Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Dưa hấu ế dồn đống, 1.000 đồng/kg vừa bán vừa khóc

04/02/2020 09:34

Chưa giải quyết được tình trạng trái thanh long rớt giá thảm vì 'tắc đường' sang Trung Quốc do dịch corona thì nay bà con trồng dưa hấu ở Tây Nguyên cũng khóc ròng khi giá dưa giảm còn 1.000 đồng/kg vẫn không có người mua.

Chưa giải quyết được tình trạng trái thanh long rớt giá thảm vì 'tắc đường' sang Trung Quốc do dịch corona thì nay bà con trồng dưa hấu ở Tây Nguyên cũng khóc ròng khi giá dưa giảm còn 1.000 đồng/kg vẫn không có người mua.

Dưa hấu rớt giá thảm

Chiều 2/2, chia sẻ với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Đức Giang - một thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở Gia Lai để xuất khẩu sang Trung Quốc - cho biết, giá dưa hấu đang giảm rất mạnh do không xuất được sang Trung Quốc.

Năm trước, giá dưa vụ này bà con bán được khoảng 7.000-9.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá dưa thu mua tại nhà vườn ở Gia Lai chỉ ở mức 800-1.000 đồng/kg, nếu tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động từ 1.300-1.800 đồng/kg, tùy loại. Thương lái thu mua dưa bán ra các tỉnh phía Bắc cũng chỉ được 3.000-4.500 đồng/kg.

“Dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai đang vào chính vụ thu hoạch. Như vụ này năm ngoái tôi xuất sang Trung Quốc khoảng trên 5.000 tấn dưa hấu, song thời điểm này do dịch corona, Trung Quốc tạm đóng biên nên thương lái bọn tôi không xuất được hàng khiến giá dưa giảm mạnh”, anh Giang nói.

Dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai, đang rớt giá thảm do ảnh hưởng từ dịch virus corona

Với mức giá trên, bà con nông dân trồng dưa đang khóc ròng vì thua lỗ nặng. Anh Tuấn cho biết, 1ha dưa hấu chi phí trồng hết khoảng 160 triệu đồng, sản lượng thu 40 tấn. Với giá bán chỉ 8.000-1.000 đồng/kg, bà con nông dân lỗ trên 100 triệu đồng/ha.

“Dưa ở những tỉnh này trồng chủ yếu để xuất khẩu đi Trung Quốc. Giờ chỉ tiêu thụ được ở thị trường nội địa dẫn đến thừa cung, giá giảm. Lượng tiêu thụ cũng rất chậm”, anh nói thêm.

Ông Hoàng, một người trồng 3ha dưa ở Kon Tum, than thở, so với năm ngoái, dưa đầu năm ông bán ra "rẻ như cho", chỉ 1.000-1.200 đồng/kg. Với mức giá này, vụ dưa đầu xuân ông phải chịu thua lỗ cả trăm triệu đồng.

Một thương lái lớn thu mua dưa hấu xuất khẩu ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), cho hay, mùng 2 Tết Nguyên đán ông đánh mấy container dưa hấu lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc. Song, đi được hơn nửa đường, ông nhận được thông tin từ bạn hàng bên kia thông báo Trung Quốc tạm đóng biên phòng dịch corona. Do đó, ông phải đưa toàn bộ số dưa này về nội địa tiêu thụ, bán đổ bán tháo ở các tỉnh phía Bắc với giá chỉ 3.000 đồng/kg nên lỗ nặng.

Thực tế, tại Hà Nội những ngày gần đây, hàng chục tấn dưa hấu chất đống trên vỉa hè và được bán với giá chỉ 8.000 đồng/kg. Dưa không xuất được đi Trung Quốc nên phải đổ đống bán vỉa hè để thu hồi vốn.

