Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có thể bị nhà thầu nước ngoài kiện ra toà

29/10/2021 07:35

Nhà thầu nước ngoài (Liên danh Hyundai - Ghella) thi công ga ngầm và đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa mới cho biết, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang gặp phải một số khó khăn do các nhà thầu nước ngoài khiếu nại yêu cầu bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng thi công, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiệt hại cho nhà thầu.

Tính từ năm 2018 đến nay, nhà thầu nước ngoài (Liên danh Hyundai - Ghella) thi công ga ngầm và đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, MRB cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công.

"Nhà thầu đã gửi văn bản lên Trọng tài quốc tế. Đây là con số đơn phương nhà thầu đưa ra, còn giá trị thiệt hại thực tế cần phải được chứng minh", đại diện MRB cho biết.

base64-16354221468971917907631-1635467621.png
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bị chậm tiến độ chạy tàu so với kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Chương

Tính đến 30/8/2021, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội gặp chậm trễ, vướng mắc về GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, chậm trễ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi khoan tuyến hầm từ 1 - 6 năm.

Đến nay, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella tạm dừng thi công gói thầu ga ngầm và tuyến đi ngầm do vướng mắc về mặt bằng. Điển hình, tại ga ngầm S11 phát sinh trường hợp căn hộ tầng 2 tại số nhà 23 Quốc Tử Giám không thuộc phạm vi GPMB nhưng quá trình thi công gây nứt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nên phải dừng thi công.

Bên cạnh đó, phía trên tuyến đường hầm có các tòa nhà, khi máy đào hầm hoạt động sẽ gây ảnh hưởng nên cần có chính sách để di cư tạm thời. Đây là phát sinh vướng mắc trong công tác giải phóng mặt nhưng đến nay đang chờ cơ chế, chính sách để giải quyết.

base64-1635422073782848593608-1635467621.png
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang vận hành thử tàu. Ảnh: Nguyễn Chương

Theo MRB, hiện UBND TP. Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại, đòi bồi thường 114,7 triệu USD của nhà thầu gói ga ngầm và tuyến hầm.

Bên cạnh đó, TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.

Cũng theo MRB, bước giải quyết ban đầu là thành lập Ban giải quyết tranh chấp, MRB đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của hợp đồng. Trường hợp hòa giải không thành thì sẽ phải giải quyết tại tòa Trọng tài quốc tế.

Theo Thế Anh/Etime