Đua nhau đưa ô tô điện về Việt Nam, thế khó nào ‘ngáng đường’ các hãng?
Xu thế xe điện ngày càng bùng nổ
Xe ô tô điện đang chứng tỏ được ưu thế trong ngành công nghiệp 4 bánh khi có được bước tăng trưởng nhảy vọt trong vài năm trở lại đây. Ngoài các hãng sản xuất ô tô lâu đời trên thế giới, nhiều “ông lớn” công nghệ như Apple, Xiaomi, Foxconn cũng bắt đầu tham gia vào thị trường này khiến xu hướng ô tô điện càng có triển vọng hơn bao giờ hết.
Báo cáo từ hãng phân tích thị trường Canalys cho biết, doanh số các loại ô tô chạy điện trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 đã tăng tới 160% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng cộng đã có 2,6 triệu xe điện, bao gồm cả xe hybrid sạc ngoài (PHEV) được bàn giao tới tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Trong báo cáo của Canalys, thị trường Trung Quốc và châu Âu là hai khu vực ưa chuộng ô tô điện nhất và chiếm tới 87% thị phần xe điện bốn bánh trên toàn cầu. Tính riêng tại đất nước đông dân nhất thế giới đã tiêu thụ tới 1,1 triệu xe trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, khu vực “lục địa già” tiêu thụ trên 1 triệu ô tô điện các loại, tương đương 15% xe mới bán ra.
Tesla đi trước ngành công nghiệp ô tô toàn cầu 5, 6 năm
Xét về chủng loại sản phẩm, báo cáo của Canalys cho biết hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Mush đứng đầu thị phần ô tô điện toàn cầu khi chiếm tỷ lệ 15%, tiếp đến là Volkswagen (13%) và SGMW - liên minh các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc chiếm 11%. BMW cũng đóng góp tới 6% thị phần.
Theo dự báo của BloombergNEF (BNEF), xu hướng ô tô điện sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới với doanh số dự kiến năm 2021 tăng 66%, cán mốc 5 triệu xe trên toàn cầu. Dự kiến đến năm 2028, con số này sẽ tiếp tục tăng và đạt mốc 30 triệu xe bán ra, tỷ trọng xe điện sẽ đạt 48% tổng số xe ô tô thương mại bán ra vào năm 2030.
Doanh số tăng trưởng mạnh liên tục như hiện nay được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phổ biến của các dòng ô tô điện, hướng tới mục tiêu 100% xe không phát thải (xe điện và lai điện) vào năm 2050.
Thị trường ô tô điện Việt Nam - mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá
Tại Việt Nam, VinFast là hãng xe đầu tiên đặt nền móng trong việc tạo ra xu hướng thay đổi quan niệm của người dùng từ việc chuyển đổi từ sử dụng xe ICE ( động cơ đốt trong) sang xe thuần điện.
Trước VinFast, tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản cũng từng có mong muốn đầu tư vào việc sản xuất, lắp ráp xe điện tại Việt Nam nhưng thời điểm đó, Chính phủ không có nhiều mặn mà ưu tiên cho việc phát triển xe điện bởi Nhà nước thấy sự quyết liệt của các hãng trong việc đưa xe điện vào Việt Nam chưa thực sự rõ ràng và mạnh mẽ.
Thậm chí, một “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam là Toyota Việt Nam cũng từng vận động hành lang cho việc phát triển xe hybrid từ lâu nhưng không đạt được kết quả. Thời điểm đó, trung bình mỗi tháng Toyota chỉ bán được vài trăm xe hybrid nên Chính phủ vẫn chưa thực sự mặn mà.
Mặc dù vậy, xu hướng xe điện ngày càng được định hình rõ ràng trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên chạy hoàn toàn bằng điện là VF e34 (chính thức ra mắt vào ngày 15/10 tới đây), cùng với đó là lộ trình giới thiệu thêm 3 mẫu xe điện hoàn toàn mới trong năm 2023.