Nông dân trồng dưa lỗ 100 triệu đồng/ha. Dưa bán chậm, thương lái phải đổ đống trên vỉa hè bán giá rẻ

Bộ Nông nghiệp sẽ họp khẩn

Trước sức ép tiêu thụ hàng vạn tấn thanh long tại các tỉnh Long An, Bình Thuận, Tiền Giang cũng như tình trạng dưa hấu ở Tây Nguyên và nhiều loại nông sản khác đang giảm giá do “tắc đường” sang Trung Quốc, chiều 3/2, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Bộ Công Thương họp sẽ họp khẩn với lãnh đạo 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bàn giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung ứng phó với dịch viêm phổi do virus corona.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo về xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra kéo dài.

Trao đổi nhanh với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, Cục Xuất nhập khẩu được biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết 8/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mở cửa vào ngày 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Một lãnh đạo kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn cho biết, Tết Nguyên đán những năm trước, cửa khẩu vẫn mở để hàng hóa nông sản làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc. Song, năm nay do phòng chống dịch do virus corona gây ra nên phía Trung Quốc tạm thời dừng thông quan. Vì thế, hơn 100 xe thanh long xuất sang Trung Quốc tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Tương tự, khoảng 150 xe thanh long đang ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai chưa được thông quan, một số xe dưa hấu đã quay đầu để tiêu thụ nội địa.

Bảo Phương

Bình Định: Dưa hấu 1.000 đồng/kg tràn vỉa hè

Ngày 2/2, ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định), cho biết có hơn 100 hộ dân thuê đất để trồng dưa hấu ở tỉnh Gia Lai để xuất khẩu qua Trung Quốc. Đến thời điểm này, dưa hấu đến độ thu hoạch nhưng tắc đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch cúm corona. Để giải quyết bớt lượng dưa đang tồn ứ, nông dân phải thuê xe chở đến nhiều điểm trong tỉnh Bình Định và Gia Lai để bán lẻ nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tại khu vực Bến xe Ngựa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định, hàng chục tấn dưa hấu trên các xe tải chuyên chở, tập kết thành điểm lớn để bán lẻ.

35 tấn dưa hấu của ông Thành đang ùn ứ chưa biết giải quyết bằng cách nào. Ảnh: An Nguyên

Vừa ăn cơm vừa ngóng người tiêu dùng tới mua dưa hấu, ông Nguyễn Tấn Thành, nông dân trồng dưa hấu xã Bình Nghi, cho biết: “Tôi thuê 1,5 ha đất ở tỉnh Gia Lai để trồng dưa hấu với giá 18 triệu đồng/năm. Toàn bộ số dưa này là thành quả trồng, chăm sóc suốt 3 tháng qua (từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2019). Vụ mùa lần này, sản lượng dưa đạt cao hơn nhiều so với các vụ khác, trái to và đẹp. Thế nhưng do ảnh hưởng bởi dịch cúm corona nên việc xuất khẩu ngưng trệ, thương lái ép giá”.

Theo ông Thành, mọi năm thương lái vào tận vườn thu mua với giá 8.000 đồng/kg, chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc. Nhưng năm nay, thương lái trả 1.000 đồng/kg. Với 75 tấn dưa thu hoạch được, nếu bán giá này tôi sẽ thua lỗ nặng nề. Do đó, ông phải thuê xe, mặt bằng, người thu hoạch dưa,... tự bán để mong vớt vát lại chút ít.

Hiện nay, ngoài điểm tập kết bán dưa ở thị xã An Nhơn, ông Thành còn thuê xe chở dưa ra huyện Phù Cát, thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) để bán. Trung bình mỗi điểm ông bỏ 10 tấn dưa, bán lẻ với giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên dù áp dụng nhiều cách, nhưng ông Thành vẫn đang tồn 35 tấn dưa, chưa biết phải giải quyết bằng cách nào. “Tình hình dịch bệnh cúm corona cứ kéo dài, xuất khẩu ách tắt, bán lẻ chậm thì tôi buộc phải bán cho thương lái với giá 1.000 đồng/kg, chấp nhận thua lỗ”, ông Thành nói trong nước mắt.

An Nguyên

Theo VietnamNet