Câu chuyện về cặp vợ chồng 9x từ bỏ đại học y dược đi bán quẩy vỉa hè đang gây sốt những ngày qua.
Người chồng là Nhậm Hiểu Mãnh học chuyên ngành thuốc đông y. Vợ anh là Nhậm Văn Á theo học chuyên ngành hộ lý. Cặp vợ chồng trẻ đều từ bỏ công việc ngành y để chuyển sang bán quẩy vỉa hè trên phố Thủy Minh, khu Trường Thanh, thành phố Tề Nam, Trung Quốc. Chuyện cặp đôi này từ bỏ một ngành cao cả để chuyển sang bán quẩy với thu nhập 30 vạn tệ 1 năm (~ hơn 1 tỉ vnd) có đáng hay không hiện đang là đề tài tranh luận nóng hổi trên các mạng xã hội những ngày gần đây.
Được biết, Nhậm Hiểu Mãnh và Nhậm Văn Á kết hôn vào tháng 2 năm nay sau khi đã yêu nhau 7 năm. “Sự nghiệp” chiên quẩy của họ cũng đang ngày càng phát đạt. Hai tháng gần đây, Nhậm Hiểu Mãnh còn đăng ký một tài khoản livestream cá nhân quay lại công việc bán quẩy của mình.
6 giờ sáng ngày 18/6, phóng viên đã tới ngã tư phố Thủy Minh ở Tề Nam, chứng kiến cảnh hai vợ chồng bận rộn làm quẩy bán và thu tiền, trước sạp hàng của họ là một hàng dài khách chờ mua. Sau khi thu dọn, Nhậm Hiểu Mãnh chia sẻ lại chặng đường mưu sinh với nghề bán quẩy của mình.
Được biết, Hiểu Mãnh quê gốc ở huyện Thương Hà, thành phố Tề Nam, gia đình làm nghề nông. Năm 2011 là thời điểm Hiểu Mãnh thi đại học. Vì muốn trở thành giáo viên hoặc bác sĩ nên lúc đó anh đã đăng ký khoa Đông y của Đại học y dược Sơn Đông. Sau khi đỗ vào chuyên ngành, anh phải học trong 3 năm. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã có trải nghiệm kinh doanh cá nhân.
“ Tôi đã từng bán quạt, bán chiếu, bán ô. Quan điểm làm kinh doanh của tôi khi đó là nghĩ làm gì thì sẽ làm nấy” - Hiểu Mãnh chia sẻ. Năm thứ 2 đại học, Hiểu Mãnh đã bắt đầu “làm kinh doanh” ở trong trường. Anh tìm mua một lô quạt điện ở chợ phía Tây, sau đó ngồi xe buýt mang tới trường để bày bán kiếm tiền chênh lệch. Lúc đó anh đã nhận ra đạo lý “có bao nhiêu bản lĩnh thì sẽ có bấy nhiêu thu nhập”.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, Hiểu Mãnh cũng như các bạn học khác ứng tuyển vào các công ty y dược. Sau đó, anh làm việc một thời gian cho một công ty dược ở Tề Nam rồi từ bỏ vì thu nhập quá thấp.
Hiểu Mãnh rời tới Bắc Kinh làm nhân viên bán hàng cho một hãng thuốc. Làm được 1 tháng thì anh phát hiện thấy bản tính của mình không phù hợp làm ngành y dược. Tuy nhiên, học vấn của anh không cao nên cũng không thể vào được các bệnh viện lớn. Cuối cùng anh cũng không chọn ngành y nữa.
Hiểu Mãnh nghĩ tới việc mở một sạp hàng vỉa hè nhưng lúc đầu vấp phải sự phản đối của bố mẹ. Sau đó, anh cũng thuyết phục được họ tới phố Trường Thanh mở một sạp hàng bán đặc sản của Thương Hà là bánh nướng mã đề (bánh tròn dày như vó ngựa làm từ bột mì, dầu thực vật và vừng, nướng trong lò đặc chế). Một lý do khác là bạn gái anh quen từ năm thứ hai đại học vẫn đang theo học ở đây nên anh muốn bày sạp bán ở phố này để tiện đi lại chăm sóc cô.
