Rủi ro dòng tiền kinh doanh âm, hơn 240 tỷ đồng nợ xấu
Trong năm 2021, BCG lần đầu lấn sân vào lĩnh vực tài chính khi mua Công ty Bảo hiểm AAA, thành lập công ty tài chính BCG Financial. Đồng thời, tập đoàn còn rót vốn đầu tư vào ngân hàng TPBank và mới đây là sự hiện diện tại ngân hàng Eximbank.
Hiện nay, BCG có khoảng 14 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió và điện áp mái, rải khắp từ Bình Định, Vĩnh Long… đến Cà Mau. Đây là lĩnh vực đóng vai trò hạt nhân chiến lược của Công ty này.
Do mảng năng lượng tái tạo thuộc về chiến lược trung và dài hạn tạo doanh thu và lợi nhuận ổn định cho BCG, nên chưa đóng góp gì trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Các nguồn thu hiện hữu của BCG vẫn chỉ mới đến từ hạ tầng- bất động sản; xây dựng -thương mại và sản xuất-nông nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ 2021, ông Nguyễn Hồ Nam- Chủ tịch HĐQT BCG, cho biết năm 2021, BCG sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các dự án năng lượng tái tạo đã đóng điện, dự kiến sẽ mang về 250 tỷ đồng lợi nhuận cho công ty.
Theo BCTC, năm 2021 BCG ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.589 tỷ đồng và gần 973 tỷ đồng lợi nhuận, cao nhất trong lịch sử.
Trong đó, nhóm ngành cơ sở hạ tầng đóng góp chủ đạo cho sự tăng trưởng trên với việc hoàn thành 96% chỉ tiêu doanh thu năm đề ra. Mảng bất động sản trong quý 4/2021 cũng đã ghi nhận phần doanh thu còn lại của dự án khu biệt thự King Crown Village.
Tuy nhiên, doanh thu của mảng bất động sản chỉ đạt được 12% chỉ tiêu doanh thu cả năm. Nguyên nhân chính là vẫn là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch bàn giao bị chậm trễ, điển hình là dự án Malibu Hội An, dẫn tới không thể ghi nhận doanh thu trong năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc BCG không đạt được mục tiêu doanh thu năm. Đáng nói, doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo vẫn chưa được ghi nhận trên báo cáo tài chính.
Tuy lợi nhuận năm 2021 cao nhất lịch sử, song dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital lại âm gần 9.315 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ âm hơn 2.000 tỷ đồng.
Thực tế, trong 4 năm trở lại đây, dòng tiền kinh doanh của BCG ngày càng lùi sâu về cực âm.
Dòng tiền kinh doanh âm dẫn tới BCG phải tăng cường vay nợ. Năm 2021, tiền thu từ đi vay của BCG là 14.197 tỷ đồng, tăng 153%; tiền trả nợ gốc vay gần 6.370 tỷ đồng, tương tăng 237%.
Lưu ý, tại ngày 31/12/2021, BCG còn khoản nợ xấu hơn 240 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 233 tỷ đồng. Khoản nợ xấu này xuất phát từ tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi.
Nợ trái phiếu tại BCG gấp 3,2 lần đầu năm khiến nợ vay dài hạn và chi phí lãi vay tăng vọt
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, tổng tài sản của BCG tại thời điểm 31/12/2021 đạt gần 38.000 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, chủ yếu là các tài sản dài hạn. Đặc biệt, hạng mục tài sản cố định tăng đến 1.495 tỷ trọng tài sản cố định trong tài sản dài hạn cũng tăng 24,83% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, nợ phải trả tại BCG đã tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với đầu năm lên xấp xỉ gần 29.344 tỷ đồng, chiếm hơn 78% tổng tài sản và gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.
Nợ phải trả tăng mạnh chủ yếu do nợ dài hạn tăng đến 93% so với đầu năm, tương đương tăng gần 10.000 tỷ đồng lên xấp xỉ 20.375 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý chính là nợ vay tài chính dài hạn tăng đột biến 380%, từ 2.549 tỷ đồng lên 12.229 tỷ đồng.
Về nợ vay dài hạn, hiện chủ nợ lớn nhất của BCG là ngân hàng Vietinbank đang cho vay 1.352 tỷ đồng; chủ nợ lớn thứ 2 là ngân hàng TPBank với hơn 895 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng Nam A Bank đang cho vay hơn 502 tỷ đồng;...
