EU thông qua loạt trừng phạt mới đối với Nga, gồm cấm đầu tư vào năng lượng

16/03/2022 06:56

Ngày 15-3, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua một loạt biện pháp trừng phạt với Nga vì vai trò của nước này trong chiến sự ở Ukraine.

2022-03-14t005948z154570236rc202t9co918rtrmadp3economy-eurozone-fiscal-1647336439061785096127-1647388500.jpg
Cờ Liên minh châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm các lệnh cấm đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ tới Nga và nhập khẩu các sản phẩm thép từ Nga.

EU cũng đóng băng tài sản của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ Chính phủ Nga, bao gồm chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, tỉ phú Roman Abramovich.

Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực ngay khi tạp chí chính thức của EU xuất bản trong ngày 15-3.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ đặt ra "một lệnh cấm sâu rộng đối với đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng của Nga".

Một nguồn tin EU nói với Reuters rằng biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến các công ty khai thác dầu mỏ lớn của Nga như Rosneft, Transneft và Gazprom Neft. Song, các thành viên EU vẫn có thể mua dầu và khí đốt từ họ.

Đại diện từ phía EU cho biết họ sẽ có lệnh cấm hoàn toàn việc giao dịch với một số doanh nghiệp nhà nước của Nga có liên quan đến khối công nghiệp - quân sự của Điện Kremlin.

EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp trừng phạt mới vào hôm 14-3 mà không vấp phải sự phản đối nào trước thời hạn đã thống nhất.

EC cho biết lệnh cấm nhập khẩu thép của Nga ước tính sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trị giá 3,3 tỉ euro (khoảng 3,6 tỉ USD).

Bên cạnh đó, các công ty EU không được phép xuất khẩu bất kỳ hàng hóa xa xỉ nào trị giá hơn 300 euro, bao gồm cả đồ trang sức. Việc xuất khẩu ô tô có giá trên 50.000 euro cũng sẽ bị cấm.

Loạt biện pháp mới nhất cũng cấm các cơ quan xếp hạng tín dụng của EU đưa ra xếp hạng cho Nga và các công ty Nga. EC cho biết sẽ gia tăng hạn chế quyền tiếp cận của Nga với các thị trường tài chính châu Âu.

EU cũng thống nhất tước bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga, mở đường cho các mức thuế trừng phạt áp vào hàng hóa của Nga hoặc lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn.

Trước đó, phương Tây đã có ba vòng trừng phạt liên tiếp áp lên Nga, bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như loại một số ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Theo Nguyên Hạnh/Tuổi trẻ