Doanh thu trăm tỷ mỗi năm, Hanoi Telecom vẫn chìm trong thua lỗ

02/09/2021 09:04

Bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) trong nhiều năm gần đây luôn duy trì con số hàng trăm tỷ đồng doanh thu, nhưng doanh nghiệp vẫn liên tục báo lỗ, mức lỗ thậm chí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Doanh thu trăm tỷ mỗi năm, Hanoi Telecom vẫn chìm trong thua lỗ

Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội – Hanoi Telecom chìm trong thua lỗ.

Vốn điều lệ tăng 200 lần sau 20 năm

Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội – Hanoi Telecom được thành lập ngày 2/5/2001 với số vốn điều lệ là 8 tỷ đồng. Đến nay, sau 20 năm phát triển, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã đạt 1.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hanoi Telecom là 1 trong 4 nhà mạng lớn tại Việt Nam được Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin Truyền thông, cấp đầy đủ các giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động, internet, VOIP, điện thoại đường dài trong nước và quốc tế.

Hanoi Telecom cũng biết đến với vai trò là công ty mẹ của Vietnamobile - kết quả của quá trình hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp này với Tập đoàn CK Hutchison Hong Kong (CKH).

Mặc dù vậy, Vietnamobile đang dần yếu thế hơn so với các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, hay Mobifone và đang dần "mất bóng" trên thị trường.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập hồi cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Hanoi Telecom từng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin nhằm đa dạng hoá danh mục sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng trung tâm dữ liệu (data center) đạt tiêu chuẩn quốc tế, với đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, máy móc thiết bị hiện đại nhằm phục vụ thị trường dữ liệu trong nước và mở rộng sang các quốc gia trên thế giới.

Ngoài mảng dịch vụ công nghệ thông tin, Hanoi Telecom còn tham vọng biến logistics trở thành một ngành kinh doanh mũi nhọn. Đặc biệt, doanh nghiệp này đang muốn lấn sân sang các mảng thị trường khác như bất động sản công nghiệp, khách sạn cao tầng, resort, khu dân cư...

Thấy gì từ bức tranh tài chính của Hanoi Telecom?

Dù bày tỏ tham vọng lớn, đặc biệt là việc muốn lấn sân sang bất động sản, khách sạn, resort... nhưng nếu nhìn vào bức tranh tài chính trong những năm gần đây thì nguồn lực là một dấu hỏi lớn đối với Hanoi Telecom.

Trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Hanoi Telecom tuy có sụt giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức trăm tỷ, dù vậy lợi nhuận thu về lại không tương xứng.

Cụ thể, doanh thu thuần của Hanoi Telecom từ mức 170 tỷ đồng vào năm 2017 đã giảm nhẹ xuống 164,7 tỷ đồng vào năm 2018 và chỉ còn 126 tỷ đồng vào năm 2019.

Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong giai đoạn này theo đó giảm từ 44,8 tỷ đồng (2017) xuống 42,8 tỷ đồng (2018) và 38,3 tỷ đồng (2019).

Tuy nhiên, các khoản chi phí (tài chính, bán hàng và quản lý) đã ăn mòn hết sạch khoản lợi nhuận gộp của Hanoi Telecom, khiến doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Mức lỗ cụ thể như sau: Năm 2017 lỗ 1,7 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 32,4 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 22,8 tỷ đồng.

Về quy mô tài sản, trong giai đoạn 2017 - 2019, tổng tài sản của Hanoi Telecom không biến động nhiều dù có sự sụt giảm nhẹ. Lần lượt đạt 1.839 tỷ đồng (2017), giảm xuống còn 1.809 tỷ đồng (2018) và chỉ còn 1.755 tỷ đồng (2019). Trong đó chiếm phần lớn là tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản cố định.

Tài trợ chính trong nguồn vốn của Hanoi Telecom là vốn chủ sở hữu. Tuy có chút sụt giảm trong những năm gần đây, nhưng vốn chủ của doanh nghiệp này luôn duy trì ở mức 1.560 tỷ đồng đến 1.600 tỷ đồng, chiếm hơn 86% tổng tài sản.

Nợ phải trả của Hanoi Telecom không chiếm quá nhiều trong quy mô tài sản. Lần lượt đạt 238,5 tỷ đồng (2017), tăng nhẹ lên 241,3 tỷ đồng (2018), rồi lại giảm xuống còn 195,4 tỷ đồng (2019).

Trong bảng lưu chuyển tiền tệ giai đoạn 2017 – 2019, dòng tiền kinh doanh của Hanoi Telecom cũng ở tình trạng âm. Cụ thể, năm 2017, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 22,9 tỷ đồng; năm 2018 âm 17,7 tỷ đồng và đến năm 2019, con số này là âm 35,3 tỷ đồng. 

Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm có thể dễ chấp nhận với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất - kinh doanh… nhưng với doanh nghiệp đã có 20 năm hoạt động như Hanoi Telecom, khi dòng tiền âm nhiều năm, đây có thể là tín hiệu cảnh bảo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo.

Theo Ngọc Lưu/VietnamFinance