Dù ai nói ngả nói nghiêng, HOSE vẫn nghẽn lệnh phiên buổi chiều

10/03/2021 09:28

Tình trạng chật vật kéo dài từ 3 tháng nay nên nhiều nhà đầu tư tỏ ra mệt mỏi. "Đầu tư phải bình tĩnh, nhưng tình trạng này hệ thống không cho chúng tôi bình tĩnh. Nhiều khi bảng giá còn bị lỗi hiển thị, mua bán trong tình cảnh mù mịt", anh Minh Hoàng (nhà đầu tư) bức xúc.

Ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT, đứng) quyết tâm gỡ nghẽn cho HOSE, tại buổi làm việc với Bộ Tài chính ngày 9-3- Ảnh: SSC

'Dù ai nói ngả nói nghiêng, HOSE vẫn nghẽn lệnh phiên buổi chiều' - đó là câu cảm thán của một nhà đầu tư khi chứng kiến tình trạng nghẽn lệnh tái diễn trên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 9-3.

Cùng ngày, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án.

Thời hớt hải mua bán cổ phiếu

Ngay từ đầu phiên giao dịch sáng 9-3, hệ thống xử lý lệnh mua bán trên sàn HOSE lại diễn ra "chập chờn", bảng điện liên tục bị "đơ", chiều lệnh cũng đi nhỏ giọt, khó khớp.

"Đầu phiên bảng giá bị lỗi, hệ thống giao dịch chậm, mọi người thận trọng đặt lệnh" - một môi giới của công ty chứng khoán có vốn ngoại gửi tin nhắc nhở nhà đầu tư.

Với tâm lý sợ "chợ" chứng khoán bị "treo" nghỉ sớm vào buổi chiều nên nhà đầu tư dồn dập giao dịch nhanh. Chốt phiên 9-3, thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 15.133 tỉ đồng, trong đó phiên sáng đóng góp tới 76%.

Tình trạng chật vật kéo dài từ 3 tháng nay nên nhiều nhà đầu tư tỏ ra mệt mỏi. "Đầu tư phải bình tĩnh, nhưng tình trạng này hệ thống không cho chúng tôi bình tĩnh. Nhiều khi bảng giá còn bị lỗi hiển thị, mua bán trong tình cảnh mù mịt", anh Minh Hoàng (nhà đầu tư) bức xúc.

Mất 3-4 tháng để xử lý dứt điểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chiều 9-3 đã có cuộc làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Ông Dũng nhấn mạnh tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm.

Về giải pháp, tại cuộc họp, Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT đã đồng thuận xem xét lựa chọn việc áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại HOSE. Dự kiến mất từ 3-4 tháng để triển khai và hoàn thiện, để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh.

Ông Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và các sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với Tập đoàn FPT để triển khai phương án. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Riêng về giải pháp mà HOSE nghiên cứu nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000, ông Dũng khẳng định trước mắt không áp dụng. Nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.

Lỗi lớn, trách nhiệm nhỏ?

Một số nhà đầu tư bức xúc cho rằng việc chậm trễ xử lý nghẽn giao dịch trên HOSE cần truy trách nhiệm, có hay không việc thiếu quyết liệt và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho nhà đầu tư và thị trường nói chung.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định việc nghẽn lệnh là lỗi rất lớn của HOSE và cả Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Ngay từ ban đầu thành lập, Chính phủ quan tâm, duyệt vốn đầu tư lớn, nhờ đó HOSE có trụ sở lớn và dư để cho thuê văn phòng.

Khách hàng trả tiền phí để được sử dụng hạ tầng nhưng hiện chưa được hưởng quyền lợi xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.

"Các sở giao dịch chứng khoán của thế giới hoạt động theo tính thị trường rất cao. Cũng như các công ty cung cấp dịch vụ khác, họ phản ứng nhanh và nỗ lực giải quyết sự cố. Tuy nhiên, qua giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 cũng như tình trạng yếu kém của hệ thống giao dịch, dường như HOSE không thấy việc nghẽn lệnh là trách nhiệm của họ trong việc đầu tư hạ tầng công nghệ mà là lỗi của khách hàng? Dù gì, họ luôn thu tiền đều đặn và lãi lớn từ phí do các nhà đầu tư, công ty chứng khoán..." - ông Hiển nói.

9 tỉ/phiên

Đó là số tiền HOSE có thể thu phí giao dịch mua bán. Theo quy định, khi giao dịch nhà đầu tư sẽ phải trả phí cố định 0,03% cho sở giao dịch. Thanh khoản gần đây ở HOSE liên tục trên 15.000 tỉ đồng.

Thất thoát ngân sách nếu liên tục nghẽn lệnh

Đến nay HOSE chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2020 và quý 1-2021, tuy nhiên theo báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2020 đơn vị này đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ lên đến 382 tỉ đồng.

Vì chỉ phải bỏ ra giá vốn 31 tỉ đồng chi phí cho hoạt động giao dịch, niêm yết... nên HOSE có lợi nhuận gộp đến gần 351 tỉ đồng (biên lãi gộp 92%), tức 1 đồng vốn bỏ ra thì thu về hơn 11,3 đồng... Chi phí quản lý doanh nghiệp của đơn vị này tăng gần 7%, lên gần 118 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2018 và 2019, HOSE cũng lần lượt đạt lợi nhuận 522 tỉ đồng và 379 tỉ đồng, trong đó giữ lại 1/3 lợi nhuận trích lập vào các quỹ đầu tư phát triển, khen thưởng, phúc lợi..., 2/3 còn lại nộp ngân sách.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh như hiện nay, nhiều khả năng thanh khoản sàn HOSE đạt trên 20.000 tỉ đồng/phiên, Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn, HOSE cũng có thể thu về tới khoảng 2.700 tỉ đồng tiền phí/năm.

Theo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/du-ai-noi-nga-noi-nghieng-hose-van-nghen-lenh-phien-buoi-chieu-20210310082258282.htm