Hiến kế tới Thủ tướng, nhiều doanh nhân cho rằng muốn chiến thắng dịch Covid-19, điều đầu tiên là không được sợ hãi. Doanh nghiệp cũng phải chính là các 'pháo đài' chống dịch.
Sự kiện ra mắt chuỗi cà phê Ông Bầu dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 3. Đó là thương hiệu được gây dựng bởi 3 doanh nhân, đồng thời cũng là những người nổi tiếng trong giới bóng đá là Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Đồng Tâm) và Trần Thanh Hải (Chủ tịch Nutifood). Ba cái tên đủ thấy sức hút lớn thế nào trên thị trường.
Sự kiện đáng lẽ được tổ chức hoành tráng, có cầu thủ nổi tiếng đến giao lưu với khách hàng. Ba ông bầu cũng có mặt, trực tiếp phục vụ khách và mong muốn mở rộng chuỗi ra toàn quốc. Ấy vậy mà dịch Covid-19 ập đến, cà phê Ông Bầu phải hủy hết các sự kiện, kế hoạch lùi lại vô thời hạn.
Sự kiện cà phê Ông Bầu chỉ là một trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp khắp cả nước đang lao đao vì dịch Covid-19. Từ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đến những công ty hàng tỷ USD, từ doanh nghiệp mới chập chững bước vào thương trường đến những “đại gia” tuổi đời vài chục năm đều gặp những khó khăn riêng, có nơi tính đến cả phương án phá sản.
Tuy nhiên, những khó khăn đang vơi đi phần nào bởi một loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, vẫn còn rất nhiều “cửa sáng” cho nền kinh tế, đặc biệt là cơ hội sau dịch.
Sinh năm 1995, ra trường 3 năm, nhưng Trần Khánh đã là giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội. Doanh nghiệp của Khánh có tên là Medi được xếp vào hàng siêu nhỏ bởi có dưới 10 lao động. Ba năm khởi sự kinh doanh cũng là 3 năm Medi chứng kiến sự bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam. Dù có nhiều khó khăn lúc mới khởi nghiệp, năm gần nhất, doanh thu của công ty đạt 17 tỷ đồng.
Từ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp lữ hành siêu nhỏ này đột ngột lao dốc bởi dịch Covid-19. Sau Tết thường là dịp ăn nên làm ra với mùa du lịch lễ hội của khách trong nước, doanh thu dịp này có thể ngang với cao điểm mùa hè. Tuy nhiên, những ngày khai xuân của Medi là liên tiếp những cuộc gọi hủy tour.
Nỗi sợ hãi và diễn biến phức tạp về dịch khiến ngành du lịch lao dốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá du lịch lữ hành, hàng không và nông nghiệp là những ngành chịu ảnh hưởng trực diện nhất của dịch Covid-19.
“Mọi thứ gần như đóng băng, 95% là vậy”, Khánh chia sẻ.
Hiện tại, doanh nghiệp siêu nhỏ Medi vẫn hoạt động cầm chừng với 5 nhân viên trong nỗi lo về tương lai của ông chủ. Bài toán đặt ra hiện tại là nên hay không nên duy trì hoạt động. Nếu duy trì thì phải có tiền trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, phí vận hành trong khi không có nguồn thu. Nếu không duy trì, cho nhân viên nghỉ không lương, rất có thể sẽ mất lao động, rồi mất cả khách hàng trong tương lai.
“Tóc em có sợi bạc rồi này”, chàng trai 25 tuổi vừa nói vừa chỉ tay lên đầu với nụ cười gượng, ánh mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Khánh chia sẻ nếu khó khăn kéo dài đến tháng 4, không biết doanh nghiệp sẽ phải duy trì như thế nào.
Theo thống kê, 98% doanh nghiệp Việt là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi có biến động xảy ra. Dịch Covid-19 mang đến không chỉ khó khăn cho một ngành nghề, mà nhiều lĩnh vực khác nhau, mang tính liên hoàn.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng) đã khảo sát 1.200 doanh nghiệp và nhận được kết quả dịch tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh. Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tại TP.HCM, nhiều trung tâm thương mại lác đác người mua sắm. Rạp chiếu phim hủy gần hết các suất chiếu. Các tuyến phố vốn rất sầm uất như Ngô Đức Kế, ngã 6 Phù Đổng, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… nhiều cửa hàng đóng cửa, đã xuất hiện tình trạng trả lại mặt bằng.
Các cửa hàng kinh doanh từ ăn uống, thời trang, quà lưu niệm, đồ gia dụng… thậm chí cả dịch vụ cho thú cưng cũng lao dốc vì sụt giảm nhu cầu.
