài ngày sau khi bổ nhiệm ông này, công ty cho biết họ đã “cam kết hoàn vốn đáng kể cho các cổ đông,” và tách rời đơn vị Yum China, vốn mang lại 39% lợi nhuận của tập đoàn. Trong năm tiếp theo, Creed đã vay 5,2 tỉ USD để hỗ trợ hoạt động mua lại cổ phiếu và chia cổ tức trị giá 7,2 tỉ USD.

Yum đã hoàn trả khoảng 31% cổ phiếu phổ thông và như dự đoán, giá cổ phiếu của họ tăng gấp đôi, lên hơn 100 USD thời điểm cuối năm 2019. Các cổ đông rất hài lòng, nhưng sức mạnh tài chính của Yum bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 2014, Yum chỉ có 2,8 tỉ USD nợ ròng, chiếm 42% doanh thu thực. Đến năm 2020, con số đó đã tăng lên 10 tỉ USD, tương đương 178% doanh thu thực.

Trong thời đại kinh tế Covid-19, Yum là trường hợp cực kỳ nguy hiểm, nhưng nhờ Fed và đợt phát hành trái phiếu trị giá 600 triệu USD hồi tháng tư, công ty sẽ sống sót qua cơn khủng hoảng. Quản lý của Yum phủ nhận Fed đã giúp đỡ họ. Công ty cho biết: “Chúng tôi không hề biết đến sự can thiệp của Fed vào thị trường lợi suất cao hoặc khả năng phát hành 600 triệu đô la Mỹ trái phiếu lợi suất cao của công ty.”

Giống như McDonald’s, Yum đã bán nhiều cửa hàng thuộc sở hữu công ty cho các bên nhượng quyền độc lập. Nếu không có quyền tiếp cận thị trường vốn và nguồn tiền của Fed, tương lai của họ sẽ rất bấp bênh. Yum đang cho một số đối tác nhượng quyền của mình thời gian ân hạn 60 ngày để thanh toán phí nhượng quyền.

David Gibbs, người thay thế Creed đảm nhận chức vụ CEO vào tháng một, dự tính vào cuối tháng tư rằng nếu cần thiết, công ty sẽ tiếp quản các nhượng quyền thương mại và bán chúng đi. Tất nhiên, một số ý kiến cho rằng tình hình mua lại bằng vốn vay của các công ty đại chúng như McDonald’s và Yum là bằng chứng rõ ràng về việc Fed áp dụng chính sách tiếp cận nguồn tiền dễ dàng kéo dài trong cả thập niên vừa qua.

Theo lời nhà đầu tư Dan Zwirn của Arena Investors: “Xét đến vấn đề tài chính công ty, Fed gần như vô trách nhiệm khi tài trợ quá mức cho việc huy động vốn vay để mua lại cổ phiếu, khiến cho các khoản nợ trở nên rẻ đến mức không thể tin được.”

Tính đến cuối năm 2019, nợ kinh doanh phi tài chính lên tới 10.000 tỉ USD, tăng 64% so với đầu thập niên. Nhà phân tích kinh tế David Rosenberg cho biết: “Nguồn tiền từ chính sách nới lỏng định lượng của Fed đã ngang bằng với nợ doanh nghiệp do mua lại cổ phiếu, và cuối cùng, đã đẩy số lượng cổ phiếu của S&P 500 xuống mức thấp nhất trong hai thập niên. Đây là bong bóng nợ lịch sử... Tuy nhiên, dường như không ai bận tâm đến điều này khi các phương thức kiếm tiền dễ dàng vẫn còn có hiệu quả.”

Tuy nhiên, nếu có giải thưởng dành cho sự liều lĩnh của công ty, sẽ rất ít công ty nào qua mặt được hãng Boeing, nhà sản xuất hàng không vũ trụ và quốc phòng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn nhất quốc gia. Từng là niềm tự hào của nền công nghiệp ở Mỹ, Boeing bị sức cuốn hút của kỹ thuật tài chính làm lóa mắt.

Bắt đầu từ năm 2013, công ty có trụ sở tại Chicago này đã quyết định cam kết hoàn trả gần như từng xu lợi nhuận, thậm chí còn nhiều hơn nữa, cho các cổ đông. Hãng chi ra 64 tỉ USD – trong đó 43 tỉ USD dùng cho việc mua lại cổ phiếu và 21 tỉ USD để chia cổ tức. Do vậy, dự phòng tài chính dưới thời CEO Dennis Muilenberg rất nhỏ để đối phó với khó khăn trong sản xuất, tranh chấp lao động và suy thoái.

Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 4

Sau khi hai chiếc máy bay 737 MAX của hãng bị rơi cách nhau năm tháng và cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấm loại máy bay này vào năm 2019, các chính sách tài chính của Boeing bị phơi bày, và hãng buộc phải chuyển sang thị trường nợ để gom tiền mặt khẩn cấp.

Công ty Boeing, về cơ bản không có nợ trong năm 2016, đã kết thúc năm 2019 với khoản nợ ròng 18 tỉ USD. Tháng ba vừa qua, Boeing đã tận dụng toàn bộ hạn mức tín dụng trị giá 13,8 tỉ USD để ứng phó với việc ngừng khai thác du lịch hàng không và Standard & Poor’s đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Boeing xuống mức thấp nhất của cấp độ đầu tư.

Boeing bỡn cợt với gói cứu trợ, khi ban đầu họ yêu cầu chính phủ hỗ trợ 60 tỉ USD cho ngành hàng không vũ trụ. Nhưng vào cuối tháng tư, giám đốc tài chính Greg Smith nói với các nhà đầu tư rằng bộ Quốc phòng đang từng bước tăng cường thanh khoản, và Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh kinh tế (CARES) đã giúp họ trì hoãn thanh toán thuế.

Boeing cũng bắt đầu cân nhắc lựa chọn tài trợ từ các chương trình do bộ Tài chính và Fed vận hành. Ngày 29.4, David Calhoun, CEO mới của Boeing, cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ của chính phủ sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận thanh khoản của ngành hàng không.”

Ngày kế tiếp, Boeing tung ra một đợt chào bán trái phiếu trị giá 25 tỉ USD, loại bỏ nhu cầu cứu trợ trực tiếp. Việc phát hành, trong đó có các trái phiếu chỉ có thể thu hồi vào năm 2060, có lượng người đăng ký mua vượt mức, vì các nhà đầu tư tổ chức rất tin tưởng chuyện hồi phục của Boeing là quan trọng với chính phủ.

Mặc dù việc hoàn tiền cho các cổ đông là nỗi ám ảnh của CEO hãng Boeing, nhưng việc trở thành doanh nghiệp khổng lồ trong ngành giải trí thông qua các thương vụ mua lại là dấu ấn điển hình của Randall Stephenson trong nhiệm kỳ 13 năm với tư cách là CEO của AT&T.

Kể từ khi đảm nhận vị trí cao cấp tại công ty 143 năm tuổi từng được tôn sùng là Ma Bell này, Stephenson chi hơn 200 tỉ đô la Mỹ – chủ yếu mua lại DirecTV và Time Warner, cộng với các hoạt động khác, ngoài ra còn mua lại cổ phiếu và chia cổ tức hằng năm. Tổng cộng, Stephenson tích nợ mới lên tới gần 100 tỉ USD. Nhà phân tích viễn thông Craig Moffett cho biết: “AT&T là công ty phi tài chính mắc nợ nhiều nhất thế giới từng thấy.”

Cổ đông của AT&T, quỹ phòng hộ Elliott Management, nhận định thận trọng khi nói về những hành động ngớ ngẩn của Stephenson. “Rõ ràng là AT&T đã mua DirecTV ở giai đoạn đỉnh cao của thị trường truyền hình công nghệ tương tự,” Elliott nhắc đến thương vụ 67 tỉ USD trong lá thư gửi hội đồng quản trị vào tháng 9.2019.

Về khoản tiền 109 tỉ USD mà Stephenson đã chi cho Time Warner, “AT&T vẫn chưa đưa ra được lý do chiến lược rõ ràng để giải thích tại sao AT & T cần sở hữu Time Warner.”

Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 5

Elliott, từ lâu đã nổi tiếng gây náo loạn trong các công ty, cho rằng thỏa thuận tồi tệ nhất của Stephenson là 39 tỉ USD chi cho T-Mobile vào năm 2011. “Thỏa thuận có khả năng gây thiệt hại nhiều nhất là một thỏa thuận chưa hoàn tất,” Elliott viết trong cùng một lá thư, đề cập đến việc lãng phí lâu dài các nguồn lực của công ty mà đỉnh điểm là việc AT&T rút lui khỏi thỏa thuận.

