Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đồng DCEP và tham vọng của Trung Quốc trên thị trường tiền kỹ thuật số

22/02/2020 11:16

Năm 2020 có thể là thời điểm chúng ta được chứng kiến loại tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên trên thế giới.

Trung Quốc sắp cho mắt đồng tiền điện tử cho chủ quyền đầu tiên trên thế giới Ảnh: Blockchain news
Trung Quốc sắp cho mắt đồng tiền điện tử cho chủ quyền đầu tiên trên thế giới Ảnh: Blockchain news)

Sau gần 6 năm nghiên cứu và phát triển, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ thử nghiệm đồng DCEP tại hai thành phố lớn của mình. Theo thông tin của trang CaiJing, đồng DCEP sẽ được triển khai tại Thâm Quyến dưới dạng thành phố thử nghiệm đầu tiên. Điều này cho thấy Trung Quốc đang nghiêm túc trong việc triển khai DCEP và cũng như một chiến thắng trong 'cuộc đua' tiền tệ kỹ thuật số.

Hiện tại Trung Quốc đang chuẩn bị phát hành đồng DCEP càng sớm càng tốt, theo bài thuyết trình của ông Mu Changchun, người đứng đầu viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Trong bài thuyết trình này, ông Changchun đã làm rõ tầm nhìn về một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, trái ngược hoàn toàn với các loại tiền điện tử hiện có như bitcoin.

Bitcoin, được Satoshi Nakamoto phát hành ra thế giới vào năm 2009 dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Bitcoin có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình: không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet.

Sự cung ứng Bitcoin là tự động, hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Bitcoin được cấp tới các máy tính "đào" để trả công cho việc xác minh giao dịch bitcoin và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng, thông qua công nghệ blockchain.

Có ba điểm khác biệt chính giữa DCEP và các loại tiền điện tử hiện có như bitcoin, theo Terry Liu, CEO của VoneChain Technology, một công ty tư vấn blockchain có trụ sở tại Thượng Hải.

Đầu tiên chính là sự khác nhau giữa nguồn giá trị cơ bản. Bitcoin và các loại tiền tệ tương tự được khai thác, có nghĩa là nguồn được phân cấp và kiểm soát bởi một thuật toán. Trong khi đó DCEP sẽ trở thành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, đại diện cho đồng tiền pháp định của Trung Quốc trên nền tảng blockchain. Mục tiêu của DCEP chính là thay thế tiền giấy đang lưu hành trên thị trường, với bản chất là 1 công cụ thanh toán.

Thứ hai, công nghệ cơ bản là khác nhau vì sổ cái blockchain của DCEP sẽ được kiểm soát bởi chính phủ và không được phân phối trên toàn hệ thống. Cuối cùng, nó được dự định hoạt động chính xác như một loại tiền tệ thông thường và được tích hợp trên toàn hệ thống thương mại. Do sổ cái được chính phủ nắm giữ và không được phân phối nên đồng DCEP trở nên thiết thực hơn khi được sử dụng trong các giao dịch hàng ngày.

"Hai nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn nhất trong nước, được điều hành bởi Ant Financial (một bộ phận của Alibaba) và Tencent, đã xử lý hàng nghìn tỷ USD mỗi quý. Với một đất nước đã rất quen với việc chi tiêu không dùng tiền mặt nhờ WeChat Pay và Alipay, người dân Trung Quốc sẽ không gặp nhiều khó khăn với một hình thức thanh toán kỹ thuật số khác", theo ông Chloé Reuter, đối tác sáng lập của Reuter Communications, một cơ quan tiếp thị có trụ sở tại Thượng Hải.

Ông Jingyang, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Trung Quốc về bitcoin đã lưu ý rằng: "Chính phủ luôn nắm quyền kiểm soát việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Giống như họ đã xây dựng các cảng và đường sắt, giờ đây, họ đang chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết cho sự phát triển trong tương lai".

Chính phủ Trung Quốc đã bắt buộc tất cả các nhà giao dịch đang chấp nhận việc thanh toán kỹ thuật số (thông qua Apple Pay, AliPay và WeChat) phải chấp nhận đồng DCEP. Điều này sẽ làm cho DCEP trở thành loại tiền kỹ thuật số được chấp nhận nhiều nhất trên thế giới.

Do việc sử dụng rộng rãi điện thoại Huawei tại Trung Quốc và công ty có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ, Huawei được đồn đại là bên đầu tiên sử dụng đồng DCEP. Hình ảnh rò rỉ mới của ứng dụng Huawei Pay cho thấy các kết nối trực tiếp đến các ngân hàng Trung Quốc đồng thời tích hợp khả năng rút tiền DCEP. Tương tự như Huawei, công ty đối thủ Tencent cũng tuyên bố họ sẽ hỗ trợ DCEP trên nền tảng thanh toán WeChat.

Bitcoin hoặc ethereum đang trái ngược với phương thức của các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính tại nước này. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã kiên quyết tìm cách ngăn chặn tiền điện tử trong nước thông qua luật cấm các dịch vụ trao đổi. Năm ngoái, chính phủ nước này đã chuyển sang cấm các hình thức khai thác tiền điện tử trong bối cảnh 70% bitcoin trên thế giới đã được khai thác tại Trung Quốc.

Đồng DCEP cho phép Trung Quốc đẩy mạnh vào kỷ nguyên số, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát các công cụ tài chính của mình. Ông Mu Changchun, thuộc ngân hàng trung ương, đã tuyên bố rõ ràng rằng động lực để ngân hàng sản xuất DCEP chính là để bảo vệ chủ quyền tiền tệ và ngăn chặn tình trạng giao dịch tiền tệ bất hợp pháp.

Một lý do quan trọng hơn chính là việc các tiến bộ công nghệ sẽ khiến họ không thể duy trì hiện trạng như bây giờ. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đẩy mạnh phát triển đồng tiền số quốc gia sau khi Facebook thông báo về dự án Libra - đồng tiền số được dự đoán là có thể thay thế đồng USD.

Libra hiện gặp phải rất nhiều khó khăn về pháp lý và khiến các cơ quan quản lý hoài nghi. Nhưng nếu đồng Libra được phát hành rộng rãi, chắc chắn sẽ xuất hiện nhu cầu đối với những đồng tiền số được chấp nhận trên nhiều quốc gia, có giá trị ổn định. Nếu không phải Mark Zuckerberg thì cuối cùng cũng sẽ có một ai đó ở thung lũng Silicon thành công, qua đó làm lung lay quyền lực của các ngân hàng trung ương.

Ngoài ra, động thái này cũng một phần là do cuộc chiến thương mại đang kéo dài hơn 2 năm. Trung Quốc đang cố gắng tách rời khỏi hệ thống tài chính được thống trị bằng đồng USD. "Khi chúng tôi giao dịch với Philippines, và chúng tôi sử dụng hệ thống tài chính thông thường, cả hai bên đều phải chuyển đổi thành USD. Và tất nhiên, nước Mỹ sẽ là bên được hưởng lợi từ giao dịch đó", cựu thành viên của NDRC nói.

Khi Trung Quốc mở rộng giao dịch thương mại trên toàn cầu như một phần của ​​kế hoạch vành đai và con đường, DCEP có tiềm năng để Trung Quốc thực hiện quyền tự chủ tài chính quan trọng và ít tiếp xúc với Mỹ. Động thái của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng sẽ giúp họ định hình các loại tiền kỹ thuật số trong tương lai.

Nguồn Nhà đầu tư: https://nhadautu.vn/dong-dcep-va-tham-vong-cua-trung-quoc-tren-thi-truong-tien-ky-thuat-so-d33717.html