Tại nhiều thành phố vốn nguồn thu chủ yếu từ du lịch như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt, Sa Pa… vắng vẻ lạ thường. Một loạt chuỗi giá trị ăn theo du lịch là ăn uống, lưu trú, vận chuyển… cũng dừng lại.
Sa Pa, thành phố từng được ví như “rừng bê tông” ở Tây Bắc để nói về sự phát triển nhanh chóng những năm gần đây. Tuy vậy, từ Tết đến nay, thành phố vắng vẻ như bị bỏ hoang, giống như cách đây hàng chục năm, người Pháp đã tìm ra Sa Pa rồi bỏ lại.
Trong 3,5 năm đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc sớm nhất khi ông mới nhậm chức, cuộc gần nhất là tháng 12/2019, ngay trước lúc dịch Covid-19 bùng phát, tính ra trung bình mỗi năm một cuộc.
Nhiều người ví những cuộc đối thoại với Thủ tướng giống như “họp diên hồng” để người đứng đầu Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp, từ đó có những tháo gỡ kịp thời, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, có một cuộc họp “diên hồng” đặc biệt được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, nhưng đại biểu lại là những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu nền kinh tế hiện tại như Vingroup, Thaco, Masan, Sun Group, BRG, TH… Vốn hóa của những công ty này vượt 600.000 tỷ đồng, tức khoảng 1/10 quy mô nền kinh tế hiện tại.
Phát biểu trước người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn bày tỏ những nỗi lo không hề nhỏ của mình.
Ngành chịu ảnh hưởng trực diện nhất là hàng không có 2 đại diện là FLC và Vietjet. Cả hai doanh nghiệp này đều kêu khó về thuế, phí tại các cảng hàng không, phí cất hạ cánh và giá xăng dầu.
Đại diện Vietjet thì cho biết thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng là 3.000 đồng/lít, bất kể giá xăng là bao nhiêu. Như vậy, nếu giá xăng càng giảm, tỷ lệ thuế bảo vệ môi trường trên một lít càng lớn. Trong khi đó, 30-40% chi phí của một hãng hàng không là xăng dầu
Vietjet đề nghị Chính phủ giảm giá xăng dầu, đồng thời đề xuất Quốc hội giảm cả thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng này để có thể giảm chi phí, hỗ trợ hãng hàng không.
Đại diện FLC thì cho biết giá vé máy bay giảm sâu do dịch Covid-19, trong khi các khoản thuế, phí phải chịu vẫn giữ nguyên là một áp lực lớn. Đó là phí sân đỗ, mặt bằng nhà ga, phí cất, hạ cánh… Doanh nghiệp này đề nghị giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Với lĩnh vực lữ hành, lưu trú, cả Vietravel và BRG đều bày tỏ những nỗi lo riêng. BRG đưa ra con số 12.000 lượt hủy đặt phòng ở hệ thống khách sạn của mình, trong khi số lượt hủy chơi golf cũng rất lớn. Tổng giám đốc Vietravel đề cập đến việc ổn định tâm lý người dân và sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, các ngành kinh tế. Khi dịch bùng phát, nhưng điểm yếu nhờ vậy lộ rõ.
Với lĩnh vực ngân hàng, đại diện một ngân hàng thương mại đưa ra thực trang quy định hiện hành yêu cầu khi ngân hàng giảm lãi suất thì phải cơ cấu nợ, xếp nhóm nợ lên mức cao hơn. Việc xếp nhóm nợ lên mức cao hơn gây khó khăn cho doanh nghiệp, khó có thể tiếp cận được vốn của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng thương mại lại phải tăng trích lập dự phòng, vừa phải giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong khi đó Vingroup, Sungroup mong muốn Chính phủ cải cách hành chính, có những chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị cho thời cơ phát triển sau dịch.
Với lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ, lãnh đạo Thaco, TH và Masan thay vì “than khó” lại chỉ ra nhiều cơ hội, hiến kế tới Chính phủ những giải pháp ngay lúc này để nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19.
Không phải là một ông bầu bóng đá như Đoàn Nguyên Đức hay Võ Quốc Thắng, nhưng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, lại tỏ ra rất am hiểu những chiến thuật của môn thể thao vua. Trong cuộc gặp với Thủ tướng, ông làm không khí bớt căng thẳng đi bằng cách so sánh việc đất nước đối phó với dịch như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng. Qua đó, ông đưa ra hiến kế của mình.
“Thủ tướng là huấn luyện viên trưởng, các bộ trưởng là đội trưởng, còn chúng ta là cầu thủ. Bắt đầu thi đấu thì trời đổ mưa to. Chúng ta hình dung tình huống này sẽ diễn ra như thế nào?”, câu hỏi được chủ tịch Masan đặt ra.