Hiểu Mãnh không lường được rằng đặc sản Thương Hà bán đắt như tôm tươi khi đến Trường Thanh lại ế ẩm ít người mua. Họ chuyển qua bán sữa đậu nành nhưng cũng không mấy khởi sắc.
“Suốt năm 2016, tôi cứ loay hoay chưa nghĩ ra bán hàng gì. Sau đó tôi nhớ mẹ tôi ngày xưa thường hay làm quẩy, lúc đó tôi liền theo học bà” - Hiểu Mãnh chia sẻ. Hiểu Mãnh học rất nhanh, hơn nữa còn thay đổi một chút phương pháp và gia vị khiến cho quẩy hấp dẫn vừa miệng hơn.
Nói về vợ của Hiểu Mãnh là Văn Á, cô sinh năm 1993, tốt nghiệp trường y năm 2017, sau đó cũng tới bệnh viện Sơn Đông thực tập. Nhưng do cô hay bị choáng nên không thể làm hộ lý. Sau đó Văn Á quyết định cùng Hiểu Mãnh xây dựng “sự nghiệp bán quẩy” kiếm sống.
Sạp hàng ăn sáng của họ ngày một đắt khách. Tình cảm của hai người cũng ngày một gắn kết. Họ quyết định làm đám cưới vào tháng 2/2019. Sau đám cưới, họ chỉ nghỉ ngơi 1 tuần rồi lại quay về công việc bán quẩy.
Phía sau sạp hàng, Tiểu Mãnh luôn đặt một chiếc điện thoại để quay trực tiếp toàn bộ hoạt động bán hàng. Thi thoảng, Hiểu Mãnh ra tiếp chuyện với người xem trực tuyến.
“Hai tháng trước, khi tới học một vị sư phụ làm bánh, tôi nhìn thấy ông ấy livestream quá trình làm bánh và tôi đã học theo" - Hiểu Mãnh cho biết.Hiểu Mãnh đã tải app Kuaishou (app quay phim chuyên ghi chép chia sẻ về cuộc sống của giới trẻ Trung Quốc), sau đó đăng ký một tài khoản và phát livestream quá trình làm quẩy của mình.
Chỉ trong 2 tháng, lượng follow tài khoản của anh lên tới 20 ngàn người, ngoài ra còn có hơn 30 người đến từ khắp nơi trong cả nước vì ngưỡng mộ mà tới Trường Thanh xin học kỹ nghệ làm quẩy.
“Mỗi ngày chỉ cần bán 800 cái quẩy, cuối tuần mỗi ngày bán được 1.000 cái là một năm thu nhập được khoảng 30 vạn tệ” - Hiểu Mãnh cho biết. Nói về kế hoạch trong tương lai, Văn Á bày tỏ muốn có một cửa hàng cố định để bán quẩy, còn Hiểu Mãnh dự định mở một trường học nhỏ dạy làm các món bánh ăn vặt.
Trả lời phóng viên về những tranh cãi trên mạng xoay quanh việc hai vợ chồng bỏ nghề y để bán quẩy vỉa hè, Văn Á cho biết nghề nghiệp vốn không phân cao quý hay thấp kém. ã hội 360 nghề, nghề nào cũng có nhân tài, chỉ cần kiên trì chuyên tâm thì sẽ có ngày thành công.
Phóng viên: Có người nói anh tốt nghiệp đại học rồi lại đi làm nghề mà học sinh cấp 2 cũng có thể làm được, vậy thì học đại học uổng phí rồi sao?
Hiểu Mãnh: Đúng là nghề này học sinh cấp hai cũng có thể làm được. Nhưng kết quả không giống nhau. Tôi nói 1 năm kiếm được 30 vạn, rất nhiều người không tin, cho rằng tôi thổi phồng. Nếu mỗi người bán quẩy đều thu được 30 vạn một năm, vậy thì mọi người đều bỏ việc khác đến bán quẩy rồi. Người học đại học bày sạp bán hàng khác với học sinh cấp hai bày sạp bán hàng. Bởi vậy mới nói quẩy của tôi không giống với những nhà khác.
S. S (Theo Sohu)
Theo GĐ&XH