Xe điện Kia EV6 bán ra tại Việt Nam từ quý II/2022
Nhận thấy tiềm năng béo bở ở phân khúc này, tháng 10/2020, Porsche Việt Nam nhanh tay mang về nước mẫu xe thuần điện Taycan với 3 phiên bản, giá từ 5,72 đến 9,55 tỷ đồng. Nhà phân phối cho biết hiện đã cho xây dựng một trạm sạc tại TP. HCM.
Audi Việt Nam cũng mang về mẫu xe Audi e-tron để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Hay như Nissan Việt Nam cũng “tham chiến” vào phân khúc này bằng việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mẫu crossover Nissan Ariya với tham vọng cạnh tranh VinFast VF e34 và VF e35.
Gần đây nhất, Thaco Trường Hải cũng rục rịch công bố về việc sẽ mở bán Kia EV6 - mẫu xe thuần điện (BEV) đầu tiên của thương hiệu Kia Hàn Quốc vào quý II/2022 tại thị trường Việt Nam.
"Ngọt nhưng khó xơi"
Dù được đánh giá giàu tiềm năng nhưng để khai thác hiệu quả mảng ô tô điện này không hề dễ dàng, kể cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trở ngại lớn nhất hiện nay đang thách thức các hãng xe khi mở bán xe điện tại Việt Nam đó là chưa có cơ sở hạ tầng, không có hệ thống các trạm sạc hay đổi pin rộng khắp. Chưa kể tới các vấn đề khác về công nghệ như sạc pin tốn thời gian và quãng đường di chuyển ngắn.
Hiện nay, mới chỉ có VinFast triển khai lắp đặt các hệ thống các trạm sạc trên toàn quốc, trong khi một số nhà phân phối (như Thaco Trường Hải) truyền thông mạnh mẽ về việc mở bán nhưng không thấy đề cập tới hệ thống trạm sạc.
Việc thiếu các hệ thống trạm sạc kéo theo hệ luỵ các xe điện sẽ chỉ di chuyển loanh quanh trong thành phố hoặc ra ngoại ô, chứ không thể di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hiện nay, quãng đường di chuyển sau mỗi lần sạc của xe điện chỉ rơi vào khoảng 300 đến 500 km. Đơn cử như VF e34 là 285 km, của Porsche Taycan là 460 km, Nissan Ariya là 450 km và của Kia EV6 là 516 km.
Một hệ thống sạc điện của VinFast
Câu hỏi đặt ra là nếu chẳng may xe hết điện thì làm cách nào có thể nạp điện để đi tiếp ngay lập tức. Với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, chỉ cần chủ động tìm một trạm nhiên liệu, chờ đợi vài phút tiếp nhiên liệu là xong. Nhưng với xe điện thì lại hoàn toàn khác. Khách hàng có thể phải chờ hàng giờ đồng hồ mới có thể sạc đủ điện để di chuyển.
Thêm vào đó, không dễ để có thể tìm được điểm sạc, nhất là ở những nơi không phải khu vực đông dân cư, trong khi xe xăng có thể tìm thấy cửa hàng nạp nhiên liệu ở khắp mọi nơi.
Ông Triệu Việt Phương, phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), cho hay các tiêu chuẩn quốc gia hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện ở các bộ phận chính như động cơ, ắc quy, pin nói chung mà chưa bao trùm hết được các yêu cầu phát sinh.
Trong đó, cấp thiết nhất đó là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc, bởi đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thuỳ Dương, giám đốc trung tâm phát triển trạm pin VinFast, cũng khẳng định với xe điện điều rất quan trọng là hạ tầng trạm sạc.
“Ngoài việc lập tức cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc thì các cơ quan chức năng cũng cần quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe,..”, bà Dương nói.
Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống trạm sạc đang là bài toán đau đầu nhất dành cho các hãng như Thaco, Nissan Việt Nam khi đang có ý định mở bán xe điện tại Việt Nam. Trong khi với VinFast, điều này có thể không đáng lo ngại.