Lợi dụng “lỗ hổng” trong quá trình cạnh tranh giữa các hãng hãng không, khách hàng “skiplagging” sẽ đặt vé rẻ nhất có quá cảnh tại nơi mà họ thật sự muốn đến rồi “trốn” ngay khi máy bay hạ cánh.
Skiplagging là hành động "tiết kiệm tiền vé" bằng cách chọn những chuyến bay giá rẻ có quá cảnh tại nơi mà bạn thật sự muốn đến. Ngay khi máy bay đáp xuống để chuẩn bị chuyến tiếp theo, hành khách chỉ việc xách hành lý của mình và rời sân bay.
Tại sao khách hàng có thể "skiplagging"?
Ví dụ hãng Virgin America bán vé bay thẳng từ L.A. đến Austin với giá 150 USD, nhưng American Airline lại không đủ tiềm lực để bay thẳng từ L.A. đến Austin, mà phải quá cảnh tại sân bay nhỏ Dallas.
Với tình hình trên, American Airline dù có chi phí vận hành cao hơn nhưng vẫn phải "cắn răng" bán chặng bay quá cảnh Dallas với giá 150 USD để cạnh tranh.
Ở một phương diện khác, vì là một sân bay nhỏ, các chuyến bay trực tiếp đến Dallas cũng ít hơn, và các hãng hàng không sẽ chủ động tăng giá vé bay thẳng đến đây.
Sự cạnh tranh liên tục trên đã tạo nên những "lỗ hổng" cho khách hàng "skiplagging".
Nhưng nếu muốn sử dụng "skiplagging", người thực hiện phải tuân thủ những "luật ngầm" sau:
- Không được nói cho ai biết là bạn có ý định "trốn", đặc biệt là nhân viên hàng không.
- Chỉ áp dụng với những chuyến bay một chiều và không được ký gửi hành lý.
- Sau khi "trốn", hãng bay sẽ điều tra lý do. Vì thế, bạn nên chuẩn bị sẵn một câu chuyện thật thuyết phục.
- Và cuối cùng là không nên lạm dụng "skiplagging".
Tại sao các hãng hàng không cực kỳ căm ghét "skiplagging"?
- Giảm lợi nhuận. Các chuyến bay quá cảnh thường có lợi nhuận rất ít, thậm chí là thua lỗ, khách hàng sử dụng "skiplagging" buộc các hãng bay phải tiếp tục duy trì hoạt động "thâm hụt" này.
- Làm "rối loạn" hệ thống. Các hãng bay luôn bán dư vé để hạn chế tình trạng ghế trống, "skiplagging" sẽ làm tình trạng bay rỗng ngày một trầm trọng, khiến hãng bay phải nâng cao tỷ lệ "bán khống" và từ đó gây ra biết bao rắc rối.
- Và nếu nhiều người cùng "skiplagging" trên một chuyến bay, các hãng bay sẽ tốn nhiều thời gian để xác minh trước khi tiếp tục khởi hành, gia tăng chi phí vận hành đã rất cao.
Aktarer Zaman và trận chiến với những gã khổng lồ
Aktarer Zaman là một thanh niên nhập cư gốc Bangladesh theo học Trường trung học kỹ thuật Brooklyn. Trong một lần tìm hiểu trên mạng, Aktarer phát hiện giá vé từ New York tới San Francisco mắc hơn đến vài trăm USD so với giá vé từ New York tới Seattle nhưng quá cảnh tại San Francisco.
Càng tìm hiểu, chàng trai tuổi teen ngày càng thích thú và dành toàn bộ thời gian của mình để thành lập trang web "Skiplagged" vào năm 2013 – hỗ trợ người dùng tìm kiếm những chuyến bay quá cảnh tại thành phố mong muốn với giá rẻ nhất.
Tiếng lành đồn xa, Skiplagged trở thành một "vũ khí đắc lực" của nhiều người đam mê du lịch, thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng chỉ sau 2 năm thành lập.
Nhưng cũng chính vào năm 2015 định mệnh đó, hãng du lịch Orbitz và hàng loạt hãng bay lớn của Mỹ cùng nhau đâm đơn kiện Skiplagged. Sáng lập viên chỉ mới 22 tuổi đã bị buộc tội "cạnh tranh không công bằng", "kinh doanh vô đạo đức" và "khuyến khích người dùng thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm trong chuyến bay".
