FastGo tự tin giành 40% thị phần trong hai năm tới
Trong khi doanh nghiệp ngoại chiếm thế thượng phong trên thị trường gọi xe Việt Nam thì các ứng dụng Việt tỏ ra khá yếu thế trên chính sân nhà.
Nếu nói đến ứng dụng của người Việt, FastGo là một cái tên được nhiều người nhắc đến nhất. Theo những tuyên bố từ phía đội ngũ FastGo thì đây là một ứng viên nhiều tiềm năng trong cuộc chiến giành lại thị phần từ các tập đoàn lớn.
Về FastGo, đây là ứng dụng gọi xe được phát triển bởi CTCP Công nghệ MPOS thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Nexttech. Ra mắt từ tháng 6 năm nay, hai tháng sau FastGo nhận được đầu tư từ quỹ VinaCapital.
Sắc xanh của Fast Go hiện đã phủ sóng tại địa bàn ba thành phố Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Ứng dụng của Fastgo cung cấp khá đa dạng các dịch vụ từ FastBike (xe ôm công nghệ), Fast Car (xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân) cho đến Fast Taxi (liên kết với các hãng taxi cung cấp giải pháp gọi xe trên ứng dụng FastGo) hay Fast Luxuxy (dịch vụ xe hơi sang trọng).
Trong chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" bàn về thị trường gọi xe công nghệ, Giám đốc điều hành của FastGo,C khẳng định: "Trong vòng hai năm tới, chúng tôi tự tin để có thể giành lấy 40% thị phần”.
CEO Nguyễn Hữu Tuất trong chương trình "Quốc gia khởi nghiệp". |
Hữu Tuất chia sẻ FastGo xác định đối thủ lớn nhất hiện nay là Grab. Trước khi FastGo ra mắt, Grab chiếm khoảng 98% thị phần tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi FastGo ra mắt thì ứng dụng Việt đã giành 10% thị phần.
“Xét về con số, sau hai tháng phát triển, chắc chắn FastGo gấp 10 lần, 20 lần so với Grab. Vì thể, chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng với phương pháp của mình (công nghệ và đặc biệt là chiến lược thị trường đúng đắn), chúng tôi có thể phát triển rất nhanh”, anh phát biểu.
Vị giám đốc nhấn mạnh rằng FastGo có văn phòng ở 8 nước, và tất cả các nước khu vực Đông Nam Á. Công ty có sẵn lượng khách hàng lớn với hơn 12 triệu người dùng và 40.000 đối tác doanh nghiệp.
"Chúng tôi có công nghệ được phát triển hơn ba năm rồi, chứ không phải là một startup mới ra đời. Ngoài ra, chúng tôi nhận sự ủng hộ rất lớn là các đối tác doanh nghiệp, đặc biệt là người dùng Việt, bởi vì FastGo là một ứng dụng phục vụ người Việt”, anh nói.
Không coi Mai Linh là đối thủ, mà là đối tác quan trọng
Khó khăn lớn nhất hiện nay của FastGo là cân bằng giữa tốc độ phát triển của số lượng lái xe và số lượng khách hàng. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng phải duy trì lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Theo anh, FastGo tạo ra một cơ hội mới cho các đối tác, và tôn trọng tất cả các đối tác bằng cách tạo ra một cơ chế chính sách khiến cho các đối tác vui vẻ và hạnh phúc. “Chúng tôi không tạo ra sự áp bức, chúng tôi không tạo ra sự khó chịu. Chúng tôi không tạo ra sự bức xúc với lái xe", anh nhấn mạnh.
Với câu hỏi Mai Linh có phải là một đối thủ của FastGo, anh Nguyễn Hữu Tuất trả lời: “Tôi chưa xem Mai Linh là đối thủ, mà đang coi Mai Linh là đối tác quan trọng của chúng tôi”.
Quan điểm của anh Tuất là hai đối thủ thường giành giật nhau một tập khách hàng. Riêng tại thời điểm hiện tại, FastGo hướng đến tập khách hàng hoàn toàn mới. Anh cho rằng FastGo không hướng vào khách hàng thường xuyên đi taxi truyền thống mà hướng đến tập khách hàng tương đối trẻ, muốn trải nghiệm các dịch vụ khác ngoài việc đi taxi. Bên cạnh đó, FastGo cũng có một chiến lược quan trọng là cung cấp ngược lại công nghệ và khách hàng cho các taxi truyền thống”.
Trước câu trả lời của vị giám đốc trẻ tuổi của một hãng xe công nghệ, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc của Taxi Mai Linh Miền Bắc trả lời: "Mai Linh sẵn sàng hợp tác, tiếp thu nghiên cứu các ứng dụng với mục tiêu đảm bảo được uy tín và chiến lược. Nếu họ không tham gia trực tiếp điều hành giá, không tham gia trực tiếp điều hành phương tiện và người lái thì chúng tôi cho rằng đó là những đơn vị kết nối phần mềm và chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu".
Tuy nhiên, theo ông Hùng, mọi doanh nghiệp tham gia tất cả các công đoạn để thực hiện kinh doanh sẽ thực sự là đối thủ của Mai Linh.
Nhắc đến Grab, ông cho rằng công ty này sử dụng tiền của các quỹ đầu tư, tặng chuyến hỗ trợ tài xế, thu hút khách hàng và tài xế, và kết quả là đã triệt tiêu được Uber. Và mục tiêu thứ hai là họ đang nhắm vào taxi truyền thống.
"Họ đang độc quyền, đó là thực tế hiển nhiên. Họ đã chiếm được một thị phần rất lớn, và họ xác định là họ đã độc quyền rồi", ông nhấn mạnh.
Với góc nhìn của một người kinh doanh lâu năm trong ngành nghề taxi truyền thống, ông nhận định cuộc cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống chưa có sự công bằng do sự khác biệt về điều kiện kinh doanh.
Ông cho rằng nếu điều kiện kinh doanh công bằng, Mai Linh tự tin cạnh tranh với Grab hay các hãng xe công nghệ. Hiện nay, Mai Linh vẫn đang tập trung bằng các nguồn lực, phát triển rộng trên quy mô rộng (đủ 63 tỉnh thành) với hơn 15.000 xe hoạt động và một bề dày văn hoá.
Tuệ An
Theo Kinh tế & Tiêu dùng