Đặc biệt, tại thời điểm 31/12/2021 BCG có khoản nợ trái phiếu 8.826 tỷ đồng, gấp 3,2 lần đầu năm. Đây chính là nguyên nhân chính khiến nợ vay tại BCG tăng mạnh. Chứng khoán Tiên Phong, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, Chứng khoán Bảo Minh là đối tác làm đại lý lưu ký, tư vấn phát hành cho đa phần các khoản nợ trái phiếu này. Các lô trái phiếu của BCG có lãi suất từ 10% - 11%, kỳ hạn từ 1 năm đến 7 năm.
Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của BCG trong năm 2021 tăng đột biến 241% so với cùng kỳ 2020, tương đương tăng hơn 730 tỷ đồng lên mức 1.033 tỷ đồng.
Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong năm 2021 của BCG tăng vọt 168%, lên mức hơn 1.486 tỷ đồng.
Ngoài trái phiếu Bamboo Capital còn muốn huy động thêm tiền từ cổ đông để đầu tư vào nhiều dự án.
Chẳng hạn, BCG công bố kế hoạch chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp. Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) – đơn vị thành viên TPBank sẽ mua 15 triệu đơn vị, tương ứng mức chi ra 300 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động được sẽ dùng bổ sung vốn để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, các dự án bất động sản và một phần vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Mới đây, BCG đã phát hành thành công 148 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.785 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.463 tỷ đồng. Số tiền huy động được, công ty dự kiến dùng 450 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 2; 350 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 1; và 985,2 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Đáng chú ý, số tiền bổ sung vốn lưu động có dùng 411,4 tỷ đồng trả nợ vay, 534,3 tỷ đồng trả nợ tiền mua cổ phần và chỉ có 39,5 tỷ đồng thực sự bổ sung vốn lưu động khác.
BCG vẫn miệt mài tìm kiếm vốn trong bối cảnh đầu tư "khủng", nợ vay tăng mạnh
Có thể thấy, phần lớn nguồn vốn huy động được BCG sẽ góp vốn vào các dự án năng lượng và bất động sản. Như đã nói ở trên, đây là hai lĩnh vực trong năm 2021 doanh thu chưa ghi nhận nhiều mà chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Hiện doanh nghiệp này đã và đang tìm cách xoay xở giải bài toán vốn đầu tư trong bối cảnh đầu tư khủng, nợ vay tăng mạnh.
Hiện tại, BCG định hướng trở thành tập đoàn phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, mục tiêu đạt sản lượng phát điện trong danh mục từ 2 GW vào năm 2025, lấy 3 mảng hoạt động chính là năng lượng tái tạo (BCG Energy), bất động sản (BCG Land) và xây dựng (Tracodi) làm trụ cột phát triển dài hạn.
Đáng nói, những hạn chế chính sách đối với năng lượng tái tạo khi nguồn cung điện đang dư thừa, đã và đang gây nhiều khó khăn, thách thức đối với BCG.
Theo thông tin từ BCG Land doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng trong năm nay, tăng 20% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Trong đó, doanh thu dự kiến đến từ dự án Malibu Hội An và phân khu shophouse của dự án Hoian d’Or. Phía doanh nghiệp cho biết, dự án Malibu Hội An sẽ được bàn giao trong nửa đầu năm nay, còn phân khu shophouse Hoian d’Or đã được cất nóc vào cuối năm ngoái và dự kiến bàn giao vào tháng 7.
Song song đó, BCG Land tiếp tục triển khai các dự án Casa Marina Mũi Né, Amor Riverside Villas, King Crown Infinity, Casa Marina Premium,…
Mới đây nhất, BCG Land sẽ nghiên cứu khu vực rộng khoảng 800 ha để đầu tư Khu đô thị sinh thái quy mô 320 ha và khu du lịch sinh thái dưới tán rừng quy mô 480 ha ở Lâm Đồng.
Trước đó, trong năm 2021, BCG Land đã phát triển thêm các dự án mới như: Helios Village Đắk Nông, Phoenix Mountain ở Bình Định, các dự án ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Long An và khu vực miền Tây Nam Bộ,…
Thực tế, với mức vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng quả thực còn khiêm tốn và sẽ hạn chế công ty này tiếp cận nguồn vốn với quy mô lớn hơn. Theo đó, trong năm 2022, BCG dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và cân đối với tổng tài sản gần 38.000 tỷ đồng mà BCG đang sở hữu.