Gía nhiên liệu tăng cao, lỗ tỉ giá hối đoái, thị trường hàng không cạnh tranh khốc liệt là những rủi ro mà Vietnam Airlines cần phải tính đến sau khi chuyển niêm yết hơn 1,4 tỉ cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Ngoài lỗ tỉ giá 1.478 tỉ đồng, rủi ro còn đến từ giá nhiên liệu và các đối thủ cạnh tranh
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã đưa 1.418.290.847 cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn chứng khoán, với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hóa thị trường gần 57.600 tỉ đồng. Hiện tại, cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ trên 86% cổ phần chi phối tại doanh nghiệp.
Có thể nói, Vietnam Airlines là "ông lớn" cuối cùng của ngành hàng không đã "lộ diện" trên sàn chứng khoán sau những cái tên như Vietjet Air (mã VJC), ACV, SGN...Thương vụ niêm yết lần này cũng có quy mô lớn nhất kể từ đầu năm 2019. Khối lượng cổ phiếu niêm yết của Vietnam Airlines chỉ xếp thứ hai sau Vinhomes (mã VHM) vào thời điểm niêm yết một năm về trước.
Mặc dù các doanh nghiệp hàng không đều báo doanh thu khủng trong năm tài chính vừa qua và việc chuyển niêm yết lên sàn chứng khoán mở ra cơ hội cho Vietnam Airlines nâng cao uy tín, minh bạch thông tin, tăng tính thanh khoản của cổ phiếu và tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư mới nhưng rủi ro vẫn còn đó.
Đầu tiên, các đồng tiền chủ chốt (JPY, CNY, EUR, AUD,...) trong rổ tiền tệ của Vietnam Airlines có xu hướng mất giá từ 4%-5% vào nửa cuối năm 2018,do ảnh hưởng của các biến động kinh tế chính trị tại khu vực Châu Âu (Brexit), chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 ghi nhận Vietnam Airlines lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái gần 1.478 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với năm 2017.
Thị trường hàng không nội địa năm 2018 đạt 32,9 triệu lượt khách, tăng trưởng 6,9%, giảm đến 3% so với năm 2017, phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn bùng nổ (2013-2016)
Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho thấy doanh nghiệp nắm giữ 1.284,7 tỉ đồng giá trị quy đổi của nhiều loại ngoại tệ nằm ngoài bảng cân đối.
Ở thời điểm 31-12-2018, Vietnam Airlines có nợ thuê tài chính gốc ngoại tệ đạt giá trị gần 1,12 tỉ USD và các khoản vay ngắn hạn lẫn dài hạn có gốc ngoại tệ tại nhiều ngân hàng là 11.603 tỉ đồng trên tổng số 12.515 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 92,7%).
Bên cạnh tỉ giá, giá nhiên liệu là một trong những nguyên nhân chính tác động tới chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí, trung bình khoảng 27%).
Trong năm 2018, giá nhiên liệu có biến động mạnh, đạt mức đỉnh 92,99 USD/thùng và chỉ giảm trong 3 tháng cuối năm. Bình quân năm 2018 ở mức 85,1 USD/thùng, tăng 12,1 USD/thùng, tương đương với mức tăng 16% so với kế hoạch.
Thị trường hàng không nội địa năm 2018 đạt 32,9 triệu lượt khách, tăng trưởng 6,9%, giảm đến 3% so với năm 2017, phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn bùng nổ (2013-2016). Chưa kể mảng hàng không còn chứng kiến những đối thủ cạnh tranh mới ra đời (Bamboo Airways) và những đối thủ cũ đang tìm cách mở rộng thị phần (VietJet Air).
Không dừng lại ở đó, vấn đề lỗ kéo dài của hãng hàng không Jetstar Pacific, một công ty con do Vietnam Airlines sở hữu 68,85% cổ phần, cũng đòi hỏi Vietnam Airlines tính vào bài toán chiến lược.
Mãi đến năm 2018, theo thông tin từ Vietnam Airlines, "Jetstar Pacific tiếp tục quá trình tái cơ cấu, kinh doanh có lãi và đạt tổng doanh thu là 9.310 tỉ đồng"
Tối ưu hóa bằng nghiệp vụ SLB, tập trung phát triển đội tàu bay thân hẹp, định hướng trở thành hãng hàng không số
Đến cuối năm 2018, tổng số lượng tàu bay của VNA Group đạt 110 tàu, trong đó Vietnam Airlines khai thác 93 tàu. Để đảm bảo hiệu quả khai thác và đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ 4 sao, Vietnam Airlines định hướng tiếp tục tập trung phát triển đội tàu bay thân hẹp, giảm số lượng tàu bay 70 ghế và điều chỉnh số lượng tàu bay thân rộng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ đầu tư 50 tàu bay thân hẹp và các tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet). Đội tàu bay mới sẽ thay thế dần các tàu bay cũ hiện nay, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm chất lượng dịch vụ vượt trội.
Tổng tài sản của Vietnam Airlines tại thời điểm 31-12-2018 là 73.543 tỷ đồng, giảm 5.654 tỷ đồng so với năm 2017 (tương đương 7,1%). Xu hướng giảm tổng tài sản nằm trong định hướng quản trị nhằm tối ưu hóa nguồn lực, theo đó, Vietnam Airlines giảm tỷ lệ mua (sở hữu) máy bay mới, tăng tỷ lệ máy bay hoạt động theo hình thức bán và thuê lại (SLB).
Vietnam Airlines đã ký kết hợp tác với các công ty bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hàng đầu của Singapore và Pháp thông qua những gói thầu hàng trăm triệu USD
Trong năm 2018 Vietnam Airlines đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở rộng với tập đoàn Sabre. Thỏa thuận hợp tác sẽ nâng tầm phạm vi hoạt động của hệ thống Phục vụ hành khách Sabre (Passenger Service System - SabreSonic) mà Vietnam Airlines đang sử dụng.
Bên cạnh đó, hãng tiếp tục số hóa các tài liệu phục vụ công tác điều hành, khai thác bay, xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, thống nhất (Data Warehouse) trong toàn hệ thống.
Đồng thời triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng sinh trắc học (Biometric), khai thác dữ liệu lớn (Big Data) vào các lĩnh vực thương mại, điều hành khai thác, tự động hóa phục vụ khách hàng, nâng cao tính trải nghiệm của khách hàng.
Về công tác bảo dưỡng, nhằm duy trì chất lượng 4 sao, Vietnam Airlines đã ký kết hợp tác với các công ty bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hàng đầu của Singapore và Pháp thông qua những gói thầu hàng trăm triệu USD
Nhịp sống kinh tế