Việc này buộc hãng phải trả cho T-Mobile khoản phí bồi thường kỷ lục sáu tỉ đô la Mỹ. “AT&T đã cấp vốn cho một đối thủ cạnh tranh khả thi trong tương lai,” thư của Elliott viết. Elliott và các nhà đầu tư khác không nghi ngờ gì về việc AT&T bị gạt ra.

Trong trường hợp của Boeing, nợ nần và việc mua lại khiến giá cổ phiếu của hãng tăng vọt. Không giống họ, cổ phiếu của AT&T không đạt kết quả khả quan trong suốt một thập niên. Điểm chung của bộ đôi phụ thuộc vào nợ nần này là ít nhất tình hình tài chính của họ cũng có chút tương đồng với danh tiếng vô cùng khả quan trước đây của chính họ.

Cũng gây sốc như việc đại dịch năm 2020 tấn công nền kinh tế toàn cầu, sự sụp đổ của các doanh nghiệp lớn sau một thập niên nợ nần có thể chỉ mới bắt đầu. Các công ty tự gây thương tổn cho mình ở khắp nơi. Một cuộc suy thoái kéo dài có thể đẩy một số công ty tận dụng vốn vay quá mức dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, đặc biệt là nếu lãi suất tăng và hàng tỉ đô la trong kế hoạch “giải cứu nền kinh tế bằng bất kỳ giá nào” của Fed khiến cho lạm phát cũng tăng theo.

Altria, doanh nghiệp bán thuốc lá Marlboro, đã tăng khoản nợ ròng từ 10 tỉ USD lên 26 tỉ USD trong mười năm qua, chi tiêu phần lớn dòng tiền hoạt động của mình vào việc chia cổ tức và mua lại cổ phiếu, đồng thời lãng phí 15 tỉ USD vào cổ phần của Juul Labs và công ty cần sa Cronos Group nhưng thu lại được rất ít. Công ty kinh doanh thuốc lá này hiện có 1,31 USD nợ ròng trên mỗi đô la doanh thu hằng năm, tăng từ con số 58 xu trong năm 2010.

Trong phần lớn lịch sử 118 năm của mình, công ty 3M ở Minnesota, chuyên sản xuất mặt nạ N95, giấy ghi chú Post-It và băng dính Scotch hầu như không sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, nợ ròng của công ty đã tăng gấp 17 lần, lên gần 18 tỉ USD, tương đương 55% doanh thu.

Standard & Poor’s đã hạ bậc trái phiếu của 3M trong tháng hai và công ty này là một trong những nhà phát hành đầu tiên khai thác thị trường trái phiếu không bị đóng băng vào cuối tháng ba. O’Reilly Automotive, nhà bán lẻ phụ tùng ô tô có trụ sở tại Missouri với doanh thu 10 tỉ USD, là một trong những cổ phiếu ưa thích của thị trường chứng khoán trong thập niên này.

Doanh nghiệp gia đình này đã tận dụng đòn bẩy có chi phí thấp những năm 2010, tận dụng để mua lại 12 tỉ USD cổ phiếu và hoàn trả gần một nửa số cổ phiếu đang lưu hành. Trong mười năm qua, nợ ròng của hãng tăng gần gấp 12 lần, lên 4 tỉ USD. Ngày 15.3, O’Reilly nhận thêm 500 triệu đô la Mỹ để dự phòng.

General Dynamics, nổi tiếng với tàu hải quân, máy bay phản lực vùng Vịnh và các hợp đồng chính phủ, có ít nợ trong năm 2010. Nhưng kể từ thời CEO Phebe Novakovic năm 2013, họ mua lại 13 tỉ USD cổ phiếu và trả cổ tức 6 tỉ USD, kết thúc năm vừa rồi với 11 tỉ USD nợ ròng.

Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao - ảnh 6

CEO Vicki Hollub đã tăng nợ ròng của Occidental Petroleum gần gấp năm lần kể từ năm 2016. Covid-19 và giá dầu sụp đổ đã đưa OXY đến tình trạng phá sản.