Tỷ phú Quang nhắc đến “nỗi sợ” để trả lời câu hỏi của mình. Theo ông, có một thực tế là nỗi sợ thường làm tê liệt mọi giác quan của con người, tê liệt các tổ chức, tê liệt nền kinh tế nhiều hơn đến hàng trăm, hàng nghìn lần so với thiệt hại thực tế. Và trong dịch Covid-19, chúng ta đang phải đối diện với một nỗi sợ rất lớn.
“Trong đá bóng, nếu gặp trời mưa mà sợ thua rồi rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, chúng ta không thắng. Vì vậy, muốn chiến thắng, chúng ta phải tính toán, vừa phòng thủ thật chặt, hàng công cũng sẵn sàng”, ông nói.
Theo tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, trước hết muốn chiến thắng được dịch Covid-19 và vượt qua các khó khăn thì đầu tiên không được sợ hãi, vừa làm tốt phòng thủ, vừa tấn công sắc bén. Do đó, ông mong Chính phủ phải ưu tiên ổn định tâm lý, ổn định xã hội.
Vấn đề thứ hai ông đề xuất cần ưu tiên trong thời điểm hiện tại là tích lũy và tăng cường sức dân, sức nước. Một trong cách “tăng sức” là đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, thu hút nguồn lực quốc tế về Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam lấy được thị trường từ các nước đang chịu dịch bệnh.
Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng khó khăn của doanh nghiệp đã vơi đi phần nào khi Thủ tướng ra Chỉ thị 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ông nhấn mạnh, trong chỉ thị đã nêu rất rõ, đầy đủ các nhiệm vụ của từng bộ ngành, địa phương, từng giải pháp.
“Vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện mà thôi, không còn điều gì tốt hơn cả”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng cần hết sức lưu ý đến kỷ luật thực thi Chỉ thị. Nếu không thì rất khó có thể sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. “Chủ trương giải pháp có hết rồi, quan trọng bộ máy thực thi thế nào mà thôi”, ông nói với Zing.vn.
Ở góc độ cơ quan quản lý, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những con số để chứng minh vẫn có những điểm sáng của nền kinh tế, từ đó có thể chờ đợi những kết quả tốt trong tương lai. Đó là số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 17.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 364.000 tỷ đồng, tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, lượng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế vẫn đạt trên 640.000 tỷ đồng (không tính doanh nghiệp đăng ký với vốn 144.000 tỷ tại Hà Nội).
Vị lãnh đạo này phân tích số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng có dịch chứng tỏ người dân vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh trong tương lai. Bởi khởi sự kinh doanh không phải là chụp giật, tính có lãi trong ngày một, ngày hai mà tính chiến lược đường dài. Lượng doanh nghiệp thành lập mới chứng tỏ triển vọng cơ hội kinh doanh, sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới, đặc biệt là khi hết dịch.
Trong khi đó, lượng vốn bổ sung vào nền kinh tế vẫn ở mức cao cho thấy niềm tin tương tự về tương lai của nền kinh tế. Vị này lấy ví dụ, ngành du lịch có thể đình trệ trong hiện tại, nhưng có thể sẵn sàng phục hồi nhanh chóng khi hết dịch. Nguyên nhân bởi hệ thống hạ tầng hậu cần du lịch của Việt Nam khá tốt, đáp ứng được 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa.
“Mùa thấp điểm họ vẫn duy trì hoạt động cầm chừng như tình cảnh có dịch hiện tại. Khi hết dịch, nhu cầu du lịch sẽ tăng vọt sau thời gian hạn chế di chuyển. Đó là nhu cầu thiết yếu của con người và cũng là cơ hội đang chờ đợi của ngành du lịch”, ông chia sẻ.
Cơ hội trong tương lai cũng là điều mà nhà đầu tư chuỗi cà phê Ông Bầu đang nhắm đến. Chuỗi này tuy hủy các sự kiện ra mắt với sự góp mặt của 3 ông bầu, nhưng sau những tính toán thiệt, hơn đã đưa ra quyết định tiếp tục ra mắt đồng loạt chuỗi 16 quán tại các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM vào ngày 12/3. Đại diện công ty cho biết đây là bước đi quyết liệt để thực hiện mục tiêu tham vọng mở 30 cửa hàng ngay trong tháng 3 này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp chính là các “pháo đài” trong chống dịch Covid-19. “Pháo đài” này vừa có nhiệm vụ chống dịch, chống suy thoái xã hội, giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, bảo đảm kinh tế vĩ mô.
Ông mong muốn không chỉ các doanh nghiệp mà toàn xã hội khơi dậy tinh thần cố gắng, “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta cũng phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển!”.
Hiếu Công
Đồ họa: Nhân Lê - Ảnh: Quỳnh Danh
Theo Zing