Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Động thái mới từ Trung Quốc, Việt Nam buộc phải đổi cách chơi

10/05/2019 09:01

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc quý 1/2019 giảm 6,3% so cùng kỳ năm ngoái do chỉ được xuất khẩu chính ngạch. Chưa kể, hải quan nước này còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định.

Cửa xuất khẩu sang thị trường số 1 hẹp dần

Mấy năm gần đây, rau quả xuất khẩu là một trong những nhóm mặt hàng bứt phá mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, 2018 được xem là năm xuất khẩu rau quả thành công với kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 4 tỷ USD.

Thế nhưng, những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả Việt Nam lại không mấy khả quan, đặc biệt là xuất sang thị trường Trung Quốc.

Giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm nay ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong ba tháng trước đó với 71,7% thị phần, song, giá trị kim ngạch chỉ đạt 680 triệu USD, giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Động thái mới từ Trung Quốc, Việt Nam buộc phải đổi cách chơi
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng khó khăn do thị trường này tăng cường các rào cản kỹ thuật

Theo Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả chỉ đạt trên 585 triệu USD, giảm tới 9,7% so với cùng kỳ 2018.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng xuất khẩu rau quả hai tháng đầu năm sụt giảm mạnh do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và cũng là thời gian thu hoạch nhiều loại trái cây tại Trung Quốc như thanh long, dưa hấu.

Bên cạnh đó còn gặp khó khi thị trường chiếm trên 74% thị phần là Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng. Rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Hải quan nước này còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây.

Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, Trung Quốc thay đổi hàng loạt quy định đối với hoa quả xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường này.

Ví như, quy định phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng - có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.

Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.

Ngoài thị trường chính Trung Quốc, một số thị trường quan trọng ở Đông Nam Á cũng giảm mạnh như Malaysia giảm 52% (đạt gần 8,42 triệu USD) và Thái Lan giảm 31,8% (đạt 12,36 triệu USD) so với cùng kỳ. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu quý I/2019 của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Theo nhận định Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của xuất khẩu rau quả trong tháng 3, nhất là nửa cuối của tháng, đã giúp cho xuất khẩu rau quả trong quý I không còn trong tình trạng ảm đạm, là một tín hiệu vui khi mà hai tháng đầu năm đều tăng trưởng âm. Nhờ vậy, trong cả quý I, xuất khẩu rau quả đã đạt gần 948,9 triệu USD, chỉ còn giảm nhẹ 2,1% so cùng kỳ năm ngoái.

Động thái mới từ Trung Quốc, Việt Nam buộc phải đổi cách chơi
Dưa hấu là 1 trong 8 loại trái cây được xuất chính ngày vào Trung Quốc

Kỳ vọng vào thị trường khó tính Mỹ, Úc

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, trong khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á bị giảm sút đáng kể, thì lại tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường khó tính.

Cụ thể, trong quý 1, xuất khẩu rau quả sang Úc tăng 54,4% và đạt 9,5 triệu USD; UAE tăng 47,2%, đạt 10,5 triệu USD; Hàn Quốc tăng 30,9%, đạt 31,3 triệu USD; Hà Lan tăng 25,9%, đạt 16,6 triệu USD; Mỹ tăng 10%, đạt 31,7 triệu USD,...

Điều này cho thấy khả năng tiếp cận các thị trường khó tính của rau quả Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt gần đây nhất, sáng 18/4, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ.

Trái xoài Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới như: châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand,... Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.

Những năm qua, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới nhờ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và sự tham gia của doanh nghiệp dần dần vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nói về thị trường Trung Quốc tại hội thảo "Cập nhật thông tin thị trường và phát triển xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường Trung Quốc" diễn ra cuối tháng 2, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa nhận định, trong tương lai những quy định từ phía Trung Quốc ngày một khó khăn.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc. Cần phải thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm: từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Đồng thời, nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn.

Hiện mới chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm: xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, còn đa phần các mặt hàng rau quả khác đều xuất theo đường biên mậu.

Bốn tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi tới 649 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau giá trị nhập khẩu ước đạt 150 triệu USD, tăng 43,2% và mặt hàng quả đạt 483 triệu USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Vietnamnet