Tôi ủng hộ ứng dụng công nghệ để kinh doanh, nhưng tôi cũng phản đối việc 'bán phá giá' vi phạm pháp luật cạnh tranh và thương mại.
Có thể bán rẻ, nhưng không thể “phá giá”
Đến nay, đa số ý kiến tôi đọc được về vụ Vinasun kiện Grab đều bênh Grab và cho rằng Vinasun kiện không có cơ sở, đang kéo lùi lịch sử. Lý do được đưa ra là Grab ứng dụng công nghệ nên rẻ hơn, chất lượng tốt, nhờ thế thu hút được khách hàng.
Trước tiên, cần khẳng định rằng, khởi kiện là quyền Hiến định mà Vinasun có thể sử dụng và là cách làm văn minh hơn rất nhiều so với chăng biểu ngữ ngoài đường. Kể cả khi yêu cầu của Vinasun là vô lý, không có cơ sở thì cũng phải tuyên dương họ chọn cách làm văn minh. Còn nếu Tòa án cho rằng họ sai, họ sẽ phải chịu án phí.
Còn về chuyện giá cước của Grab “rẻ hơn” thì cần cân nhắc kỹ. Trong nền kinh tế, việc một doanh nghiệp bán hàng rẻ hơn đối thủ cạnh tranh có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là chi phí kinh doanh của họ thấp hơn từ đó dẫn đến giá bán hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn. Nguyên nhân thứ hai là họ cố tình đưa ra giá thấp hơn đối thủ và thấp hơn cả chi phí kinh doanh của mình, với mục đích là để loại bỏ đối thủ, từ đó trở nên độc quyền trên thị trường (mà nhiều người gọi nôm na là bán phá giá).
Về chi phí kinh doanh, không thể phủ nhận việc Grab ứng dụng công nghệ nên có chi phí điều hành, hiệu quả sử dụng xe cao hơn so với taxi, nên họ có điều kiện để giảm giá mà taxi không thể làm được. Điều này không ai phủ nhận, kể cả các hãng taxi truyền thống.
Nhưng ngoài ra, chi phí kinh doanh của Grab cũng thấp hơn các hãng taxi do chi phí tuân thủ pháp luật của họ thấp hơn. Điều này có thể thấy rất rõ khi đọc các quy định quản lý taxi. Ví dụ, taxi phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; Taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; Taxi có niên hạn sử dụng xe ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; Taxi phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá phải báo trước 15 ngày; chứ không linh hoạt từng giây như Grab; số lượng xe taxi bị giới hạn bởi quy hoạch mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab; cách đây ít lâu taxi bị cấm đi vào một số tuyến đường còn Grab thì không, v.v…
Khi chi phí tuân thủ tốt hơn, Grab có điều kiện giảm giá sâu hơn mà các hãng taxi không thể làm được. Điều mà Nhà nước cần làm lúc này là gỡ bỏ các quy định đang cản trở taxi để họ giảm chi phí kinh doanh, từ đó có sự cạnh tranh bình đẳng và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Thực tế thì thời gian qua, khi sửa Nghị định 86, Vinasun đã vận động mạnh mẽ để không còn sự bất bình đẳng như trên đã liệt kê. Nhưng thay vì nên vận động Bộ GTVT gỡ bỏ rào cản cho mình, thì Vinasun lại đang vận động Bộ quàng thêm rào cản cho Grab. Có thể do Vinasun nhận thấy Bộ GTVT thích thêm rào cản hơn là bớt nên mới làm vậy.
Pháp luật thương mại cũng cấm hành vi khuyến mại quá mức. Pháp luật cạnh tranh cấm hành vi bán dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Pháp luật cạnh tranh cấm điều này không phải vì nhà làm luật cấm bán rẻ, hay lo cho các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên thị trường dẫn đến bị phá sản. ‘Bán phá giá’ sẽ chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong giai đoạn đầu, nhưng đến khi doanh nghiệp đó đã loại bỏ được đối thủ và trở nên độc quyền thì thiệt hại cho xã hội lớn hơn nhiều. Điều này thì bị cấm ở tất cả các nền kinh tế thị trường phát triển.
Trước khi sáp nhập với Uber, mức giá của Grab đưa ra thấp đến mức khó tin. Có rất nhiều cuốc xe tôi đi mà tiền cước chắc chắn không đủ để trả tiền xăng, chứ đừng nói gì đến trả thù lao cho tài xế, khấu hao xe, chi phí vận hành phần mềm, chi phí quảng cáo, marketing…
Grab liên tục báo lỗ tại Việt Nam. Khoản lỗ này không phải là tiền cho không người tiêu dùng Việt Nam, mà mục đích nhằm lôi kéo tối đa người tiêu dùng, nhanh chóng chiếm thị phần để từ đó vươn lên vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.
