Doanh nghiệp Việt cần làm gì sau sự việc của mì Hảo Hảo?

02/09/2021 16:07

Sự việc mì Hảo Hảo và Thiên Hương là bài học về việc giữ gìn thương hiệu sản xuất lớn đang có uy tín. Các doanh nghiệp cần tự kiểm tra, xem xét lại quy trình sản xuất của mình.

Chỉ trong thời gian ngắn, lần lượt mì Hảo Hảo vị tôm chua cay, miến Good vị sườn heo do Acecook Việt Nam sản xuất và mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương bị cơ quan quản lý châu Âu thu hồi vì có chứa chất Ethylene Oxide.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã vào cuộc kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mới nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản báo cáo trước ngày 7/9.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng ở thời điểm này, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cần phải bình tĩnh để đánh giá đúng tình hình.

Về phía nhà sản xuất cần nghiêm chỉnh thu hồi sản phẩm, ngừng ngay dây chuyền sản xuất nếu có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, tự kiểm tra một cách khách quan và xem xét thấu đáo để sớm tìm nguyên nhân. “Sức khỏe của người dân là vấn đề quan trọng nhất”, ông Phú khẳng định.

Từ sự việc trên, các thương hiệu sản xuất thực phẩm khác cũng phải tự kiểm tra, xem xét lại quy trình sản xuất của mình, không được chủ quan. Sự việc của Acecook và Thiên Hương vừa xảy ra là một bài học về việc giữ gìn những thương hiệu sản xuất lớn đang có uy tín và sự phát triển mạnh mẽ trên thị trường nội địa Việt Nam cũng như xuất khẩu đi các nước.

Hiện Bộ Y tế có cho phép hậu kiểm các mặt hàng thực phẩm và đơn vị tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hàng hóa của mình, tuy nhiên, doanh nghiệp không nên vì nhận được cơ chế thông thoáng trong sản xuất kinh doanh mà không làm tốt công tác quản trị.

Trong khi đó, trước những cảnh báo của EU về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ và cập nhật thông tin về các quy định SPS của thị trường nhập khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của từng thị trường đó.

Doanh nghiep Viet hoc duoc gi sau su viec cua mi Hao Hao? anh 4

Ông Ngô Xuân Nam cho biết theo quy định của EU, 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo ở mức rủi ro nghiêm trọng (serious risk), nên phải thu hồi/tiêu hủy. Ảnh: SPS Việt Nam.

Cụ thể, nếu xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang EU, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn của EU. Khi có thông tin như trên, các doanh nghiệp bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ quy trình từ nguồn gốc nhập nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển… tập trung vào các mối nguy.

Về nguyên tắc các lô hàng xuất khẩu, đều phải có hồ sơ gốc ghi đầy đủ thông tin về kiểm soát mối nguy trong cả quá trình sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) nhận định việc phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm này có thể qua kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một khi đã vi phạm thì sau này, mặt hàng này sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt, khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang thị trường EU cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường bởi khi vi phạm không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng hóa Việt Nam.

"Đối với sản phẩm, hàng hóa xuất xứ Việt Nam khi xuất sang EU, phía bạn đã có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Các Thương vụ cũng hướng dẫn và thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp Việt. Việc cảnh báo với doanh nghiệp là cần thiết, nhưng nếu làm quá có thể gây tổn hại cho chính hàng xuất khẩu của Việt Nam", bà Thúy cho hay.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), đơn vị này đã nhận được báo cáo từ phía các doanh nghiệp sau khi tự tiến hành rà soát toàn bộ sản phẩm, quy trình sản xuất nhằm đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide (ETO) trong sản phẩm. Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ hoàn thiện để tổng hợp trình lãnh đạo Bộ, sau đó Bộ trình Chính phủ trước ngày 7/9.

Theo Văn Hưng/Zing