Các “ông lớn” trong nước như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Vingroup đang “hối hả” mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực dược phẩm, tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở mảng này trước khi các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào.
FPT Retail, nhà bán lẻ điện thoại di động lớn thứ hai tại Việt Nam đã tiết lộ kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà thuốc của mình tại Đại hội cổ đông 2018 được tổ chức vào tuần trước.
FPT Retail đã mua chuỗi nhà thuốc Long Châu vào năm 2017, dự định sẽ mở thêm 30 cửa hàng mới trong năm nay. Từ nay đến năm 2022, FPT Retail tham vọng sẽ mở thêm 100 nhà thuốc, kiểm soát 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết những kinh nghiệm quản lý hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị kỹ thuật số sẽ giúp FPT Retail đạt được tham vọng của mình.
Trước đó, vào tháng 6/2017, một "ông lớn" khác trong lĩnh vực bán lẻ là Thế Giới Di Động đã công bố kế hoạch tham gia vào hoạt động kinh doanh phân phối thuốc. Tháng 12/2017, Thế Giới Di Động chính thức thâu tóm chuỗi dược phẩm Phúc An Khang.
Phân phối dược phẩm là một "miếng bánh béo bở" với các nhà bán lẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International, doanh thu bán lẻ dược phẩm sẽ tăng từ 4,7 tỷ USD năm 2017 lên 7,7 tỷ USD năm 2021.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện có 57.000 nhà thuốc. Tuy nhiên, các nhà thuốc của Việt Nam đang bị phân mảnh, trong đó nhiều doanh nghiệp nhỏ do các gia đình điều hành.
Chi tiêu thuốc trên đầu người đã tăng gấp 4 lần, đạt mức 40 USD trong 10 năm từ 1995-2015. Theo dự đoán, con số này sẽ đạt 55 USD vào năm 2021.
Theo Nikkei Asia thì cơ hội cho các nhà bán lẻ ở Việt Nam vươn sang thị trường phân phối dược phẩm là rất lớn. Bởi lẽ, năm 2007, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã không cam kết các điều khoản liên quan đến thị trường dược phẩm.
Tại Việt Nam, các lĩnh vực liên quan đến y tế được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ dược phẩm.
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể thâm nhập thị trường dược phẩm Việt Nam bằng cách liên doanh với các đối tác trong nước hoặc là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhập khẩu và bán dược phẩm cho hơn 1.000 nhà phân phối trong nước.
Có thể kể đến một số chuỗi cung ứng thuốc nhập khẩu vào Việt Nam như Diethelm của Singapore, Zuellig Pharma của Malaysia, Mega Lifesciences của Thái Lan.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài được cho là không tránh khỏi.
Sản xuất dược phẩm trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu của người dân. Nhập khẩu của Việt Nam từ các nước như Pháp, Ấn Độ và Đức tăng 16% mỗi năm.
Theo ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật Dược mới có hiệu lực từ tháng 1 năm 2017 sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm trong nước đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng vào năm 2020.
Luật khuyến khích sự tham gia của cả các doanh nghiệp tron và ngoài nước sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc chữa bệnh xã hội và vắc-xin cũng như hiện đại hoá hệ thống phân phối.
Mới đây, Dược Hậu Giang - một trong những đơn vị sản xuất dược phẩm lớn nhất cả nước - đã bán 24,5% cổ phần cho Taisho Pharmaceutical Holdings của Nhật Bản.
Hôm 2/4, thông tin về việc Tập đoàn Vingroup đang tiến hành thủ tục đầu tư một nhà máy dược phẩm có quy mô khoảng 9ha với công nghệ hiện đại nhất tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng đã được lãnh đạo tỉnh này xác nhận.
Ngay cả khi phân khúc phân phối và bán lẻ dược phẩm vẫn đang "đóng cửa" với các nhà đầu tư nước ngoài thì Chính phủ cũng đã giảm thuế đối với dược phẩm và mở rộng danh sách các nhà sản xuất cho khoảng 180 đơn vị trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm Sanofi (Pháp), Abbott (Hoa Kỳ), Stada (Đức ) và Nipro (Nhật Bản) đã trực tiếp đầu tư vào các cơ sở liên doanh và mua cổ phần của các công ty trong nước.
Các công ty Việt Nam được đầu tư là Traphaco, Domesco, Imexpharma, OPC Dược phẩm, Dược phẩm Cửu Long, Savipharm và Pymepharco.
Hoàng Lan/VNF