Forever 21 đứng trước bờ vực phá sản, vợ chồng nhà sáng lập người Hàn mất danh tỷ phú, tài sản giảm hơn 4 tỷ USD

31/08/2019 08:51

Theo Forbes, hai vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook đã không còn là tỷ phú với việc mỗi người chỉ còn sở hữu khoảng 800 triệu USD.


Theo Forbes, hai vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook đã không còn là tỷ phú với việc mỗi người chỉ còn sở hữu khoảng 800 triệu USD.

Mới đây, theo một số nguồn tin thân cận, hãng bán lẻ thời trang Forever 21 (F21) hiện đang gặp rắc rối về tài chính và đang đàm phán với các bên tư vấn để nộp đơn xin phá sản trong thời gian tới.

Năm 1981, hai vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook rời Hàn Quốc đến Mỹ và 3 năm sau, họ thành lập Forever 21 (ban đầu có tên là Fashion 21). Đây là một doanh nghiệp gia đình tư nhân khởi đầu từ một cửa hàng ở khu Highland Park, Los Angeles và hiện có khoảng 800 cửa hàng trên toàn thế giới với doanh thu hàng năm ước tính hơn 3 tỷ USD.

Các chuyên gia cho biết biểu tượng thời trang dành cho giới trẻ một thời này đã mất một lượng đáng kể người tiêu dùng trẻ khi họ có xu hướng chuyển sang những nhà bán lẻ khác, đặc biệt là cửa hàng trực tuyến. Nỗ lực thay đổi của hãng cũng không giúp ích là bao. Việc F21 mở rộng sang trang phục cho nam giới, trẻ em, bà bầu, đồ ngoại cỡ, mỹ phẩm cùng nhiều loại sản phẩm khác đã pha loãng cái "chất" vốn có của thương hiệu khiến khách hàng trẻ quay lưng.

Forever 21 đứng trước bờ vực phá sản, vợ chồng nhà sáng lập người Hàn mất danh tỷ phú, tài sản giảm hơn 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Cảnh tượng người mua chen chúc trước cửa hàng của F21 giờ đây có lẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Năm 2009, hãng có khoảng 450 cửa hàng. Thời điểm đó, F21 là một thương hiệu được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, công ty tiếp tục phát triển và mở thêm nhiều cửa hàng nữa.

Năm 2015 là thời kỳ kinh doanh đỉnh cao của công ty. Khi đó, Forbes ước tính tổng tài sản ròng của vợ chồng nhà sáng lập Do Won Chang và Jin Sook khoảng 5,9 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay, họ đã không còn là tỷ phú USD khi tổng tài sản giảm xuống còn 1,6 tỷ USD (tương đương 800 triệu USD mỗi người). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tình hình kinh doanh của F21, đặc biệt là sau khi công ty chuẩn bị nộp đơn xin phá sản do thất bại trong việc tái cơ cấu nợ.

Được biết để giảm chi phí hoạt động, F21 đã thu hẹp nhiều cửa hàng có diện tích lớn và nhượng lại một số cửa hàng outlet tiêu thụ sản phẩm tồn kho và hàng giảm giá cho các nhà bán lẻ khác. Năm ngoái, công ty đã bán tòa nhà trụ sở tại Los Angeles với giá 166 triệu USD.

Ngoài ra, thời gian gần đây, F21 đã đóng cửa nhiều cửa hàng ở các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc và Vương quốc Anh. Nếu F21 phá sản và đóng cửa hàng loạt cửa hàng, điều đó đồng nghĩa với việc một số đơn vị sở hữu trung tâm thương mại như Simon Property và Brookfield Property Partners sẽ gặp rắc rối. Lý do là vì F21 là một trong những khách hàng thuê mặt bằng kinh doanh lớn nhất của hai công ty trên.

F21 là đơn vị thuê lớn thứ 7 xét về giá trị tiền thuê mặt bằng với 99 cửa hàng trong danh mục của Simon Property. Tháng trước, CEO David Simon từng chia sẻ với các nhà phân tích rằng ông sẽ xem xét việc bơm thêm vốn cho các nhà bán lẻ đang gặp khó khăn (nhưng không nêu tên cụ thể) để họ không phải dừng hoạt động cửa hàng. Cách đây 3 năm, Simon đã giúp nhà bán lẻ quần áo dành cho khách hàng tuổi teen Aeropostale thoát khỏi cảnh phá sản.

Không riêng F21, nhiều nhà bán lẻ thời trang khác như H&M có rất nhiều cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng đang ít chi tiêu vào đó hơn. Trong khi doanh số sụt giảm, các công ty này vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và điều này khiến tình hình kinh doanh của họ càng trở nên tồi tệ hơn. Không những vậy, họ còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu thời trang trực tuyến đang được giới trẻ ưa chuộng như Lulus.


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/BI