Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Doanh nghiệp Việt làm ăn ra sao khi về tay người Thái?

03/11/2018 11:19

Dù đã tiết giảm được rất nhiều chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp này vẫn chưa thể cải thiện sau khi được lãnh đạo người Thái tiếp quản.

Dù đã tiết giảm được rất nhiều chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp này vẫn chưa thể cải thiện sau khi được lãnh đạo người Thái tiếp quản.

Nhiều doanh nghiệp Việt sau khi được tiếp quản bởi các lãnh đạo Thái Lan đang có dấu hiệu khả quan trong việc tiết giảm chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả và lợi nhuận thu về vẫn chưa thật sự nổi bất so với giá trị các doanh nghiệp này đang có.

Sabeco giảm hàng trăm tỷ lợi nhuận

Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý III năm nay với kết quả không mấy khả quan khi lợi nhuận sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ.

Cụ thể, 3 tháng vừa qua, Sabeco ghi nhận 8.563 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ, thế nhưng, giá vốn hàng bán tăng tới 13% dẫn đến lãi gộp giảm từ 2.125 tỷ kỳ trước xuống còn 1.860 tỷ đồng kỳ này.

Cũng trong quý III, doanh thu tài chính của Sabeco tăng cùng với các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm cho thấy sự cải thiện tích cực trong khâu vận hành và bán hàng từ khi về tay người Thái. Tuy nhiên, đà giảm mạnh của giá vốn khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 1.035 tỷ, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Lãi ròng công ty mẹ Sabeco thu về tương ứng chỉ đạt 975 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận một quý thấp nhất của công ty này kể từ đầu năm 2017 đến nay. Cùng với đó, lợi nhuận từng quý của Sabeco đang cho thấy biểu đồ đi xuống của chỉ số tài chính này.

Lũy kế 9 tháng, Sabeco đạt 25.543 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bia vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn lên tới 85%, còn lại là các ngành khác như bao bì, nước giải khát, cồn, rượu…chỉ đóng góp gần 15%. Kết quả, Sabeco báo lãi ròng 3.482 tỷ đồng, con số này cũng giảm hơn 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận công ty mẹ chỉ đạt ở mức 3.312 tỷ đồng.

Dù kết quả lợi nhuận đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ, nhưng nhờ việc đặt kế hoạch lợi nhuận cả năm dè dặt mà doanh nghiệp này vẫn hoàn thành hơn 87% so với mức 4.000 tỷ lợi nhuận của cả năm.

Theo quy định, sau khi chi gần 5 tỷ USD để mua lại hơn 53,39% vốn cổ phần Sabeco, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ phải mất 6 tháng liên tục nắm giữ cổ phần mới có thể cử đại diện tham gia HĐQT công ty. Tuy nhiên, vị tỷ phú này đã kiến nghị được sớm tham gia, nhờ đó người Thái đã sớm tiếp quản Sabeco.

Công ty sau đó cũng công bố kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 ở mức 4.007 tỷ sau thuế, giảm 19% so với 2017 và doanh thu hơn 36.000 tỷ đồng. Kế hoạch trên được đặt ra trong bối cảnh sức tiêu thụ bia đang giảm.

Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi , ông chủ hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống tại châu Á. Ảnh: Gettyimages.

Những bước đi chậm chạp của "vua" sá xị

Cùng với việc cho người vào tiếp quản Sabeco, vị tỷ phú Thái cũng nhanh chóng cử người nắm giữ vai trò lãnh đạo cao nhất tại Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD), nơi Sabeco đang nắm hơn 62% vốn.

Theo đó, Tổng giám đốc Sabeco, ông Neo Gim Siong Bennett đã được cử làm Chủ tịch HĐQT tại Sá xị Chương Dương.

Cải thiện đầu tiên có thể thấy tại Chương Dương khi người Thái vào tiếp quản chính là việc cắt giảm mạnh được các khoản chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tài chính... Chính điều này đã giúp Chương Dương có lãi thuần trở lại từ hoạt động kinh doanh chính, trong khi cùng kỳ đang lỗ thuần.

Kết quả, Chương Dương ghi nhận 224 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng, giảm 10% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng ghi nhận lại tăng mạnh từ mức âm 7 tỷ năm trước lên dương 3 tỷ đồng năm nay.

Những con số lợi nhuận tích cực này cũng chỉ giúp công ty hoàn thành chưa đến một nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ban lãnh đạo công ty này cũng từng thừa nhân Chương Dương đang phải vật lộn với công nghệ lạc hậu, cũ từ những năm 2000, chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn ngân sách tiếp thị yếu, chiến lược phân phối và bán hàng nhiều lỗ hổng... Ngoài ra, áp lực cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn trong ngành nước giải khát như Pepsi, CocaCola, URC… cũng khiến tình hình kinh doanh của công ty chưa thể cải thiện ngay.

Tuy nhiên, việc có lãi trở lại đã được coi là thành công với "vua" nước giải khát một thời trong bối cảnh công ty vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Nhựa Bình Minh và bài toán cắt giảm chi phí bán hàng

Cũng được người Thái tiếp quản rất nhanh sau khi The Nawaplastic Industries – thành viên thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan chi ra hàng nghìn tỷ để nâng sở hữu lên 54,39% vốn.

Giống Sabeco, hay Chương Dương, khi có sự tham gia của người Thái đã giúp chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp nhựa này tiết giảm rất nhiều, chỉ tốn gần 14 tỷ trong quý III năm nay so với con số hơn 19 tỷ cùng kỳ. Tổng cộng 9 tháng, chi phí này của Nhựa Bình Minh cũng đã tiết giảm được hơn 20 tỷ đồng, tương ứng gần 30%.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Thái vẫn chưa thể giải quyết bài toán chi phí bán hàng vốn là khó khăn của các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam khi phải tốn rất nhiều cho các điểm bán, đại lý và vận chuyển.

Cụ thể, riêng quý III, chi phí bán hàng của công ty này đã tăng mạnh từ 25 tỷ lên tới 43 tỷ đồng; con số 9 tháng cũng tăng hơn 30% lên tới 101 tỷ. Điều này khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm đáng kể dù doanh thu trong kỳ tăng cao.

9 tháng từ đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận 2.750 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 5% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm hơn 9 tỷ so với cùng kỳ, đạt 420 tỷ đồng. Các chỉ số khác không thay đổi nhiều nên đà giảm lợi nhuận của Nhựa Bình Minh chủ yếu đến từ việc chi phí bán hàng tăng quá nhiều.

Với kết quả này, Nhựa Bình Minh mới chỉ đạt 64% kế hoạch doanh thu và gần 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong khi chỉ còn một quý kinh doanh cuối năm để hoàn thành.

Theo báo cáo của công ty này, doanh nghiệp đang phải tốn chi phí để vận hành gần 1.600 nhà phân phối trên cả nước tính đến cuối năm 2017. Công ty này cũng cho biết đơn vị hiện chiếm khoảng 50% thị phần ống nhựa tại miền Nam và khoảng 25% thị phần ống nhựa trên cả nước, và là một trong những doanh nghiệp nhựa chiếm thị phần cao nhất trong nước.

Quang Thắng

Theo Zing