Những tập đoàn trị giá "tỷ đô" đồng loạt đệ đơn đòi một thanh niên 22 tuổi phải bồi thường 75.000 USD thiệt hại.
Zaman cho hay: "Tôi rất sợ và không biết mình phải làm gì". Đối mặt với những gã khổng lồ, Zaman không còn cách nào khác ngoài việc… nhờ sự trợ giúp. Sau khi CNNMoney đưa tin về vụ kiện hy hữu trên, cộng đồng mạng trên toàn thế giới đã chung tay quyên góp cho Zaman trên GoFundMe.
Zaman kêu gọi hỗ trợ trên website Skiplagged
Zaman lúc đó chỉ mong nhận được 10.000 USD để hỗ trợ phí bào chữa, nhưng câu chuyện "David vs Goliath" đã khiến nhiều người đồng cảm và cùng quyên góp hơn 81.000 USD!
Với sự bảo hộ của luật sư có tiếng và hàng loạt chiến dịch phản đối trên mạng, hãng đặt vé máy bay Orbitz quyết định rút đơn kiện và chấp nhận hòa giải với Zaman.
Nhưng United Airlines - hãng hàng không lớn nhất nhì nước Mỹ tiếp tục theo đuổi vụ kiện, và không lâu sau đó, tòa án Hoa Kỳ cũng bác bỏ đơn vì thiếu bằng chứng.
Và thế là "gã tí hon" Zaman đã chiến thắng, trang web Skiplagged nhân cơ hội đổi luôn slogan: "Tốt đến nỗi United Airlines phải kiện chúng tôi ra tòa."
Chiến thắng trên cũng giúp tên tuổi Skiplagged vươn xa hơn với vô số bài báo tường thuật lại vụ việc, Zaman chia sẻ rằng anh phải tăng thời gian làm việc lên 7 ngày mỗi tuần để theo kịp nhu cầu ngày một gia tăng.
Không những thế, Skiplagged còn thuê thêm 2 kỹ sư, mở văn phòng làm việc tại Manhattan và được một nhà đầu tư thiên thần rót vốn.
"Chết hụt thường sống dai", Skiplagged sau sự cố pháp lý còn lọt vào top các ứng dụng du lịch phổ biến nhất của Apple Store.
CEO 22 tuổi Zaman sau đó còn mở một buổi thảo luận trên Reddit, thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hacker Edward Snowden.
Chuyển hướng tấn công
Tại sao phải bay thẳng với giá $300 trong khi bạn có thể "Skiplagging" với chỉ $170?
Sau khi khởi kiện Skipplagged bất thành, số lượng người áp dụng "độc chiêu bỏ chuyến" ngày càng tăng khiến cho các hãng bay Hoa Kỳ ngày càng đau đầu.
Để làm "chùn chân" những người đang có ý định "skiplagging", United Airlines cảnh báo với hành khách rằng họ đã sẵn sàng kiện bất cứ ai. Và hãng hàng không Lufthansa đã chính thức kiện một hành khách tại tòa án Berlin vào đầu năm 2019.
Theo đơn tố cáo, một khách hàng nam đã đặt chuyến bay từ Oslo đến Seattle, nhưng lại nhanh chóng "trốn mất" khi đang quá cảnh tại Frankfurt.
Hãng Lufthansa khẳng định rằng hành động này đã làm tiêu tốn 2.385 USD, và khách hàng phải chịu trách nhiệm.
Nhưng người tiêu dùng lại cho rằng họ không có nghĩa vụ phải "tiêu thụ 100%" những gì mà họ đã mua, giống như McDonald’s không có quyền ép khách hàng phải ăn "sạch sẽ" phần ăn đã thanh toán.
Và tin vui cho những "tín đồ phượt" là tòa án hiện đang đứng về phía người tiêu dùng. Không chỉ bác bỏ đơn kiện của United đối với Skiplagged, một tòa án tại Châu Âu cũng từ chối tiếp nhận đơn kiện trên của Lufthansa.
Ngoài ra thì một tòa án khác tại Tây Ban Nha cũng cho rằng hành động "skiplagging" là hoàn toàn hợp pháp, khiến tất cả hãng bay phải "chùn bước".
Theo bạn thì sao, "skiplagging" là một chiêu du lịch đáng học hỏi, hay là một "vấn nạn" khác của giới phượt thủ?
Trí Thức Trẻ