Phân tích của Maybank Kim Eng về tham vọng mở rộng của FPT Retail với chuỗi cửa hàng công nghệ và nhà thuốc.
Đặt cược vào F.Studio
Tại cuộc họp giới thiệu nhà đầu tư, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), trình bày giản lược kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng của FPT. Bà cho biết, từ năm 2018 đến năm 2020, trung bình mỗi năm FPT Retail sẽ mở 100 cửa hàng, nâng tổng số lên 700 và dừng ở con số này. “Tiêu chí mở cửa hàng rất đơn giản: ở đâu cửa hàng của đối thủ có doanh thu trung bình 3 tỉ đồng/tháng, ở đó phải có cửa hàng của FPT”, bà Điệp nói.
Tuy nhiên, động lực nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng của FPT Retail: Chuỗi cửa hàng công nghệ FPT Shop, F.Studio hay nhà thuốc Long Châu? Đặt cược vào chuỗi F.Studio? Trong 6 tháng đầu năm, FPT Retail đã ghi nhận doanh thu đạt 7.480 tỉ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỉ đồng (tăng 29,8% so với năm trước).
Sau 6 năm hoạt động, FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ với hệ thống 473 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Theo kế hoạch, FPT Retail đang có 12 cửa hàng F.Studio và kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 102 cửa hàng. Việc đặt cược vào chuỗi F.Studio có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, song không thể phủ nhận tiềm năng tăng trưởng doanh thu từ chiến lược này.
F.Studio dự kiến sẽ là chuỗi cửa hàng độc quyền phân phối sản phẩm của Apple và các dịch vụ tiện ích đi kèm dưới các hình thức như AAR (Apple Authorized Reseller), APR (Apple Premium Reseller) và I-Corner. Lợi thế của FPT Retail là sự tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 được dự báo đạt mức 6,9% (so với mức 6,81% năm 2017), nền tảng vĩ mô được thiết lập vững chắc. Thu nhập bình quân đầu người tăng, từ đó kỳ vọng chi tiêu cho tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Business Monitor International vẫn dự báo lạc quan trong 5 năm tới sẽ có thêm hơn 6 triệu hộ gia đình gia nhập nhóm thu nhập 5.000-10.000 USD; chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 47% từ nay đến năm 2019. Sức hấp dẫn của thương hiệu Apple vẫn còn, nhưng có lẽ không còn hấp dẫn như xưa.
Tại thị trường Mỹ, mức tăng trưởng doanh thu của Apple và sản phẩm iPhone nói riêng có xu hướng giảm trong những năm trở lại đây. Doanh thu năm 2017 của Apple là 229 tỉ USD, chỉ tăng 6,3% so với năm trước. Từ đó có thể thấy, thay vì đặt cược hết vào sức hấp dẫn của thương hiệu Apple, FPT Retail vẫn mở rộng, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm tại cửa hàng F.Studio, qua đó nhằm tối ưu hóa sức mua từ người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc phát triển thêm mảng thương mại điện tử cũng là cơ sở để tăng tính cạnh tranh với những đại gia online như Lazada hay Tiki.
Song hành với nhà thuốc
Song hành với Long Châu Lãnh đạo FPT Retail đưa ra lộ trình mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu - mô hình chỉ tập trung bán thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Theo nhiều chuyên gia, mô hình này được đánh giá là thân thiện và phù hợp với văn hóa mua sắm của người Việt Nam.
Trích từ nguồn vốn đầu tư 300 tỉ đồng, FPT Retail đã đưa vào vận hành hơn 10 nhà thuốc tại TP.HCM và dự kiến mở thêm 20 cửa hàng trong năm nay. Sau 4 năm, tổng số nhà thuốc Long Châu dự kiến sẽ đạt 400 cửa hàng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có doanh thu trung bình mỗi tháng cao vượt trội so với các chuỗi có thương hiệu trên thị trường.
Ước tính, bình quân theo tháng, mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu hơn 3 tỉ đồng, trong khi chuỗi Pharmacity hơn 250 triệu đồng, Phano là hơn 400 triệu đồng, Eco hơn 580 triệu đồng và An Khang khoảng 750 triệu đồng. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao.
Ngoài ra, mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 nước có ngành dược đang phát triển (pharmerging) nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đến 40 USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước pharmerging.
Tiềm năng phát triển ngành vẫn còn rất lớn, nếu được khai thác hợp lý, đây sẽ là nguồn lực to lớn để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường ngành dược và vươn ra khu vực. Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước bình quân 5 năm 2017-2021 sẽ ở mức 11,5%/ năm. Dù thấp hơn mức 15,6%/năm bình quân giai đoạn (2012-2016), nhưng tỉ lệ tăng trưởng này vẫn cao hơn cả mức 6-9% bình quân của các nước pharmerging lẫn mức 4-7% bình quân toàn thế giới (theo dự báo của IMS Market Prognosis).
Trong đó, thuốc kê toa (prescription drug) (2017-2021) dự báo tăng 11,9%/năm, cao hơn thị trường chung. Hiện nay, cổ phiếu FRT đang được giao dịch ở mức P/E lũy kế 12 tháng là 16,7x, so với khu vực là 22,6x. Mức giá hiện tại phản ánh các yếu tố: (i) biên lợi nhuận hoạt động ở mức 2,9% khá thấp so với mức 6,8% của khu vực (ii) tỉ lệ đòn bẩy ở mức khá cao 4,4x so với khu vực là 2,5x. Tuy nhiên, vòng quay tiền mặt khoảng 33 ngày, tốt hơn so với khu vực là 37,2 ngày.
*(Phân tích của Mayban Kim Eng chỉ có giá trị tham khảo đối với nhà đầu tư)