Vụ sáp nhập với Uber có thể xem là một thành công của Grab khi loại bỏ được một đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã có kết luận sơ bộ về việc thương vụ mua bán này vi phạm luật cạnh tranh. Chúng ta đang chờ kết luận cuối cùng của Cục. Cũng cùng thương vụ này ở Singapore, Chính phủ nước này đã phạt Grab gần 10 triệu đô la.
Như vậy, không thể bỏ qua nguy cơ rằng, yếu tố giá rẻ của Grab đến cả từ việc hãng này đang “bán phá giá”. Nếu điều này đúng, các hãng taxi có thể yêu cầu đòi bồi thường.
Cần lưu ý rằng, khi tính toán thiệt hại của các hãng taxi, cần bóc tách rõ ra được, phần thiệt hại nào đến từ hành vi vi phạm pháp luật thương mại-cạnh tranh, phần thiệt hại nào đến từ các nguyên nhân khác. Và các hãng taxi cũng chỉ được phép đòi phần thiệt hại đầu tiên.
Vấn đề của phiên tòa hiện nay là xác định xem Grab có hành vi cạnh tranh vi phạm pháp luật hay toàn bộ các hành vi cạnh tranh của họ đều đúng luật? Và nếu có hành vi cạnh tranh vi phạm pháp luật thì phần thiệt hại của Vinasun đến từ hành vi đó là bao nhiêu? (các thiệt hại từ những nguyên nhân khác không được tính vào)
Cá nhân tôi đánh giá, cơ hội thắng của Vinasun không cao. Về nguyên tắc, khi đòi bồi thường Vinasun phải chứng minh được 3 yếu tố: (1) hành vi của Grab là vi phạm pháp luật; (2) Vinasun chịu thiệt hại; và (3) có quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab và thiệt hại của Vinasun. Theo dõi qua báo chí, tôi thấy lập luận của Vinasun ở các yếu tố này chưa thực sự thuyết phục, hoặc cũng có thể do báo chí tường thuật chưa rõ.
Công nghệ quan trọng, nhưng đừng “mờ mắt”
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Tòa án yêu cầu Grab bồi thường thì sẽ làm chậm việc Việt Nam bắt kịp con tàu công nghệ.
Tôi cho rằng chưa thể khẳng định điều này.
Nếu phán quyết của tòa án không nêu rõ về hành vi vi phạm của Grab hoặc Tòa án coi những hành vi hợp lý của Grab (như ứng dụng công nghệ) là vi phạm thì sẽ là tín hiệu rất xấu đối với các doanh nghiệp khác.
Nhưng nếu phán quyết của tòa án nêu rõ và chính xác những hành vi vi phạm của Grab (như khuyến mại quá mức Luật Thương mại, bán giá quá thấp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh…) thì nó sẽ là tín hiệu tốt. Lúc này các doanh nghiệp khác nhìn vào sẽ hiểu rằng, chỉ những hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý, còn hành vi ứng dụng công nghệ để kinh doanh thì được khuyến khích.
Đừng nghĩ rằng, và đừng làm điều gì khiến phải nghĩ rằng Việt Nam đang đánh đuổi doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Việt Nam vẫn khuyến khích họ, chỉ điều chỉnh hành vi của họ sao cho phù hợp hơn mà thôi.
Nhiều người nói Vinasun mà thắng kiện thì báo giấy kiện báo điện tử, truyền hình kiện internet, trâu kiện máy cày… Lập luận này rất buồn cười.
Đầu tiên vẫn phải nói, kiện là quyền của báo giấy, của truyền hình và của trâu, nếu họ sẵn sàng mất án phí khi thua. Tiếp theo, nếu báo điện tử, internet, máy cày thắng trên thương trường thuần túy vì họ có ưu điểm về công nghệ, về sự thuận tiện, về chi phí thấp thì họ không việc gì phải sợ. Nhưng nếu họ tiêu diệt đối thủ bằng những thủ đoạn kinh doanh như gièm pha, bán phá giá… thì họ vẫn xứng đáng bị xử lý.
Việc ứng dụng công nghệ hiện nay là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta cũng không nên mờ mắt vì những thứ công nghệ hào nhoáng. Vẫn luôn phải tỉnh táo quan sát, nếu có những thủ đoạn kinh doanh xấu “bám càng” công nghệ đi vào thực tiễn thì cần phải xử lý để lọc bỏ.
Đây là việc khó, từ chỗ phải nhìn ra được, cho đến chỗ phải định vị được và bóc tách được các hành vi xấu đòi hỏi trình độ quản lý xã hội cao, cần nhiều kiến thức pháp lý, kinh tế. Nhưng thận trọng không bao giờ là thừa.
Tôi ủng hộ Grab ứng dụng công nghệ, cũng ủng hộ cả Vinasun, Mai Linh hay nhiều hãng khác sử dụng công nghệ để kinh doanh. Nhưng tôi phản đối những quy định quản lý kinh doanh mang tính trói buộc của Nhà nước, và cũng phản đối việc “bán phá giá” nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, vi phạm Luật cạnh tranh.
Theo Vietnamnet