Chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan lần lượt bán một phần/toàn bộ vốn tại các công ty bất động sản từng được đặt nhiều kỳ vọng.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) mới đây đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Sông Mã.
Theo đó, HĐQT công ty thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 49,9% vốn điều lệ, tương đương 3.992.000 cổ phần tại CTCP Bất động sản Sông Mã mà QCG đang sở hữu với mức giá tối thiểu là 172 tỷ đồng.
QCG giao cho bà Nguyễn Thị Như Loan, TGĐ công ty tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ký kết các văn bản, chứng từ liên quan đến sự việc chuyển nhượng cổ phần trên.
Hồi cuối tháng 1/2019, Quốc Cường Gia Lai cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng gần 50% vốn góp tại CTCP Bất động sản Sông Mã.
Bất động sản Sông Mã là công ty được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã, thành lập từ năm 2000, hoạt động theo đăng ký là xây dựng dân dụng, kinh doanh phát triển nhà, môi giới mua bán nhà. Giá trị đầu tư của Quốc Cường Gia Lai tại công ty này trước khi thoái vốn là 166,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2019, Quốc Cường Gia Lai có tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên kết là 846 tỷ đồng.
Trong đó, ngoài Công ty Bất động sản Sông Mã sắp thoái vốn, Quốc Cường Gia Lai còn có các khoản đầu tư tại Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia, Công ty Quốc Cường Liên Á, Công ty Bất động sản Hiệp Phúc.
Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã công bố thông tin hoàn tất việc chuyển nhượng 50/90% cổ phần mà công ty sở hữu tại CTCP Bất động sản Hiệp Phúc cho đối tác. Theo đó, BĐS Hiệp Phúc chính thức trở thành công ty liên kết của Quốc Cường Gia Lai kể từ ngày hoàn tất việc chuyển nhượng trên.
Trước đó, tháng 10/2019, công ty ra quyết nghị cho phép chuyển nhượng 18,6% cổ phần của công ty tại CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá chuyển nhượng 132 tỷ đồng. Theo nghị quyết này, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai được ủy quyền để tìm đối tác mua số cổ phần trên.
Và Quốc Cường Gia Lai cũng đồng ý chuyển nhượng hơn 4,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 5% vốn điều lệ sở hữu tại CTCP Bất động sản Hiệp Phú Land, trị giá 42,8 tỷ đồng, cho ông Phạm Minh Kính.
Trước đó, doanh nghiệp cũng đã thông báo giải thể CTCP Bất động sản Hiệp Phát với lý do hoạt động không hiệu quả.
Chưa hết, đầu tháng 1/2019, Quốc Cường Gia Lai đã giảm hơn 195 tỷ đồng vốn góp tại Công ty TNHH Bến du thuyền Đà nẵng. Sau động thái này, tổng số vốn góp của QCG tại Bến du thuyền Đà Nẵng vẫn còn 261 tỷ đồng, tương ứng với 90% vốn điều lệ.
Thông tin thêm, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sáng ngày 22/2, bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết công ty hiện gặp nhiều khó khăn vì hai dự án nòng cốt trong số 6 dự án đang bị vướng.
Do chờ đợi thủ tục các dự án quá lâu. Hiện nay đối tác ngoại muốn rút khỏi dự án 91 ha Phước Kiển có doanh thu ước tính lên đến 50.000 - 70.000 tỷ đồng này.
Về hoạt động kinh doanh, quý I/2020, doanh thu thuần của CTCP Quốc Cường Gia Lai giảm tới 78% xuống 81 tỷ đồng (cùng kỳ 338 tỷ đồng) do cắt giảm kinh doanh hàng hóa, chỉ tập trung vào thủy điện, cao su và bất động sản. Giá vốn thậm chí giảm mạnh hơn với 82% giúp biên lãi gộp được cải thiện đôi chút, lợi nhuận gộp giảm 14% so với quý I/2019, xuống 18,3 tỷ đồng (cùng kỳ là 21,4 tỷ đồng).
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến lên gần 36 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi chuyển nhương vốn góp trong khi chi phí tài chính cũng tăng 14% lên 12 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cao gấp 24 lần cùng kỳ, ở mức 8 tỷ đồng tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm, giảm 34%, còn gần 3 tỷ đồng.
Kết quả, Quốc Cường Gia Lai lãi ròng hơn 30,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần kết quả quý I/2019 trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 30 tỷ đồng.
Khánh Linh
Theo Người Đưa Tin