IBM (hay còn gọi là Big Blue) đã trở thành nhà vô địch về mua lại trong nhiều năm, dùng 90% dòng tiền miễn phí để hoàn trả cho các cổ đông 125 tỉ USD từ năm 2010 đến 2019. Nợ của Big Blue, bao gồm cả phần hỗ trợ tài chính cho khách hàng, tăng từ 17% doanh thu thuần lên 70%, với khoản nợ ròng 52 tỉ USD đang tồn đọng.

Thậm chí cả Berkshire Hathaway cũng bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần lớn. Năm 2013, Buffett hợp tác với 3G Capital, công ty cổ phần tư nhân Brazil do tỉ phú Jorge Paulo Lemann đồng sáng lập, để mua H.J. Heinz với giá 28 tỉ USD và Kraft Foods với giá 47 tỉ USD hai năm sau đó.

Công ty mới được hình thành sau hoạt động sáp nhập sở hữu các thương hiệu như Jell-O, Velveeta và Oscar Mayer – đồng thời sở hữu luôn khoản nợ 30 tỉ USD. Sau thất bại trong thương vụ mua lại Unilever giá 143 tỉ USD khiến họ nợ thêm 90 tỉ USD, hoạt động kinh doanh tại tập đoàn thực phẩm khổng lồ này bắt đầu tuột dốc.

Vốn hóa thị trường của Kraft giảm từ 118 tỉ USD lúc cao điểm tháng 2.2017 xuống còn 38 tỉ USD, và cổ phiếu của Berkshire Hathaway, ở mức 13,8 tỉ USD theo sổ sách, hiện giao dịch chỉ với 10 tỉ USD. Vào tháng hai, cả S&P và Fitch đều giảm trái phiếu của Kraft xuống mức rác. Kraft Heinz khăng khăng rằng bảng cân đối kế toán của họ rất ổn và nhu cầu đối với các thương hiệu của mình rất cao.

Trong khi đó, ở lĩnh vực dầu khí, nhiều công ty lại quá yếu nên không tận dụng được sự hào phóng của Fed. Vicki Hollub, CEO công ty Occidental Petroleum, đã tăng số nợ ròng gần gấp năm lần kể từ khi bà tiếp quản vào năm 2016, lên 36 tỉ USD, chưa kể khoản tài trợ ưu đãi 10 tỉ USD mà Hollub nhận được từ được Buffett.

Thỏa thuận mua lại công ty dầu khí Anadarko trị giá 55 tỉ USD của bà đã hoàn tất vào tháng 8.2019 – ngay trước khi giá dầu giảm mạnh nhất kể từ thập niên 1980, vì Nga và Arabia cung cấp dầu ồ ạt vào đầu năm nay. Với giá dầu thô West Texas Intermediate quanh quẩn ở mức gần 30 USD/thùng vào thời điểm số báo này lên khuôn, Occidental dường như sẽ phải tái cơ cấu hoặc thậm chí phá sản. Tuy nhiên, nếu Occidental Petroleum (mã chứng khoán: OXY) được phép phá sản, đó có thể là ngoại lệ.

Chính phủ Hoa Kỳ không đủ khả năng chỉ dùng các tác nhân thị trường để điều khiển tương lai của quá nhiều công ty. Các nhà bán lẻ như Neiman Marcus, J.Crew và JCPenney đã nộp đơn phá sản. Fed nói rõ rằng nỗ lực tránh sự suy sụp kinh tế toàn cầu tệ hơn so với thời kỳ Đại suy thoái phụ thuộc các công ty đại chúng lớn nhất quốc gia, vì căn bản, họ quá lớn nên không thể sụp đổ.

Scott Minerd, CIO Guggenheim Partners viết: “Về cơ bản, Fed và bộ Tài chính đã tạo ra ‘rủi ro đạo đức’ mới bằng cách xã hội hóa các rủi ro tín dụng.” BlackRock dự đoán Fed sẽ mở rộng kế hoạch tới con số đáng kinh ngạc là 7.000 tỉ USD vào cuối năm nay. Nói cách khác, các hành động của Fed giống như cố chữa nghiện bằng cách tăng liều chất gây nghiện mà người nghiện đang lạm dụng.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 87, tháng 8.2020 

Bạn đang đọc bài viết "Điều tra của Forbes: Những “con nghiện nợ” giá trị cao" tại chuyên mục Featured.