Nếu không hiểu rõ về bản chất của thiền định, dù bạn có thực hành bao nhiêu cũng vô ích.
Thiền định được coi là một trong những liệu pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính, stress và lo âu. Nhiều người cho biết, sức khỏe của họ đã được cải thiện rõ rệt sau khi tập thiền. Ngay cả những người thành công như Barack Obama, Mark Zuckerberg, Oprah Winfrey,... cũng dành chút thời gian ít ỏi của mình để tập thiền.
Tuy nhiên, tập thiền không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Rất nhiều người tập thiền theo xu hướng mà không hiểu rõ, thậm chí còn có những quan niệm hết sức sai lầm về mục đích của thiền định. Dưới đây là những lầm tưởng về thiền định mà chúng ta vẫn luôn mắc phải.
4 quan niệm sai lầm về thiền định
Thiền định không phải là thư giãn
Thiền định chánh niệm có nguồn gốc từ phương Đông. Đây là cách để chúng ta hướng sự chú ý và nhận thức của mình vào trong hiện tại. Thiền định nhắc nhở chúng ta biết hiện diện trong thực tại ngay cả khi tâm trí đang trôi dạt khắp nơi. Nó giúp ta phân biệt những hành vi có ích với những hành vi xấu xa.
Trái ngược với quan niệm của nhiều người, thiền định chánh niệm không phải là cách để thư giãn hay kiểm soát cảm xúc. Trong quá trình thực hành, bạn sẽ trải nghiệm những suy nghĩ, cảm xúc không mấy dễ chịu. Nhưng bù lại, bạn cũng sẽ biết thêm những khía cạnh bất ổn và đáng ngạc nhiên về bản thân mình.
Đôi lúc, bạn có thể cảm thấy thư giãn và thoải mái khi thực hành. Tuy nhiên, điều này không xảy ra thường xuyên và không phải là mục đích chính của việc tập thiền.
Thiền định không phải giải pháp nhanh
Những vấn đề đã tồn tại trong nhiều tuần, nhiều tháng, hay nhiều năm không thể tan biến được chỉ sau một đêm. Bởi lẽ, thay đổi hành vi là một nhiệm vụ cực kỳ khó. Muốn thay đổi thói quen xấu, cải thiện mối quan hệ bất ổn, hay dẹp bỏ lo lắng, ta phải biết bỏ ra vô số thời gian và công sức.
Theo huấn luyện viên Timothea Goddard - chuyên gia về giảm thiểu căng thẳng bằng thiền định ở Australia - tập thiền 1 tiếng/ngày là một việc khá đòi hỏi. Thế nhưng, nếu người tập đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, bỏ ra từng này thời gian là điều rất cần thiết.
Cô cũng cho biết, tập thiền thật ra không khác gì tập thể thao. Việc duy trì thói quen thiền định đều đặn sẽ giúp cuộc sống thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Hiện tại, chúng ta chưa biết tần suất và cường độ tập thiền bao lâu là đủ. Thế nhưng, có một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là thiền định không phải là giải pháp có thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Thiền định không phải là lối thoát
Nhiều người nghĩ rằng, thiền định chánh niệm giống như đi du lịch biển. Chỉ cần tập thiền, bạn có thể bỏ lại mọi căng thẳng, áp lực và deadline ở đằng sau. Thế nhưng, đây là một quan niệm vô cùng sai lầm.
Thực hành thiền giúp bạn nhận thức được các vấn đề quan trọng xung quanh mình. Thông thường, thiền định sẽ bắt con người đối mặt với những tổn thương về thể chất và tinh thần mà chúng ta vẫn luôn luôn lảng tránh.
Sam - một người tham gia chương trình “Thử nghiệm thiền định” của đài ABC (Australia) - cho biết: “Tôi muốn quên đi những trải nghiệm đau thương, chứ không phải tập trung vào chúng.”
Thiền định không phải là lối thoát để mọi người chạy trốn thực tại. Nó thật ra là một phương pháp để khám phá nỗi đau và khó khăn, giúp chúng ta học cách chấp nhận, tò mò và cân bằng cảm xúc.
Thiền định không phải là liều thuốc chữa bách bệnh
Đa phần mọi người đều tin rằng tập thiền có thể chữa khỏi mọi bệnh tật. Tuy nhiên, không phải trong tình huống nào thiền định cũng phát huy tác dụng.
Nếu bạn thực hành thiền để chữa các rối loạn tâm lý hay các bệnh về thể chất, hãy bàn với các chuyên gia y tế trước. Tập thiền không thể thay thế các loại thuốc thông thường.
Những điều cần tìm hiểu trước khi tập thiền
Thiền định có phù hợp với bạn không?
Hãy tham khảo ý kiến của huấn luyện viên dạy thiền trước khi bắt đầu. Họ sẽ cho bạn biết liệu thiền định có dành cho bạn hay không, và đâu là phương pháp phù hợp nhất để giúp bạn.
Thiền định không phải liệu pháp dành cho tất cả mọi người. Muốn thiền đúng cách, bạn cần phải biết tập trung trước và sau quá trình thực hành. Bên cạnh việc thực hành thiền, bạn cũng phải tự điều chỉnh bản thân để liệu pháp này phát huy được tác dụng.
Ai là người thiết kế ra khóa học tập thiền này?
Đây có vẻ là một câu hỏi lạ, bởi vì các bệnh nhân phẫu thuật hay các khách hàng trị liệu vẫn hồi phục tốt mà không cần biết tới người đứng đằng sau phương pháp mà họ sử dụng. Tuy nhiên, không giống các liệu pháp y học, thiền định không được giám sát bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào.
Do đó, hãy xem xét kỹ nội dung của khóa tập thiền. Bạn phải chắc chắn rằng khóa học và huấn luyện viên sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Điều này còn quan trọng hơn nếu bạn tập thiền theo các ứng dụng trên nền tảng di động. Rất ít ứng dụng trên đó được chứng minh bằng khoa học.
Huấn luyện viên của bạn có thường xuyên thực hành thiền không?
Những huấn luyện viên không tập thiền thường xuyên sẽ cảm thấy khó khăn khi dạy người khác.
Để trở thành huấn luyện viên dạy thiền, bạn cần phải trải qua một quá trình đào tạo, giám sát và thực hành nghiêm ngặt. Điều này sẽ giúp các huấn luyện viên hướng dẫn học viên một cách dễ dàng hơn.
theo The Conversation/ Trí thức trẻ